ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề xuất giao quyền chủ động cho ngành GD&ĐT trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên
Sáng 6/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo.
ĐBQH Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hoá.
Tham gia góp ý, ĐBQH Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hoá cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị chu đáo, công phu; được tổ chức góp ý, tiếp thu và chỉnh sửa nhiều lần, đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thảo luận bước cuối cùng và thông qua theo quy định.
Sau khi nghiên cứu dự thảo ngày 16/4/2025 Luật Nhà giáo, đại biểu đồng tình và thống nhất cao với dự thảo luật, trong đó thống nhất với những điểm căn bản đó là:
Đối tượng và phạm vi của dự thảo Luật khá rộng và bao quát, bao gồm nhà giáo thuộc biên chế, hợp đồng lao động, nhà giáo là người nước ngoài trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Giao quyền chủ trì tham mưu về tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); giao quyền chủ trì tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Những quy định này sẽ giúp ngành GD&ĐT chủ động trong việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế tại cơ sở giáo dục.
Quy định cụ thể về việc điều động, biệt phái, thuyên chuyển đội ngũ nhà giáo, trong đó quan tâm đến việc bảo lưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo thuộc diện điều động, biệt phái, thuyên chuyển và các chính sách nhằm tăng cường và giữ ổn định đội ngũ nhà giáo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy định cụ thể về dạy liên trường, liên cấp phù hợp với thực tiễn về dạy liên trường, liên cấp tại các địa phương trong thời gian qua, đồng thời phù hợp với việc giải thể cấp huyện, sáp nhập cấp xã trong thời gian tới.
Đã cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 27-NQ/TW: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; đồng thời quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, chính sách trọng dụng đối với nhà giáo, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn (so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường) đối với giáo viên mầm non và cao hơn đối với nhà giáo có trình độ cao đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên mầm non và động viên được nguồn nhân lực có chất lượng cao làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Bên cạnh đó, với mong muốn Luật Nhà giáo sau khi được ban hành sẽ ngày càng phát huy tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng đội ngũ nhà giáo tại cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành giáo dục, đại biểu có một số góp ý đó là:
Tại khoản 6 Điều 4 dự thảo luật về giải thích từ ngữ quy định: “6. Người đứng đầu cơ sở giáo dục là hiệu trưởng, giám đốc của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục”. Đề nghị cần xem xét rà soát để bảo đảm rằng khái niệm về người đứng đầu cơ sở giáo dục không chỉ bao gồm có hiệu trưởng và giám đốc. Trên thực tế hiện nay, người đứng đầu cơ sở giáo dục còn có thể là chủ cơ sở tư thục, chủ hộ kinh doanh cá thể... Việc quy định chặt chẽ về người đứng đầu cơ sở giáo dục là cơ sở cho việc thực hiện các quy định có liên quan được thuận lợi; đồng thời bảo đảm cho việc xác định các ràng buộc pháp lý mà cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội và trước pháp luật.
Đối với quy định tại Điều 7 về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo: Tại khoản 3 quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này được thực hiện theo năm học hoặc khóa học”. Đề nghị xem xét lược bỏ quy định tại khoản 3 nêu trên, bởi lẽ nếu quy định như vậy xét về mặt logic thì các điểm còn lại của khoản 2 ngoài điểm a, điểm b cũng cần quy định rõ thời điểm thực hiện. Mặt khác, nội dung như quy định tại khoản 3 cũng là không cần thiết vì không có ý nghĩa, trên thực tế các hoạt động như quy định tại điểm a và điểm b luôn được quy định trong kế hoạch công tác của các cơ sở giáo dục. Nếu cần phải quy định cụ thể về thời điểm thực hiện các nội dung này, thì đây cũng là vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan thuộc Chính phủ.
Dự thảo luật, quy định việc tuyển dụng, tiếp nhận đội ngũ nhà giáo đã giao cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì thực hiện hoặc giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo phân cấp. Đề nghị các điều khoản khác về thuyên chuyển nhà giáo, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng cần được điều chỉnh hướng này, theo đó cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thuyên chuyển, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Về lý do, theo đại biểu đề xuất đó là cần giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong chủ trì thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nhằm giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục, giữa các đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đại biểu cũng đề nghị thống nhất chủ trương phân cấp và giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo tại Luật Nhà giáo với các luật sửa đổi Luật viên chức, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Lý do là hiện nay, song song với việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, cấp có thẩm quyền đồng thời thực hiện sửa đổi một số luật như Luật Viên chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... nhằm đảm bảo phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp đồng bộ và tổng thể, thống nhất giữa các luật nhằm tránh sự trùng lặp trong quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2025-05-06 18:00:00
[Bản tin 18h] Khẩn trương lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 2013
-
2025-05-06 16:55:00
Đoàn ĐBQH Thanh Hoá tham gia góp ý vào 3 dự án luật
-
2025-05-06 12:00:00
ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Cần có nguyên tắc bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập với ngoài công lập
Đề xuất không bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND khi kiện toàn bộ máy
Chuẩn bị Lễ khởi công, khánh thành các dự án quy mô lớn kỷ niệm Quốc khánh 2/9
Thọ Xuân công bố đặt tên đường, phố trên địa bàn huyện
Thủ tướng: Khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án kỷ niệm 80 năm Quốc khánh
Viện trưởng VKSND Tối cao điểm tên nhiều vụ cấu kết tinh vi giữa cán bộ với doanh nghiệp
Tên các xã sau sắp xếp tại huyện Quảng Xương
Hơn 2.700 đại biểu dự Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam
Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
Công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp