(Baothanhhoa.vn) - Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn từ nội tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây. Trước bối cảnh này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 18-3-2023 về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 để lắng nghe, chia sẻ, từng bước tháo gỡ những vướng mắc cụ thể; đồng thời, động viên các “doanh nhân - người lính xung kích thời bình” vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng DN ngày càng vững mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn từ nội tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây. Trước bối cảnh này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 18-3-2023 về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 để lắng nghe, chia sẻ, từng bước tháo gỡ những vướng mắc cụ thể; đồng thời, động viên các “doanh nhân - người lính xung kích thời bình” vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng DN ngày càng vững mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệpSản xuất kính cường lực tại Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thanh Tâm (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa).

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn hoàn thành ở mức cao nhiệm vụ phát triển DN, với hơn 3.000 DN thành lập mới mỗi năm. Đến nay, toàn tỉnh đang có hơn 20.000 DN đang hoạt động. Cùng với chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng DN, doanh nhân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận những kết quả tích cực trong những năm khó khăn vừa qua. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Phát triển DN tỉnh, năm 2022 tổng doanh thu của khu vực DN đạt 486.993 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 5.013 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Các DN nộp ngân sách Nhà nước 13.670 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng thu nội địa, đạt 196,8% dự toán giao và tăng 36,3% so với cùng kỳ.

Ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN, doanh nhân, tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm, khích lệ đặc biệt đối với DN. Thanh Hóa cũng là một trong rất ít địa phương đi đầu trong hoạt động đối thoại, tiếp xúc DN định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng 1 lần, cộng đồng DN, các hiệp hội, ngành hàng, DN đều có cơ hội được phản ánh những khó khăn, bất cập trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực. Từ các hội nghị này, nhiều khó khăn, vướng mắc của DN đã được chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, triệt để. Đặc biệt, với các vấn đề đủ cơ sở, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ ngay tại hội nghị.

Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 được tổ chức tới đây do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì là sự quan tâm, thấu hiểu đặc biệt của tỉnh dành cho cộng đồng DN. Đây cũng sẽ là cơ hội để các DN kiến nghị đa dạng lĩnh vực và được thông tin, giải đáp, tháo gỡ trực tiếp; cũng như được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vướng mắc phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Vận chuyển thép cuộn đi tiêu thụ tại Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn (KKTNS).

Để tổ chức tốt công tác tiếp nhận kiến nghị, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội DN nữ tỉnh, Hiệp hội DN Dệt may, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội đá, Hiệp hội DN Dược tư nhân, Hiệp hội DN Cựu chiến binh... đã thông tin tới các DN, hội viên gửi kiến nghị những khó khăn, vướng mắc và đề xuất trên nhiều lĩnh vực hoạt động, như giao thông, xây dựng, bất động sản; phát triển kinh tế nông nghiệp và DN khoa học công nghệ; khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); khó khăn của ngành dệt may và hoạt động khai thác vật liệu xây dựng; đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách đối với hoạt động vận tải, taxi, phát triển DN do nữ làm chủ, DN trẻ khởi nghiệp; những bất cập trong phát triển y tế tư nhân và tiếp cận đất đai...

Ngày 21-3 vừa qua, Hiệp hội DN tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đồng thời, tiếp tục thông tin để các DN nắm bắt, tiếp tục kiến nghị các vấn đề liên quan gửi tới hiệp hội. Đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Các DN đã nêu, kiến nghị nhiều vướng mắc, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tháo gỡ, như tiêu chuẩn các quy định về PCCC mới áp dụng cao so với các nước trên thế giới và khu vực, khiến DN khó đáp ứng được trong thời gian ngắn; tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao và biến động thất thường, gây khó khăn cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng và công tác giải ngân của các dự án. Trong khi đó, việc xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường; vướng mắc trong quy trình đấu giá mỏ nguyên liệu; đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ đối với DN may mặc, giày da gặp khó khăn do thiếu đơn hàng... Hiệp hội DN tỉnh đã thống kê, tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh chỉ đạo các ngành giải đáp, tháo gỡ cùng DN.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệpTàu lai dắt của Công ty CP Cảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa làm nhiệm vụ trên cảng.

