“Con chữ” ở trọ
Cuộc sống khó khăn khiến hơn 100 đứa trẻ xa trường vẫn đang phải ở trọ tìm con chữ trong những ngôi nhà tuềnh toàng, thiếu thốn nơi núi rừng biên viễn... Nhưng trong trùng trùng khó khăn ấy, vẫn toát lên hy vọng như lời của cô học trò nghèo Lang Thị Ly đang phải trọ học ở nơi này: “Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai này có thể thoát ly, cuộc sống đỡ vất vả”.
Lang Thị Vi (bên phải) tranh thủ học bài ở khu bán trú Trường THCS Bát Mọt.
Cơn mưa đầu mùa đã ngớt, bên bậu cửa nhà sàn Lang Tú Anh và Lang Thị Nguyệt Nương còn ngồi co ro như bất động, hướng đôi mắt buồn thăm thẳm về phía những ngọn đồi xa. Chúng tôi vào nhà đã hồi lâu, hai đứa trẻ mới kịp nhận ra, rồi khom lưng xuống bậc cầu thang, đứa vo gạo, đứa ra vườn hái rau chuẩn bị cho bữa cơm trong bóng chiều dần tắt.
Trường THCS Bát Mọt (Thường Xuân), nơi có hơn 150 học sinh phải ở trọ tìm chữ.
Nguyệt Nương, sinh năm 2011, học lớp 7B. Còn Tú Anh, sinh năm 2012, lớp 6B, cùng Trường THCS Bát Mọt (Thường Xuân). Cả hai là người thôn Vịn, tận biên giới, nơi con đường tới trường bị dọc ngang suối khe chia cắt. Dù có cầu, tràn vươn qua, nhưng 15 cây số đường ấy chòng chành phải gần nửa ngày đường mới tới trường, chẳng người đưa đón, các cháu phải trọ học ở nhà bà Lương Thị Minh tại thôn Cạn, nơi trung tâm xã để theo đuổi ước mơ con chữ.
Dù có cầu, tràn vươn qua, nhưng 15 cây số đường ấy chòng chành phải gần nửa ngày đường mới tới trường, chẳng người đưa đón, các cháu phải trọ học ở nhà bà Lương Thị Minh tại thôn Cạn, nơi trung tâm xã để theo đuổi ước mơ con chữ.
Đó là một căn nhà sàn tuềnh toàng chênh vênh trên đồi đất, từ Quốc lộ 47 nhìn lên chẳng khác một túp lều rệu rã, loang lổ màu xám ngắt. Trong nhà có một manh chiếu xác xơ được trải ra làm chỗ nằm cho 3 bà cháu, một khu bếp nấu đặt trên manh luồng phập phồng, rộng chừng 6m2, nhìn lên lỗ chỗ thấy trời. Cạnh ô cửa sổ, tôi nhìn thấy một vài cuốn vở nhàu nhĩ nằm dọc ngang trên mảng ván xù xì. Bà Minh nói: “Lúc trời mưa, không nhanh tay thì sách vở ướt hết. Có đêm mưa phả, sách vở ướt, áo quần cũng ướt, sáng sớm mai các cháu phải nghỉ học ở nhà”.
Lang Thị Nguyệt Nương (bên trái) và Lang Tú Anh cùng bà Lương Thị Minh trong căn nhà sàn chật hẹp.
Ở với bà Minh, hằng tháng mỗi cháu chỉ phải góp 10kg gạo và 100 nghìn đồng tiền điện. Còn tiền thuê trọ, thức ăn, bà không lấy một đồng. “Nhà chúng nghèo lắm. Tháng có, tháng không. Tháng nào có, bố mẹ chúng gửi cho ít mì tôm, hành, rau sống”. Nói rồi bà Minh chỉ tay vào một cái túi nhỏ treo trên vách gỗ lưa thưa, đen nhẽm vì bồ hóng bếp. Trong đó có mì tôm, vài quả trứng vịt cùng mấy cọng hành lá.
Nguyệt Nương và Tú Anh là người Thái, cùng giống nhau về hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ chắt chiu qua năm nắng mười mưa nơi lưng đồi ven suối với vườn keo, bụi dong trên rừng..., nên chẳng đủ sức cho chúng được ăn ở bán trú trong trường. Vậy nên việc sinh dưỡng của chúng được phó thác cho bà Minh. Còn việc học, được chữ nào hay chữ ấy.
Nguyệt Nương hái rau làm thức ăn cho 3 bà cháu.
