(Baothanhhoa.vn) - ua bao biến đổi, thăng trầm, nhưng những làng nghề truyền thống ở xứ Thanh vẫn mang trong mình một nét đẹp riêng không nơi nào sánh được.

Nét đẹp làng nghề truyền thống ở xứ Thanh

ua bao biến đổi, thăng trầm, nhưng những làng nghề truyền thống ở xứ Thanh vẫn mang trong mình một nét đẹp riêng không nơi nào sánh được.

Nét đẹp làng nghề truyền thống ở xứ ThanhBên cạnh chiếu cói truyền thống, các sản phẩm mỹ nghệ từ cói (thảm ngồi, làn cói...) ở Nga Sơn đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Cùng nhau giữ lửa

Từ bao đời nay, làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã nổi danh với nhiều sản phẩm tinh xảo như: trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương... Những sản phẩm độc đáo ấy được làm từ những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động.

Là người tiên phong trong việc khôi phục nghề đúc đồng truyền thống ở Thanh Hóa, nghệ nhân Lê Văn Bảy, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, cho biết: “Chẳng biết, nghề đúc đồng có từ bao giờ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ gắn bó với nghề này rồi. Nghề đúc đồng tưởng dễ mà khó vô cùng. Bởi, để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, ngoài nguyên liệu gồm các loại đồng (đồng thau, đồng chuông, đồng máy, đồng nát...) người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ đến từng chi tiết... Và kỹ thuật đúc đồng chính là yếu tố quyết định đến thành công của sản phẩm”.

Theo ông Bảy, đúc đồng không chỉ là nghề nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kỹ năng. Từ nấu đồng, thổi bễ, dập bễ, rót đồng vào khuôn, giữ ngọn nước đồng... tất cả đều phải thực sự điêu luyện, không thể làm bừa. Và người làm nghề chỉ thành công khi thực sự “thuộc” nghề, trải nghề.

“Với bất cứ nghề nào cũng có thể “học mót”, nhưng riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng song vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề”, nghệ nhân Lê Văn Bảy bộc bạch.

Qua các tài liệu cho biết, nghề đúc đồng của làng Trà Đông gắn với truyền thuyết về Thánh Sư Không Lộ Nguyễn Minh Không - vị tổ sư của nghề đúc đồng ở nước ta (thời Lý). Sau khi từ phương Bắc trở về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ chu du khắp nước tìm đất tốt làm khuôn đúc đồng.

Khi đến vùng đất Trà Sơn Trang (làng Trà Đông ngày nay) thì tìm được đất làm khuôn ưng ý, đem về Lam Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí. Nhận thấy Trà Đông là vùng đất tốt, hai học trò họ Vũ của Thánh Sư Không Lộ đã quay trở lại đây mở lò đúc đồng, truyền dạy nghề cho người dân.

Hay như nghề rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, từ xa xưa nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... mà ít có nơi nào sánh được. Người dân nơi đây không nhớ rõ, nghề có từ khi nào, từ đời này qua đời khác, họ chỉ biết đến nghề thông qua lời kể của ông bà, cha mẹ.

Là một trong những người có thâm niên trong nghề, ông Kiều Văn Viễn, làng nghề Tiến Lộc bộc bạch: “Kể từ khi còn nhỏ chúng tôi đã thấy dân làng làm nghề rèn. Với những người làm nghề này, họ không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân. Những sản phẩm được tạo ra bởi những đôi tay tài hoa, sự tỉ mỉ, mồ hôi, công sức của người thợ rèn. Tất cả chứa đựng đầy đủ những tinh hoa, nét đặc trưng của làng rèn truyền thống này. Chính vì thế, qua hàng trăm năm, sản phẩm từ nghề rèn xã Tiến Lộc đã có mặt ở hầu khắp địa phương trên cả nước. Và chúng tôi có nhiệm vụ phải kế thừa và lưu truyền những điều tốt đẹp mà ông cha đã gây dựng”, ông Viễn nói.

