“Đẩy lùi” bạo lực học đường
Tình bạn đẹp ở lứa tuổi học trò sẽ là những kỷ niệm đẹp của mỗi người. Bởi vậy, xây dựng tình bạn đẹp là một trong những giải pháp đề ngặn chặn, “đẩy lùi” bạo lực học đường.
Trường THCS Định Liên (Yên Định) phối hợp cùng lực lượng công an tổ chức truyền thông về sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh.
Theo ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn tỉnh, những năm qua, vấn nạn bạo lực học đường đã từng xảy ra với những mức độ khác nhau, để lại những hậu quả tiêu cực. Để ngăn chặn, nhiều trường học đã có những giải pháp xây dựng tình bạn đẹp, “đẩy lùi” bạo lực học đường.
Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), cho biết: Nhà trường có số học sinh đông, với 920 học sinh. Để ngăn chặn bạo lực học đường, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường đã tổ chức các hoạt động kết nghĩa giữa lớp lớn với lớp bé để các anh chị lớp lớn hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh nhỏ hơn trong việc học tập cũng như trong các hoạt động vui chơi, giải trí... Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích mỗi lớp thực hiện tốt phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bạo lực học đường cũng từ đó mà “biến tướng”, không chỉ bạo lực về thể chất, nhiều học sinh còn bị bạo lực tinh thần... Thông qua các nhóm zalo, facebook hoặc tiktok, các nhóm bạn sẽ thành lập các hội nhóm, nói xấu những bạn mà mình ghét, rồi kêu gọi các bạn trong nhóm cùng tẩy chay, cô lập, làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, tinh thần của những bạn bị cô lập.
Tại Trường THCS Định Liên (Yên Định), cô Lê Thị Yến, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, học sinh phải học trực tuyến nên nhiều phụ huynh đã mua sắm điện thoại thông minh cho con để tiện cho việc học tập. Tuy nhiên, việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh cũng kéo theo nhiều hệ lụy, như: Các thông tin xấu độc gây tò mò đối với học sinh; tự ý truy cập vào các trang phim “bẩn”; tạo các nhóm zalo để trao đổi bài thì ít, chuyện phiếm gây xích mích, kỳ thị bạn bè thì nhiều; tham gia trò chơi điện tử... Do đó, từ năm học 2023-2024, nhà trường đã yêu cầu học sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại trong trường. Cùng với đó, nhà trường cũng tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để cùng quản lý, giáo dục học sinh, yêu cầu phụ huynh hạn chế tối đa việc giao điện thoại cho con; yêu cầu giáo viên không được giao bài tập trên các nhóm zalo mà chuyển bài tập về nhà cho giáo viên chủ nhiệm để in và phát tới tận tay học sinh; thường xuyên phát các bản tin về pháp luật trên các bản tin phát thanh của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phối hợp với lực lượng công an tổ chức các buổi tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn; tuyên truyền về bạo lực học đường và cách thức phòng tránh...
“Ở lứa tuổi THCS học sinh chưa thể “định vị” giá trị của việc ứng dụng công nghệ trong học tập, trong việc xây dựng các mối quan hệ trên mạng xã hội một cách đúng hướng nên cần có sự định hướng của gia đình, thầy cô” - cô Lê Thị Yến chia sẻ thêm.
Theo cô Hà Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa): Với sự chỉ đạo sát sao của ban giám hiệu nhà trường, sự quan tâm, theo dõi của giáo viên chủ nhiệm, sự vào cuộc tích cực của đoàn thanh niên, sự phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an,... nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các diễn đàn về phòng chống bạo lực học đường, “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”... từ đó, góp phần phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn bạo lực học đường trong nhà trường.
Những năm qua, để phòng tránh bạo lực học đường, Ban Giám hiệu Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Cẩm Thủy luôn quan tâm, chú trọng giáo dục giới tính, giáo dục tâm lý học đường, phòng chống bạo lực học đường thông qua các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường là nhà, ký túc xá là gia đình, bạn bè là người thân”, nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc...
Thầy Phạm Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Cẩm Thủy, cho biết: Các phong trào thi đua, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển nhân cách học sinh, giáo dục toàn diện cho học sinh để các em có nhận thức đúng, từ đó lựa chọn hành động đúng.
Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân và đến từ nhiều phía; không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà không ít trường hợp bạo lực học đường còn có nguyên nhân “khởi phát” từ phía giáo viên. Do vậy, nâng cao đạo đức nhà giáo, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên khi xử lý các tình huống xích mích trong học trò hay khi phát hiện bạo lực học đường xảy ra là điều cần thiết.
Bạo lực học đường để lại những “vết thương” khó lành trong lòng con trẻ. Để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, ngoài môi trường học tập lành mạnh, thầy cô yêu thương thì việc được chăm sóc sức khỏe tinh thần từ những bậc học đầu tiên cũng giúp các em học sinh có hành vi ứng xử phù hợp để tránh được bạo lực học đường, để biết tự bảo vệ mình và tránh làm tổn thương bạn bè.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:02:00
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam
-
2024-12-11 06:35:00
Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS
-
2024-12-04 11:44:00
Sân khấu hóa đưa pháp luật vào học đường
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 1) - Lợi ích từ mạng xã hội
Thanh Hóa có 2 giải Quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53
Lịch nghỉ Tết dương lịch 2025 của học sinh cả nước
Ocean Edu khẳng định uy tín với danh hiệu Top 10 thương hiệu xuất sắc Châu Á - Thái Bình Dương
Khai mạc Hội thi giáo dục Quốc phòng và An ninh học sinh THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2024
Hạn chế xét tuyển đại học sớm để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông
Nghề thầy!
Trao học bổng “Vì tương lại Việt Nam” cho học sinh tại Thanh Hóa
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo về chuyển đổi số cho thích ứng biến đổi khí hậu”