Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục
Chuyển đổi số (CĐS) là 1 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục xác định đẩy mạnh thực hiện trong năm học 2024-2025. Tại Thanh Hóa, các trường học cũng đang tích cực triển khai CĐS trong hoạt động giảng dạy, quản lý điều hành, xây dựng trường học thông minh... qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô trò Trường Tiểu học Thọ Lập (Thọ Xuân) trong giờ học môn Âm nhạc.
Trường Tiểu học Tây Hồ là một trong những trường học đầu tiên của huyện Thọ Xuân xây dựng được phòng học thông minh, việc tích cực CĐS trong hoạt động giảng dạy và cải cách hành chính hiệu quả, góp phần đưa Trường Tiểu học Tây Hồ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023-2024 và xếp thứ nhất trong toàn bậc học.
Phục vụ đắc lực cho hoạt động CĐS trong nhà trường là hệ thống trường học đạt chuẩn với 1 phòng học thông minh có màn hình tương tác thông minh 75 inch, loa trợ giảng; 14 phòng học còn lại cũng được trang bị tivi, máy chiếu, hệ thống loa, tất cả đều được kết nối mạng internet, các thầy cô giáo trong nhà trường đều có máy tính xách tay phục vụ cho hoạt động soạn, giảng... Ngoài ra nhà trường còn có phòng học Tin học với đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.
Cô Vũ Thị Lài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ, cho biết: Thực hiện CĐS trong giảng dạy, quản lý và giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, thời gian qua, nhà trường đã tích cực đổi mới công tác giảng dạy, quản lý giáo dục. Cùng với việc soạn bài giảng điện tử, các thầy cô giáo đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng giúp làm tăng tính tương tác, hứng thú cho học sinh.
Bên cạnh hoạt động dạy học, công tác quản lý cũng được nhà trường chú trọng thực hiện CĐS. Tích cực triển khai học bạ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, ký số, phần mềm quản lý thông tin xuyên suốt trong toàn ngành, sử dụng hiệu quả phần mềm VnEdu để quản lý học sinh, tương tác với phụ huynh thông qua tin nhắn, phần mềm kế toán... đáp ứng yêu cầu chung của ngành, đồng thời mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Xuân Lập (Thọ Xuân), với cơ sở vật chất tương đối đầy đủ gồm 20 phòng học đều có tivi thông minh hoặc máy chiếu, hệ thống loa kết nối internet; phòng Âm nhạc, Tin học, Tiếng Anh với đầy đủ trang thiết bị dạy học... đã giúp cho hoạt động CĐS trong nhà trường trở nên thuận lợi.
Cô Vũ Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lập, chia sẻ: Việc đẩy mạnh thực hiện CĐS trong nhà trường đã giúp cho hoạt động giảng dạy, quản lý, kiểm tra đánh giá... đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. CĐS là vấn đề mới, với tinh thần cầu thị và nỗ lực học hỏi, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đang nỗ lực không ngừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm bắt kịp xu thế và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Năm học 2024-2025, toàn huyện Thọ Xuân có 91 trường công lập, 2 trường mầm non tư thục, với 42.461 học sinh. Xác định, việc ứng dụng CNTT, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành giáo dục Thọ Xuân đã triển khai một cách đồng bộ nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% các trường học, phần mềm tối thiểu triển khai các phân hệ quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thông tin y tế trường học, thông tin sức khỏe học sinh, quản lý kế toán... Các phần mềm kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu giáo dục địa phương và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, đặc biệt ưu tiên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử; triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục... Tính đến nay đã có 91/91 đơn vị thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 100%.
Để đẩy mạnh CĐS trong năm học 2024-2025, bà Trịnh Thị Tiến, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân, cho biết: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên nắm được tầm quan trọng của CĐS và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng CNTT tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện thành công CĐS trong giáo dục.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện Hệ thống quản lý hồ sơ công việc (TDOffice) trên môi trường điện tử, ngành giáo dục TP Sầm Sơn đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử, học bạ điện tử, học bạ số...
Để đẩy mạnh số hóa trường học, TP Sầm Sơn đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ứng dụng CNTT trong trường học; Đề án “Xây dựng thí điểm mô hình trường học thông minh tỉnh Thanh Hóa đến 2030”, hướng đến xây dựng phòng học tương tác theo mô hình trường học thông minh 4.0.
Hiện nay, 100% cán bộ, công chức toàn ngành có tài khoản email công vụ, chữ ký số; 100% giáo viên phổ thông có chữ ký số để sử dụng giáo án, hồ sơ và học bạ điện tử. Tất cả các đơn vị, trường học đã sử dụng internet; sử dụng hệ sinh thái VnEdu để trao đổi sổ liên lạc điện tử; sổ điểm điện tử nhằm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu; các hệ thống phần mềm được triển khai tới hầu khắp các trường học, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý giáo dục, công tác chỉ đạo điều hành, thống kê, báo cáo...
TP Sầm Sơn đang tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường các điều kiện đảm bảo ứng dụng CNTT trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá; tiếp tục xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai thực hiện đồng bộ hồ sơ, sổ sách điện tử, triển khai đồng bộ học bạ số ở tất cả các cấp học...
Thực hiện nhiệm vụ CĐS, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS; kịp thời cập nhật, rà soát các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến... Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn nhiều thầy, cô giáo còn yếu về kỹ năng CNTT; chưa thành thạo trong việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá; cơ sở dữ liệu ngành còn rời rạc, manh mún trên nhiều hệ thống; chưa có một phần mềm chung để quản lý toàn bộ hoạt động của ngành; nguồn tài chính eo hẹp khiến các nhà trường khó khăn trong lựa chọn sử dụng phần mềm hiệu quả; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn...
Thời gian tới, để đẩy mạnh CĐS, cải cách hành chính trong các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, cách thức CĐS, cải cách hành chính; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tích cực kiểm tra, đánh giá mức độ CĐS để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp đối với từng vùng miền, địa phương...
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-12-14 17:19:00
17 năm đồng hành cùng ngành giáo dục xứ Thanh
-
2024-12-14 14:16:00
Xây dựng trường chuẩn quốc gia - tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục
-
2024-09-24 21:16:00
Xây dựng phương án thi phù hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Thư viện Tâm Bình - “Món quà” đầu năm học mới cho trẻ vùng cao
Xem xét hỗ trợ học phí cho học sinh vùng bão, lũ
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo
Rực rỡ Cố đô
Phát động triển khai tháng cao điểm về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đợt 1 trong ngành Giáo dục
Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 2): Thắp sáng vùng biên
Trên 2,7 tỷ đồng ngành Giáo dục Thanh Hóa chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại bởi bão số 3
Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 1): Hành trình tìm con chữ không bao giờ muộn