(Baothanhhoa.vn) - Liên kết để có vùng sản xuất quy mô đủ lớn, duy trì sản phẩm liên tục gần như quanh năm. Đấu mối để tìm thị trường đầu ra, thậm chí qua các tổ chức, doanh nghiệp trung gian nhằm ký kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, phải có đủ tiềm lực để đầu tư các máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Những yêu cầu ấy dường như đang vượt quá khả năng của từng hộ sản xuất cá thể nên cần có một tổ chức là doanh nghiệp hay HTX đứng ra. Đó chính là yêu cầu tất yếu để phát triển sản phẩm OCOP hiện nay, mà nhiều nơi đang triển khai đúng hướng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Liên kết để có vùng sản xuất quy mô đủ lớn, duy trì sản phẩm liên tục gần như quanh năm. Đấu mối để tìm thị trường đầu ra, thậm chí qua các tổ chức, doanh nghiệp trung gian nhằm ký kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, phải có đủ tiềm lực để đầu tư các máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Những yêu cầu ấy dường như đang vượt quá khả năng của từng hộ sản xuất cá thể nên cần có một tổ chức là doanh nghiệp hay HTX đứng ra. Đó chính là yêu cầu tất yếu để phát triển sản phẩm OCOP hiện nay, mà nhiều nơi đang triển khai đúng hướng.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOPHTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) liên kết chặt chẽ với hàng trăm hộ dân địa phương để sản xuất các sản phẩm OCOP như chè búp, mật ong... Ảnh: Linh Trường

Tính đến trung tuần tháng 11 này, tỉnh Thanh Hóa đang có 59 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, đa phần chủ thể đứng ra tổ chức sản xuất - chế biến - phân phối đều là HTX hay doanh nghiệp; số hộ cá thể có sản phẩm OCOP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những sản phẩm tiêu thụ tốt, thị trường ổn định hầu như có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phát triển thị trường.

Sau khi du nhập thành công nghề nuôi chim yến từ các tỉnh phía Nam về Thanh Hóa để khai thác yến sào, anh Nguyễn Văn Tú ở thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) mất vài năm đầu chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài nguyên nhân là sản phẩm mới chưa có nhiều người biết đến, thì lượng sản phẩm nhỏ lẻ, không liên tục khiến sản phẩm yến khó tiêu thụ. Nhu cầu liên kết sản xuất trở thành vấn đề bức thiết nên tháng 9-2017, anh Tú thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh. Với “danh nghĩa” là doanh nghiệp, anh mới dễ dàng liên hệ với những cơ sở sản xuất yến trong tỉnh và một số tỉnh phía Nam để hợp tác.

Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh, khẳng định: Liên kết chính là yếu tố sống còn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào của chúng tôi. Sau nhiều năm chú trọng khâu này, hiện công ty đang có kết nối với Tập đoàn Siêu thị Bảo Minh, đưa sản phẩm yến vào hệ thống nhiều siêu thị tại TP Hà Nội. Bên cạnh đó, công ty cũng liên kết để thu mua đông trùng hạ thảo với Công ty Thuần Việt tại Hà Nội để chưng cất hỗn hợp, chế biến nước yến đông trùng hạ thảo. Một số đại lý tư nhân trong và ngoài tỉnh cũng được công ty đấu mối để xuất bán sản phẩm. Trong sản xuất, hiện công ty có thể kết nối với 200 nhà nuôi yến trên cả nước để có đủ sản phẩm nếu khách hàng yêu cầu số lượng lớn. Hiện tại, mỗi tháng, công ty xuất bán hơn 10 kg tổ yến khô, chế biến khoảng 10 kg yến thành nước yến các loại. Gần đây, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu được một số đợt đi Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Một điển hình khác trong liên kết sản xuất sản phẩm OCOP là tại xã bán sơn địa Bình Sơn của huyện Triệu Sơn. Nơi đây có 2 sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP là chè búp sạch Bình Sơn và mật ong hoa rừng nguyên chất Bình Sơn. Đơn vị chủ sở hữu 2 sản phẩm đặc trưng này là HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn.

Được biết, sản phẩm chè và mật ong ở đây đã có từ nhiều đời, nhưng hàng trăm hộ dân mỗi nhà sản xuất một kiểu, tự tìm thị trường đầu ra. Là xã được coi là “hẻo lánh” nhất, xa nhất của huyện Triệu Sơn nên bà con các dân tộc Mường, Kinh nơi đây không có nhiều điều kiện phát triển thị trường cho sản phẩm. Theo đó, chè búp ở đây ít người biết đến, giá trị kinh tế thấp. Tương tự, mật ong tuy chất lượng nhưng không có nhãn mác, nhãn hiệu nên khó khăn trong tìm đầu ra. Hiện toàn xã có tới 300 ha chè trên các triền đồi lượn sóng, cho sản lượng hơn 400 tấn chè khô mỗi năm.

Vài năm gần đây, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đứng ra liên kết với 20 hộ trồng chè trong xã với tổng diện tích hơn 30 ha. Các hộ được tập huấn kỹ thuật trồng và sao chè, phải tuân thủ sản xuất theo quy trình an toàn. HTX cũng liên kết với Nhà máy sắn Phúc Thịnh ở huyện Ngọc Lặc để nhập thường xuyên chất thải bã sắn trộn phụ gia làm phân bón cho chè. Không có các chất kích thích phát triển, không bón phân hóa học, tuân thủ quy trình theo yêu cầu của HTX... đã tạo nên uy tín chè Bình Sơn thời gian gần đây. Chè Bình Sơn được dán nhãn mác, phát triển thị trường theo nhiều kênh, trong đó kênh phân phối sản phẩm OCOP là quan trọng nhất. Với sản phẩm mật ong, HTX cũng liên kết với 400 hộ trong xã để có sản phẩm liên tục, số lượng lớn.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh - người được giao phụ trách theo dõi, phát triển Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Qua theo dõi thực tế, việc liên kết trong sản xuất cũng như phát triển thị trường sản phẩm OCOP đã trở thành xu thế.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]