(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa đến nay, mảnh đất xứ Thanh được biết đến với nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trải qua biết bao thăng trầm, những làng nghề ấy vẫn được gìn giữ và ngày càng phát triển góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa làng quê nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đất có nghề... quê khởi sắc

Từ xưa đến nay, mảnh đất xứ Thanh được biết đến với nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trải qua biết bao thăng trầm, những làng nghề ấy vẫn được gìn giữ và ngày càng phát triển góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa làng quê nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đất có nghề... quê khởi sắc

Làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hoá) thu hút đông du khách đến tham quan.

Về xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, hai bên đường ngập tràn các loài hoa khoe sắc xen kẽ là những hàng cây xanh thẳng tắp tạo vẻ đẹp riêng cho một miền quê trù phú. Thời điểm này tại Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông không khí lao động rất khẩn trương. Công nhân ai cũng thoăn thoắt, người thì làm khuôn, người nấu đồng, đúc sản phẩm... để hoàn tất đơn hàng phục vụ thị trường tết.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, giám đốc công ty, cho biết: Trước đây chúng tôi chỉ sản xuất các đồ thờ cúng, thì nay để đáp ứng thêm nhu cầu thị trường chúng tôi còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng với mẫu mã phong phú, đa dạng như các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đồ thờ, tranh chạm khảm...

Với ưu điểm là hầu hết sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công, bởi vậy để có được sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn, người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, công đoạn như làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... Để quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng, công ty đã tích cực đăng tải sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tham gia các hội chợ, triển lãm ở cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn phối hợp với địa phương phát triển du lịch làng nghề... Nhờ đó, sản phẩm được đông đảo khách hàng biết đến. Bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán khoảng 40 tấn sản phẩm cả trong và ngoài nước, với tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Đất có nghề... quê khởi sắc

Cơ sở đúc đồng ở xã Thiệu Trung tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường.

Xã Thiệu Trung hiện đang duy trì khoảng 25 lò đúc lớn, 4 công ty sản xuất, kinh doanh đúc đồng. Làng nghề đúc đồng ở đây có từ rất lâu đời, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhờ bàn tay, khối óc sáng tạo của các nghệ nhân đến nay làng nghề ngày càng phát triển. Qua đó, không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo ước tính, nghề đúc đồng đã mang lại tổng thu nhập cho địa phương khoảng 200 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân cũng tăng lên, năm 2022 là 61 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, để làng nghề tiếp tục phát triển, xã đang định hướng sẽ tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào một số công đoạn sản xuất, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường quảng bá sản phẩm của địa phương kết hợp với phát triển du lịch làng nghề thu hút khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm...

Tại xã Phú Xuân (Thọ Xuân), từ lâu đã nổi tiếng là mảnh đất “đa nghề” với nhiều sản phẩm nức tiếng như miến gạo, kẹo lạc truyền thống. Cũng nhờ việc phát triển các ngành nghề truyền thống mà nhiều gia đình ở đây đã có nguồn thu nhập khá và vươn lên làm giàu. Chẳng hạn như cơ sở sản xuất miến gạo của hộ ông Lê Văn Biên (thôn Phú Cường), mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 3 tạ miến gạo. Dịp cận Tết Nguyên đán, đơn hàng tăng lên khoảng 3- 4 lần, do đó gia đình phải tăng công suất, thuê thêm nhân công để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ông Biên chia sẻ: Miến gạo là nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Trước đây, hầu hết các công đoạn sản xuất chỉ làm thủ công nên năng suất, hiệu quả chưa cao. Những năm gần đây, các hộ sản xuất miến gạo ở đây đã đầu tư máy móc, trang thiết bị như: máy xay bột, máy trộn bột, máy ép bột, máy cán sợi nên năng suất tăng gấp nhiều lần và đặc biệt cho ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn. Cùng với đó, các hộ làm nghề luôn chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ tại địa phương, mà còn cung ứng đi khắp các tỉnh trong cả nước. Nhờ đó, thu nhập của bà con hiện nay đã khấm khá hơn rất nhiều.

Hiện xã Phú Xuân có khoảng 60 hộ sản xuất và phục vụ sản xuất miến gạo, với hai loại là miến khô và miến nước, thu hút hơn 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Từ khi nghề làm miến phát triển, bộ mặt nông thôn ở xã ngày càng được đổi mới. Nhà cao tầng ngày càng nhiều, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các gia đình đều sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Mới đây làng nghề miến gạo thôn Phú Cường đã được công nhận làng nghề truyền thống. Đây chính là động lực để người dân trong thôn tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 36 nghề, 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 100 làng nghề, nghề truyền thống đã được công nhận. Các nghề, làng nghề truyền thống đã tạo việc làm cho khoảng 90 nghìn lao động khu vực nông thôn, thu nhập bình quân từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề, nghề truyền thống có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, thời gian qua tỉnh ta đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển làng nghề, nghề truyền thống một cách bền vững như, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kết nối, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hay qua mạng xã hội. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho các chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề. Quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, cải thiện cảnh quan môi trường cho các làng nghề, hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề. Cùng với đó là chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]