Làm nên sự khác biệt

Từ bao đời nay, xứ Thanh nổi danh với các tên tuổi làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Trà Đông, bánh gai Tứ Trụ, mộc Đạt Tài, chiếu cói Nga Sơn, bánh đa làng Chòm, hương Quán Giò...

Với người dân Nga Sơn, màu xanh mướt của cánh đồng cói đã từng là niềm tự hào, kiêu hãnh một thời. Thậm chí, chiếu cói Nga Sơn từng được xem như vật phẩm tiến cống dưới thời nhà Nguyễn. Thế nhưng, qua biến đổi thăng trầm của thời gian, nghề cói tưởng chừng như đứt gãy.

Nền kinh tế - xã hội phát triển, thị hiếu người tiêu dùng cũng thay đổi... đã khiến cho những sản phẩm từ cây cói dần mất chỗ đứng trên thị trường. Điều đó, khiến người trồng cói tưởng chừng buông bỏ. Nhưng bằng tình yêu, sự day dứt về nghề đã khiến người dân nơi đây quyết không để cói chết, nghề mất.

Bên cạnh chiếu cói Nga Sơn truyền thống, hiện đã có không ít những sản phẩm mỹ nghệ từ cói thu hút thị hiếu của khách hàng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm mỹ nghệ từ cói (thảm ngồi, làn cói...) như muốn khẳng định bước đi vững chắc của nghề cói ở Nga Sơn trên con đường chinh phục thị trường.

Bà Mai Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Phương, thị trấn Nga Sơn chia sẻ: Nhiều năm nay, nghề dệt chiếu cói truyền thống lâu đời ở huyện Nga Sơn dần mai một. Vì vậy, nhiều cơ sở dệt cói trên địa bàn đã tìm cho mình hướng đi mới là chuyển sang sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ. Ngoài sản phẩm chiếu, các sản phẩm được làm bằng nguyên liệu cói, cỏ, rơm, bèo tây vừa cho thu nhập cao, vừa giữ được nghề đan lát truyền thống nên được người dân nơi đây giữ gìn, phát triển. Hiện các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như: thảm, giỏ đựng đồ, chiếu, khay giấy, đôn ngồi, bàn, ghế... đang được thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Đan Mạch... ưa chuộng do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Khác với những nghề truyền thống khác, không cần đến những kỹ thuật tinh xảo, tỉ mỉ nhưng món bánh gai Tứ Trụ của người làng Mía (hay còn gọi là làng Thịnh Mỹ), xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân từ xưa đã nức tiếng xa gần. Khởi phát từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV, những người dân làng Mía vẫn miệt mài giữ gìn và phát triển nghề ngày một hưng thịnh hơn.

Theo tìm hiểu, trước những năm 40 của thế kỷ 20, bánh gai làng Mía được bày bán ở phố Tứ Trụ thuộc tổng Diên Hào (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) người mua thường gọi là bánh gai Tứ Trụ, lâu rồi thành quen. Đến nay, bánh gai Tứ Trụ đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong cả nước.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thắm, chủ cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm, thôn Thịnh Mỹ 2, xã Thọ Diên, cho biết: “Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm nghề rồi. Làm bánh gai không khó, nhưng để làm được chiếc bánh đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì không phải dễ. Bởi muốn bánh gai ngon, trước hết nguyên liệu phải chuẩn về chất lượng. Gạo nếp phải là loại gạo dẻo thơm, hạt đậu xanh chắc mẩy.

Quá trình pha trộn nguyên liệu cũng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và thêm một chút bí quyết gia truyền để tạo nên sự đặc biệt của bánh gai truyền thống của địa phương. Sự hòa quyện từ vị dẻo mềm của gạo nếp, vị bùi thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn những sợi dừa tươi, sự ngọt ngào đặc trưng của mật mía... đã tạo nên một chiếc bánh gai Tứ Trụ riêng biệt. Là thế hệ con cháu, chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại”.

Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN), 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề. Trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm: nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hậu Lộc...). Và nhóm làng nghề sản xuất TTCN (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thiệu Hóa...).

Mỗi làng nghề truyền thống ở xứ Thanh đều mang một vẻ đẹp, độc đáo riêng. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời này ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]