Với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), căn cứ nhiệm vụ được giao, đơn vị cũng đã khẩn trương thông tin, đấu mối với các DN thuộc địa bàn quản lý để tập hợp các kiến nghị, vướng mắc. Hiện các DN KKTNS&CKCN kiến nghị tỉnh vào cuộc tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án cũng như tạo thuận lợi cho sản xuất, điển hình, như: Công ty TNHH PECI Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh, Ban Quản lý KKTNS&CKCN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng hành và tạo điều kiện giải quyết nhanh hơn về thủ tục hồ sơ chấp thuận đối với chuyên gia, lao động người nước ngoài; Công ty CP Cảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh, Ban Quản lý KKTNS&CKCN sớm quy hoạch khu vực đổ thải phục vụ duy tu, nạo vét cảng thường xuyên cho các DN khai thác cảng; Công ty CP Phú Nam Sơn đề nghị xem xét lại giá tính thuế phù hợp với giá bán đá thực tế vì trên thực tế tổng các loại thuế như thuế tài nguyên, thuế môi trường, giá thuê đất, tiền cấp quyền khai thác... quá cao hơn giá thành sản phẩm... Hiện Ban Quản lý KKTNS&CKCN cũng đã gửi các kiến nghị này về Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị các sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Được biết, cùng với những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh liên quan đến thủ tục, quy định, nghị định... tiếp cận vốn cũng là một vấn đề được nhiều DN kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan.

Ông Lôi Quang Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ DN năm 2023, đơn vị đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị nhiệm vụ theo phân công. Đặc biệt, với công tác tiếp nhận ý kiến, ngay sau khi nhận được tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội DN tỉnh, Ban Quản lý KKTNS&CKCN, đơn vị đã chủ động phân loại theo nhóm lĩnh vực. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo thẩm quyền chức năng để tham mưu giải quyết, trả lời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, bảo đảm hội nghị diễn ra chất lượng, hiệu quả, đạt được kỳ vọng gửi gắm của cộng đồng DN.

Chung tay “giữ lửa” động lực cho doanh nghiệp

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Sau thời gian chống dịch COVID-19, “sức khỏe”, khả năng “chống chịu” của doanh nghiệp (DN) cũng đã bị “bào mòn” phần nào. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục có nhiều bất ổn, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, để chống lạm phát, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ cũng khiến DN gặp nhiều khó khăn về huy động vốn. Tuy Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng “khoảng cách” để tiếp cận chính sách còn khá xa, ít DN được thụ hưởng do không bảo đảm tiêu chí và thủ tục còn rườm rà. Cùng bối cảnh đó, việc áp dụng, thực thi một số quy định mới tại thời điểm này khiến DN khó đáp ứng. Thực trạng tổng số DN đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ, nhưng số DN giải thể, ngừng hoạt động lại tăng so với cùng kỳ ở những tháng đầu năm đã thể hiện rõ nét khó khăn này.

Để hỗ trợ thiết thực nhất cho cộng đồng DN hiện nay, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Trong đó, ngoài vấn đề tiếp cận tín dụng, cộng đồng DN mong mỏi sự vào cuộc chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt hoạt động đang cấp thiết hiện nay, như giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện trong vấn đề tiếp cận đất đai, cập nhật kịp thời giá nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh...

Ngày 27-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây có thể xem là bước ngoặt trên hành trình vươn tới khát vọng thịnh vượng của tỉnh Thanh Hóa. Cộng đồng DN xác định rõ vai trò của mình trên nhiệm vụ, hành trình phát triển chung của cả tỉnh. Tuy nhiên, cộng đồng DN cần sự hỗ trợ trách nhiệm hơn nữa từ các cấp để tiếp tục “nuôi dưỡng” ý chí, khát vọng, “giữ lửa” động lực trên hành trình phía trước.

Cao Tiến Đoan

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa

Chờ đợi những đột phá, đồng bộ trong điều hành, hỗ trợ DN

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Cùng với những chỉ đạo mạnh mẽ trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, DN cũng ngày càng cảm nhận rõ rệt hơn những đổi mới trong công tác điều hành của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh tới cơ sở hiện nay. Trong đó, đáng ghi nhận là việc các cấp, các ngành đang mạnh mẽ hơn trong công tác cải cách, ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN và người dân.

Tuy nhiên, DN vẫn mong mỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng điều hành, hỗ trợ DN một cách đồng bộ hơn. Nếu làm được điều này sẽ giải quyết những hạn chế, yếu điểm “sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở cấp sở, ngành”. Do đó, tại hội nghị gặp gỡ DN năm 2023, kỳ vọng lãnh đạo tỉnh sẽ có những chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể hơn, hiệu quả hơn cho các cấp thực thi nhiệm vụ ở từng kiến nghị cụ thể; tháo gỡ cho DN những khó khăn, vướng mắc đang nổi cộm trên nhiều mặt hoạt động, từ thủ tục đầu tư dự án tới quá trình sản xuất, kinh doanh. Và sau hội nghị này, phương pháp điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của DN được duy trì, tiếp tục đổi mới, bám sát với tình hình thực tiễn. Cùng với chỉ đạo giải quyết trong phạm vi thẩm quyền, DN cũng mong muốn tỉnh sát sao với DN, tập hợp những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Chính phủ, các cơ quan Trung ương tháo gỡ, nhất là những khó khăn liên quan tới công tác phòng cháy, chữa cháy, các tiêu chí quy định thụ hưởng chính sách kích cầu tín dụng...