Bà Minh, ngấp nghía tuổi 90, thân đã như chiếc lá khô trên rừng, chẳng biết khi nào về đất, nhưng phải vừa làm bà, vừa làm mẹ đỡ đần, cưu mang những đứa trẻ xa nhà ấy. Không chỉ giặt giũ, cơm nước, những đêm hôm mưa gió mịt mùng, có cháu đau bụng, sốt cao, bà phải gọi thêm con cái đội mưa đưa các cháu về trạm xá. Những hôm đó, bà cũng thức trắng. Bởi với bà, các cháu đã là người trong nhà.
Tôi hỏi Nguyệt Nương và Tú Anh, buổi tối các cháu có học bài không, rồi nhận lại cái lắc đầu khe khẽ. Có lẽ các cháu muốn nhường lại không gian nghỉ ngơi cho người bà tóc bạc lưng còng sau ngày dài chật vật đồi nương...
Tú Anh vo gạo chuẩn bị bữa cơm chiều.
Sau Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã biên giới Bát Mọt thoát khỏi diện khu vực III, chỉ còn 3/8 thôn đặc biệt khó khăn, gồm: Đục, Ruộng, Dươn. Đồng nghĩa, học sinh ở 5 thôn còn lại không còn được hưởng chế độ nuôi ăn bán trú của Nhà nước, trong khi nhiều cháu nhà cách trường đến hơn 20 cây số đường núi như thôn Đục, gần hơn là thôn Vịn, thôn Khẹo. Và việc ở lại trung tâm xã cho kịp giờ học hôm sau đã là tất yếu. Nguyệt Nương và Tú Anh - hai trong số học sinh xa nhà ấy còn may mắn vì được ở gần trường. Bởi phía ngoài xa, vẫn còn nhiều em phải ở trọ cách trường 5 - 7 cây số đường rừng, như Lang Thị Ly, học sinh lớp 9A chẳng hạn.
... xã biên giới Bát Mọt thoát khỏi diện khu vực III, chỉ còn 3/8 thôn đặc biệt khó khăn, gồm: Đục, Ruộng, Dươn. Đồng nghĩa, học sinh ở 5 thôn còn lại không còn được hưởng chế độ nuôi ăn bán trú của Nhà nước, trong khi nhiều cháu nhà cách trường đến hơn 20 cây số đường núi như thôn Đục, gần hơn là thôn Vịn, thôn Khẹo.
Ly cũng ở thôn Vịn, năm học lớp 6 vẫn được hưởng chế độ của Nhà nước nuôi ăn bán trú. Từ năm lớp 7, thôn Vịn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, Ly phải chuyển ra ngoài ở trọ tại thôn Chiềng, trong nhà một người quen. Cháu muốn được ở trong trường, vì ngoài học tập trên lớp, buổi tối còn được thầy, cô hướng dẫn học bài ở khu bán trú, rồi được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhưng cả bố mẹ Ly chật vật lam lũ nơi rừng xanh cũng chẳng đủ sống, đành phải khăn gói ra tỉnh ngoài làm công nhân. Họ chẳng có nhiều để đắp đổi cho đứa con gái đầu lòng được ở bán trú trong trường với mức phí dù là thấp hơn mức hỗ trợ của Nhà nước cho những học sinh ở thôn đặc biệt khó khăn.
Ngôi nhà của bà Lương Thị Minh ở thôn Cạn, xã Bát Mọt, nơi Tú Anh và Nguyệt Nương trọ học.
Từ thôn Chiềng, mùa nào cũng vậy, lúc trời quang mây tạnh, hay mưa dông sấm sét, Ly thức dậy lúc 5h, đồ xôi ăn sáng, xong cuốc bộ hơn 6 cây số đường tắt đến trường. Học xong buổi sáng, cháu về thôn Chiềng cũng quá 12 giờ trưa. Có hôm, học xong buổi chiều, Ly về đến nhà trời cũng đã nhá nhem. Rồi những hôm mưa phùn gió bấc, dép lê vẫy bùn đất lên tận lưng áo ướt đẫm, gần đến cổng trường phải quay về nhà trọ... Nhưng cháu chưa từng có ý định bỏ học, bởi rằng chỉ có học mới thoát được cuộc sống khó khăn.
Cháu muốn có thêm một chiếc xe đạp nhưng không dám xin bố mẹ. Vì bố mẹ cháu cũng vất vả nuôi em cháu ăn học và phụng dưỡng ông bà. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai này có thể thoát ly, cuộc sống đỡ vất vả
Ly nói: “Cháu muốn có thêm một chiếc xe đạp nhưng không dám xin bố mẹ. Vì bố mẹ cháu cũng vất vả nuôi em cháu ăn học và phụng dưỡng ông bà. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai này có thể thoát ly, cuộc sống đỡ vất vả”.
