(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, người dân xã Trường Giang (Nông Cống) đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương hiện gặp không ít khó khăn, thách thức cần được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản tại xã Trường Giang

Những năm qua, người dân xã Trường Giang (Nông Cống) đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương hiện gặp không ít khó khăn, thách thức cần được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ.

Khu nuôi tôm công nghiệp Trường Giang.

Năm 2003, khi khu nuôi tôm công nghiệp Trường Giang tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch đã mở ra nhiều hy vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương. 66 ha đất sản xuất lúa vùng sâu trũng được chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp; trong đó, diện tích đầu tư xây dựng ao nuôi đạt trên 46 ha với 45 ao nuôi, còn lại là bờ bao, mương dẫn nước, đất trạm điện, khu nhà quản lý và các công trình phụ trợ khác. Thời gian đầu khi mới triển khai, do đồng đất chưa được “thuần hóa”, thiên tai hoặc do chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đồng đã thực hiện nuôi trồng ồ ạt, chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật và vấn đề xử lý môi trường, dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt, mất mùa liên tiếp xảy ra. Hệ luỵ là không ít hộ nuôi rơi vào cảnh trắng tay, doanh nghiệp thua lỗ tiền tỷ. Từ đó đến nay, đa phần các chủ đồng không “dám” nuôi tôm theo hình thức công nghiệp mà chuyển sang nuôi quảng canh các loài cá rô phi, trắm, chép..., thậm chí bỏ hoang ao, đầm.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Thế Hưng, ở thôn 7- một trong số ít những chủ đồng còn bám trụ từ dự án nuôi tôm công nghiệp. Ông Hưng cho biết: Gia đình ông thầu 10 ha khu ao đầm trong dự án nuôi tôm công nghiệp của xã. Nhưng do đầu tư không có lãi nên từ năm 2010, gia đình ông đã chuyển đổi hình thức sang nuôi xen canh tôm sú, cá rô phi, trắm, mè... Tuy hiệu quả kinh tế không đạt như kỳ vọng khi tham gia dự án nuôi tôm công nghiệp, song việc chuyển đổi hình thức và đối tượng con nuôi đã đem lại doanh thu khoảng từ 100 đến 120 triệu đồng/ha cho gia đình. Được biết, hiện tại còn 5 chủ đồng bám trụ tại dự án nuôi tôm công nghiệp xã Trường Giang. Theo lý giải của các chủ đồng, vì nhiều nguyên nhân, như: Không có nguồn giống bảo đảm chất lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định và sự tác động của tự nhiên như mưa bão, ô nhiễm nguồn nước nên các hộ không dám đầu tư nuôi tôm công nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết: Sau những năm đầu nuôi tôm công nghiệp bị thất bại, thua lỗ, các chủ đồng không còn mặn mà với việc nuôi công nghiệp mà chủ động chuyển đối tượng con nuôi gây ra tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, phân tán. Ngoài ra, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người nuôi chưa cao, chất thải, nước thải tự ý xả ra môi trường chưa qua xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững của nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương, khiến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng không được đầu tư tu sửa, xuống cấp nên nhiều vùng còn gặp khó khăn trong việc lấy nước, xả nước để cải tạo ao đầm. Những năm gần đây, thời tiết khí hậu thường xuyên biến đổi cũng gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Trong tháng 10-2017, trận lũ lụt đã làm thiệt hại hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản của địa phương... Từ những nguyên nhân đó khiến cho người nuôi trồng thủy sản địa phương e dè trong việc đầu tư, cải tạo hệ thống nuôi trồng quy mô lớn. Hiện nay, toàn xã có khoảng 6 ha ao đầm nằm trong quy hoạch dự án khu nuôi tôm công nghiệp bị bỏ hoang. Diện tích còn lại đa phần đã được các chủ đồng chuyển đổi hình thức và con nuôi khác xa với mục đích ban đầu như nuôi tôm sú xen cá trắm, trôi, mè, rô phi, nuôi ếch; phát triển trang trại tổng hợp...

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trường Giang định hướng cho người dân tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích đã quy hoạch. Trong đó, khuyến khích các chủ đồng chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo đảm đầu tư có hiệu quả kinh tế. Đồng thời, UBND xã đứng ra tín chấp với các ngân hàng để các hộ nuôi trồng thủy sản được khoanh nợ, giãn nợ và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Để tháo gỡ khó khăn trong nuôi trồng thủy sản tại xã Trường Giang, ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống, cho biết: Hiện tại, huyện đã chỉ đạo địa phương rà soát lại diện tích, đối tượng nuôi trồng của từng hộ trong vùng để có hướng hỗ trợ kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người nuôi. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là chính sách hỗ trợ xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch và bền vững.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]