Cựu chủ tịch huyện rời nhiệm sở về làm... nông dân
Chưa chịu nghỉ ngơi với quãng thời gian hưu trí, cựu Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Trần Văn Tâm đã chọn an trí tuổi già bằng việc xây dựng một khu nông nghiệp hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Ngày ngày xắn tay lao động như một nông dân thực thụ, ông mong muốn làm chuyển biến tư tưởng canh tác truyền thống của người dân địa phương theo hướng sản xuất hiện đại.
Ông Trần Văn Tâm bên các giàn trồng rau thủy canh không cần đất trong nhà kính.
Sau gần chục năm rời nhiệm sở, ông Trần Văn Tâm vẫn giữ phong thái điềm đạm, chan hòa gần gũi như xưa. Tuy nhiều năm giữ trọng trách cao nhất trong bộ máy chính quyền huyện, rồi những năm cuối được giao nhiệm vụ Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (nay là Cục Quản lý thị trường), nhưng người ta không thấy ở ông tính quan cách hay sự thể hiện chức vị quyền uy. Đó cũng chính là lý do, rất nhiều người và đồng nghiệp vẫn nhớ và bày tỏ quý ông mỗi khi nhắc đến.
Lần này gặp ông, vẫn là sự vồn vã mến khách với sự đón chào và những cái bắt tay ân tình từ ngoài cổng ngõ. Chỉ khác, ông tiếp chúng tôi với tư cách một người nông dân, một chủ trang trại. Hiện khu sản xuất của ông được gây dựng khá bài bản ở tiểu khu Lê Xá 2, thuộc khu vực ven đô của thị trấn Nông Cống với cái tên “Trang trại Chung Thủy”. Qua cổng kiên cố và khu nhà điều hành khá khang trang, một khu nhà lưới, nhà kính hiện đại đã hiện rõ.
Dẫn những vị khách đi thăm, ông giới thiệu khu trồng rau thủy canh không cần đất. Do điều tiết được nhiệt độ, ngăn được sâu bệnh và các yếu tố bất lợi của thời tiết nên cây trồng phát triển rất nhanh, độ quay vòng lớn nên mỗi năm có thể trồng trung bình tới 10 lứa rau. Với 28 giàn trồng trong nhà kính, ông canh tác chủ yếu là các loại rau họ cải trái vụ nên dễ xuất bán ra thị trường. Quan sát thực tế, những luống rau kê trên hệ thống kệ và ống cung cấp dinh dưỡng cách mặt đất chừng mét rưỡi, không hề dùng đất như canh tác truyền thống. Rau được trồng dày đặc với kích cỡ lớn nhỏ gối lứa.
Như để minh chứng cho sản phẩm sạch, ông liền hái các loại lá rau trên mỗi luống rồi ăn sống. “Nếu sản phẩm không an toàn, tôi là người bị ảnh hưởng đầu tiên. Rau ở đây được trồng theo đúng các quy trình chăm sóc hiện đại theo công nghệ Nhật Bản” - ông chia sẻ. Cũng trong khuôn viên các nhà lưới, nhà kính, ngoài các loại rau, những năm gần đây, ông đã tìm được các đối tượng cây trồng tối ưu là dưa lê, dưa vàng, dưa chuột AIKO của Nhật Bản với tổng diện tích hơn 1.000m2.
Phía ngoài các khu nhà lưới là khu vườn trồng cây ăn quả quanh năm xanh tốt. Với hơn 6.000m2, người “nông dân tinh hoa” đã phủ xanh 600 gốc mít, 300 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn. Cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới thông minh đến từng gốc, vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa giảm được công lao động. Đến nay, bưởi đang cho quả vụ thứ 2, mít cũng bắt đầu bói năm đầu. Dưới tán cây, khoảng 1.500 con gà thả vườn mỗi lứa, nhân với 4 lứa, cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng mỗi năm. Phía giáp cánh đồng, các ao rộng tới 3.200m2 được đào từ những ngày đầu để lấy đất tôn nền khu sản xuất, nay được dùng thả các loại cá truyền thống và nuôi vịt thời vụ. Những khoảng đất còn lại, được tận dụng trồng các giàn bầu, bí và cây dây leo, các loại rau truyền thống.
