Doanh nghiệp may mặc cần linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 286 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực may mặc; trong đó, có 254 DN Việt Nam và 32 DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa, đóng tại thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc). Ảnh: Minh Hằng
Phần lớn các DN may trong tỉnh sản xuất gia công cho các đối tác đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Từ quý III -2022, lạm phát tăng cao và tình hình kinh tế toàn cầu gặp khó khăn đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa may mặc. Trước khi “trông chờ” vào sự thay đổi tích cực từ thị trường truyền thống, việc chủ động thích ứng thị trường mới, đơn hàng mới sẽ là giải pháp hữu hiệu để DN không bị gián đoạn sản xuất và giữ ổn định việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: Với các DN may mặc Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng là có một thị trường tiêu thụ nội địa khá lớn. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng hàng Việt đang ngày càng thịnh hành cũng là cơ hội để DN may mặc “thử sức” ở thị trường nội địa. Với riêng Thanh Hóa, lực lượng lao động đông và đơn giá nhân công rẻ hơn một số tỉnh, thành phố, cũng là ưu thế để các DN có thể tồn tại, thích ứng trong bối cảnh này. Hiện nay, thị hiếu tiêu dùng hàng Việt cũng có nhiều phân khúc, từ bình dân đến cao cấp. Các DN có thể lựa chọn 1 phân khúc phù hợp với trình độ sản xuất, máy móc, nhân công hiện có để tạo ưu thế sản xuất và cạnh tranh giá cả. Nhất là trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng như hiện nay, việc chấp nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ cũng là một cách để DN tồn tại.
Thực tế, một số DN may mặc trong tỉnh cũng đã sớm nhanh nhạy nắm bắt tình hình thị trường, triển khai những giải pháp thích ứng phù hợp để không bị ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động. Điển hình như tại Công ty TNHH may Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), những ngày giáp Tết Nguyên đán năm nay, tuy không tăng ca sản xuất, nhưng toàn bộ lực lượng lao động 1.000 người của 2 cơ sở sản xuất tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Yên Định vẫn chưa bị cắt giảm ngày công, giờ làm việc. Chị Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty, cho biết: Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu là Mỹ và châu Âu - những quốc gia đang chịu tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế. Vì có lợi thế với nhiều chứng chỉ quốc tế uy tín, công ty vẫn luôn được khách hàng là những thương hiệu thời trang nổi tiếng ưu tiên “giữ mối” ở một số lượng hàng hóa nhất định. Để bù đắp sản lượng bị sụt giảm, DN đã chủ động đưa “hồ sơ năng lực” lên nhiều trang giao dịch quốc tế để tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới. Đồng thời, nhận sản xuất cả những đơn hàng nhỏ từ 500-1.000 sản phẩm. Mặc dù chuyên về sản xuất hàng mỏng như sơ mi nhưng trong bối cảnh hiện nay DN cũng nhận thêm một số đơn hàng khác như jac-ket hay một số sản phẩm khác khi khách có nhu cầu và hợp tác với các DN có máy móc phù hợp để gia tăng hiệu quả sản xuất. Năm 2022, công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất với 2,4 triệu sản phẩm xuất khẩu, doanh thu đạt khoảng 5 triệu USD, thu nhập của lao động hiện ổn định ở mức 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH may Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn).
Để duy trì sản xuất, nhiều DN may trong tỉnh cũng đã linh hoạt về thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, làm những đơn hàng nhỏ, ngắn hạn với chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điển hình như hệ thống nhà máy may của Tổng Công ty Tiên Sơn, đã thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, nâng tỷ lệ hàng trong nước lên từ 20-25% trong tổng sản lượng sản xuất.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và ngành công thương, tình hình khó khăn trong ngành hàng dệt may sẽ còn kéo dài sang đến quý III-2023. Xác định sẽ phải tiếp tục “đối diện” với tình trạng này, bên cạnh việc chủ động thích ứng, cắt giảm các khoản chi phí, tăng năng suất lao động bằng việc đầu tư máy móc hiện đại, thì việc mở rộng hơn thị trường với đơn hàng nhỏ, chấp nhận đơn hàng giá thấp sẽ là những giải pháp tình thế để các DN vượt qua khó khăn trước mắt.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
- 2023-06-05 10:53:00
Cấm Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Phú Giang tham gia hoạt động đấu thầu
- 2023-06-02 15:28:00
Kiểm tra, sát hạch nội bộ các chức danh vận hành tại Nhà máy thủy điện Trung Sơn
- 2022-12-31 16:03:00
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn tổng kết hoạt động SXKD, Công đoàn năm 2022 và Hội nghị Người lao động năm 2023
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa: “Quả ngọt” trong công tác an sinh xã hội
Khẳng định vai trò chủ lực trong lĩnh vực đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Nhà máy thủy điện Trung Sơn kiểm tra tình trạng thiết bị sau mùa mưa lũ năm 2022
Tài chính vi mô Thanh Hóa một năm hoạt động hiệu quả
Ấm áp những ngôi nhà Agribank
Vạch đường hướng cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
2 công ty bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Dịch vụ lắp mạng internet Viettel tại Thanh Hóa uy tín
Đối tác kinh doanh hưởng lợi gì từ J&T Express mùa cuối năm