Tôi mang ước ao của những đứa trẻ ở trọ vào Trường THCS Bát Mọt, nhìn thấy khu nhà bán trú khang trang nhưng thưa bóng học sinh. Đó là một khu nhà hai tầng, 12 phòng, mỗi phòng có 8 giường ngủ, nhưng chỉ có chừng 20 học sinh bán trú. Bên trong những phòng bỏ trống, rêu mốc đã loang lỗ trên những mảng tường đang dần bong tróc.
Một giờ học của thầy và trò Trường THCS Bát Mọt (Thường Xuân).
Thầy giáo Lê Đức Hoán, hiệu trưởng nhà trường trải lòng: “Chúng tôi cũng xót xa trước tình trạng phòng ở bỏ không khi học sinh phải ăn ở trọ bên ngoài. Tên trường cũng phải chuyển đổi từ mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú sang trường THCS, chế độ của giáo viên sụt giảm. Những việc phải làm, chúng tôi đã cố gắng làm, nhưng vẫn không thay đổi được nhiều”.
Những việc đã làm ấy là chủ động thông tin rộng rãi sự thay đổi chính sách và vận động phụ huynh những học sinh xa trường không còn được hưởng chế độ nuôi ăn bán trú phối hợp với nhà trường tổ chức cho các cháu tiếp tục được ăn ở trong trường với mức đóng góp mỗi cháu 500 nghìn đồng và 12kg gạo/tháng. Đồng thời kiến nghị với các cấp xem xét hỗ trợ học sinh xa trường được hưởng chế độ nuôi ăn bán trú...
Học sinh Trường THCS Bát Mọt trở về nhà trọ.
“Phụ huynh đồng ý. Nhưng về sau có nhiều cháu chuyển ra ngoài ở trọ. Hiện tại, trong số 262 học sinh của trường, có hơn 150 học sinh phải ở trọ. Lý do là điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh còn gặp khó khăn”, thầy Hoán nói.
Trong sự thay đổi chính sách, nhà trường và cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực làm những việc phải làm, còn phụ huynh kêu khó, thành ra, từ khu bán trú, những học sinh ấy như bầy chim lần lượt bay đi. Sau đó, các em đậu vào những chiếc lều tạm chênh vênh bên đường, ven suối do bố mẹ dựng lên, đánh cược tính mạng để đi tìm con chữ. Và rồi, Đảng ủy xã Bát Mọt đã phải tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thôn Cạn ở gần trường và các thôn lân cận cho các cháu được ở trọ.
Hiện tại, trong số 262 học sinh của trường, có hơn 150 học sinh phải ở trọ. Lý do là điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh còn gặp khó khăn...
Những người dân thôn Cạn rộng lượng và tốt bụng, chẳng mấy ai lấy tiền thuê trọ của các cháu, nhưng thu nhập cũng chẳng hơn ở thôn khác là bao. Cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc bám chặt vào rừng, nhiều lao động trẻ đã phải bươn mình tha hương mưu sinh, bên trong những ngôi nhà đơn sơ vách gỗ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Vậy nên bữa cơm của những đứa trẻ trọ học rau xanh nhiều hơn gạo trắng. Có hôm, mâm cơm chỉ có bát canh lều bều vài cọng rau, cùng bát muối trắng dầm sả để có mặn có nhạt. Biết các cháu còn đói, nhưng cuộc sống của họ đâu có khá khẩm hơn là bao.
Dù rằng, nỗi lo an toàn tính mạng cho những đứa trẻ xa trường ấy đã được xua tan. Nhưng ở ngoài kia, Lang Thị Nguyệt Nương, Lang Tú Anh, Lang Thị Vi cùng hơn 100 đứa trẻ xa trường vẫn đang ở trọ tìm con chữ trong những ngôi nhà tuềnh toàng, thiếu thốn nơi núi rừng biên viễn...
Phóng sự của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-04-29 09:45:00
Nhiều trò chơi đặc sắc tại Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu
Đằng sau bức thư cảm ơn
Hoằng Hóa huy động lực lượng đảm bảo ANTT tại Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024
Công an TP Thanh Hóa lập biên bản xử lý 41 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ
“Những ngôi sao” dưới “vùng trời thủng”
Hành động sớm
Tìm thấy thi thể chủ tàu cá bị chìm ở vùng biển Quảng Ninh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Người dân nô nức đổ ra biển trước Lễ Khai mạc du lịch biển Sầm Sơn 2024
Người dân no ấm, biên cương vững bền!