Vừa giới thiệu về trang trại, ông Tâm chậm rãi kể chuyện gây dựng khu sản xuất tâm huyết của đời mình. Thực hiện các chủ trương của tỉnh, huyện về tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hiện đại, từ những năm 2019-2020, ông cùng các nông dân địa phương đã bàn bạc thống nhất, tiến hành chuyển nhượng để dồn đổi khu đất trồng lúa kém hiệu quả ở cánh đồng Đa Đôi này thành vùng tập trung với diện tích gần 13.000m2. “Đây vốn là khu đất trũng, chỉ cần mưa ít đã ngập, nắng ít đã hạn, nông dân hầu như chỉ cấy vụ lúa chiêm xuân, vụ mùa bỏ hoang. Khi các thành viên đồng thuận, tôi trình huyện và các cơ quan cấp tỉnh về phương án sản xuất, được phê duyệt các thủ tục thuê đất 50 năm, rồi từng bước cải tạo thành khu sản xuất khá hoàn chỉnh” - ông Tâm chia sẻ.
Thế rồi, đến tháng 2 năm 2020, ông thành lập HTX rau, củ, quả, hoa, cây ăn quả an toàn công nghệ cao Chung Thủy với 8 thành viên để thuận lợi hơn cho việc sản xuất, giao dịch, xuất bán sản phẩm. Trong các thành viên, có 1 kỹ sư trồng trọt, 1 trung cấp bảo vệ thực vật và 4 lao động trực tiếp, tất cả chung tay phát triển sản xuất hàng ngày.
Sớm nhận thấy lối canh tác truyền thống của người dân địa phương vừa không an toàn lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông quyết làm người tiên phong thay đổi tư duy sản xuất. Theo đó, mô hình của ông chưa quá chú trọng đến sản lượng mà quan tâm đến chất lượng các nông sản. Quy trình sản xuất sạch theo hướng VietGAP được ông du nhập để có được những sản phẩm an toàn cho người sử dụng... Các loại rau trồng trong nhà lưới tại đây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, riêng sản phẩm dưa chuột AIKO được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Sản phẩm ở đây đã được gắn logo bảo hộ nhãn hiệu. Nhờ chất lượng và quy trình sản xuất an toàn, đến nay, các loại rau quả của mô hình đã được ký hợp đồng cung ứng cho các trường học và cửa hàng, chuỗi cung ứng thực phẩm sạch trong và ngoài huyện.
Theo hạch toán của HTX, tuy đã có doanh thu mỗi năm gần 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng, song mục tiêu chính của khu sản xuất vẫn là tạo hiệu ứng cho sự phát triển nông nghiệp hiện đại của địa phương. Trang trại là mô hình đi đầu để nông dân địa phương học tập, từng bước thay đổi tư duy sản xuất với các tiến bộ khoa học, sản xuất an toàn.
Với ông, theo đuổi sản xuất sạch theo hướng hữu cơ phải xuất phát từ cái tâm. Sản phẩm phải vì sức khỏe con người và không ô nhiễm môi trường. Vì lẽ đó nên tuy tuổi đã cao, ông vẫn thường xuyên phải mày mò học tập, tích lũy thêm kinh nghiệm để thực hành nông nghiệp hiện đại. Tuy chưa thực sự hoàn thiện, nhưng mô hình sản xuất của ông Tâm đã trở thành điển hình của huyện Nông Cống.
Có thừa điều kiện để an nhàn với tuổi già, nhưng ông Tâm không lựa chọn. Tiếp tục gắn đời mình với nông nghiệp, ông thừa biết những vất vả rồi bội thứ phải lo toan. Thế nhưng với vị cựu chủ tịch huyện, đó là niềm vui, là trách nhiệm với quê hương, với hậu thế nhiều hơn là vì thu nhập.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-05-25 15:10:00
Ý chí làm nên thành công của hội viên nông dân nghèo
Nữ bí thư dân vận khéo
Tận tâm vì công tác giảm nghèo của hội viên
Thiếu tá quân hàm xanh nhiệt huyết với biên cương
Ngọn lửa khởi nghiệp nơi biên giới
Những bí thư chi bộ hết lòng vì công việc
Thoát nghèo nhờ trồng rừng kết hợp chăn nuôi
Bí thư chi bộ vận động người dân vượt khó XDNTM
Cựu TNXP chống Pháp Lê Văn Du nghĩa tình với đồng đội
Cựu chiến binh không cam chịu đói nghèo