Trịnh Xuân Lượng

Chủ tịch Hội DN thị xã Bỉm Sơn

Tháo gỡ khó khăn về PCCC để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Hiện nay, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc về vấn đề PCCC, từ các DN sản xuất, kinh doanh thương mại tới dịch vụ lưu trú, dịch vụ karaoke... Các quy chuẩn về PCCC của Việt Nam hiện nay mới ban hành theo Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong một thời gian ngắn, nhưng cơ quan có thẩm quyền yêu cầu DN phải đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn mới được sản xuất hoặc khôi phục hoạt động là điều rất khó khăn. Nguyên nhân là DN sẽ phải đầu tư xây dựng lại nhiều hạng mục công trình nhà xưởng, công trình hạ tầng PCCC trong khi diện tích không đủ, chi phí cao. Không những vậy, nhiều DN có đủ điều kiện, năng lực đầu tư để khôi phục hoạt động sản xuất lại gặp vướng mắc do một số quy định pháp luật liên quan đến PCCC vẫn chưa được rõ ràng hoặc không cụ thể. Điển hình như hiện toàn tỉnh có 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar và loại hình tương tự đều đang bị yêu cầu dừng hoạt động do bị đình chỉ để cải tạo, khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC. Hiện nay khi sắp vào mùa du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh tại TP Thanh Hóa, các địa phương có hoạt động du lịch, như TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hoằng Hóa rất muốn khôi phục dịch vụ nhưng do chưa có quy định chi tiết về vật liệu PCCC nên chưa hoàn thiện được công tác nghiệm thu để đưa vào hoạt động trở lại.

Do đó, DN mong muốn tỉnh kiến nghị ngành công an sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn cần thực hiện, các văn bản, quy định pháp luật, quy trình, thủ tục hồ sơ PCCC từ thiết kế, thẩm duyệt, đến nghiệm thu; đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét, trên cơ sở phân nhóm nguy cơ cháy nổ, để giãn lộ trình thực hiện một số quy định PCCC trong thời gian từ 3 - 5 năm để DN có điều kiện khắc phục.

Bùi Thị Thu Hà

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Thanh Hóa,

Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Việt Đức

Hướng dẫn kịp thời các thủ tục hành chính liên quan cấp khai thác VLXD

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm tư, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều DN trong lĩnh vực khai thác vật liệu đang gặp khó khăn do trữ lượng khai thác đã gần hết nhưng chưa thực hiện xong thủ tục xin mở rộng quy mô. Thực trạng này khiến vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh bị khan hiếm, không đủ phục vụ nhu cầu xây dựng, nhất là các công trình giao thông, giá nguyên vật liệu bị đẩy lên cao và biến động thất thường. Điển hình như tại Hiệp hội DN Đá Thanh Hóa, trước đây nhu cầu thị trường ít nên DN hoạt động ở quy mô nhỏ, xin cấp diện tích khai thác hẹp. Những năm gần đây, khi nhu cầu thị trường tăng cao, DN có nhu cầu mở rộng diện tích khai thác và đã có văn bản xin mở rộng quy mô nhưng vẫn đang chờ kế hoạch đấu giá của tỉnh để có thể sớm đưa vào hoạt động khai thác.

Để tạo thuận lợi cho DN sớm được cấp phép mở rộng khai thác mỏ, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế nhu cầu VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định đấu giá và cấp phép khai thác cho các mỏ xin mở rộng, để bảo đảm yêu cầu cung ứng VLXD trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, xác định trữ lượng cần tiêu thụ để cấp phép khai thác tại mỏ, bảo đảm phù hợp giữa các chủng loại. Xem xét, tính toán trữ lượng hợp lý giữa việc sử dụng các vật liệu, như đất, đá, cát, sỏi... để cân bằng trữ lượng khai thác từ các mỏ cung cấp phù hợp, tránh tình trạng xung đột về khối lượng khi đầu ra từ mỏ được khai thác quá ít, mà đầu vào phục vụ cho dự án quá lớn, khiến DN có thể phải tìm kiếm chứng từ nhằm hợp thức hóa chi phí, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Nguyễn Văn Thọ

Chủ tịch Hiệp hội Đá Thanh Hóa

Bài và ảnh: Minh Hằng

Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]