(Baothanhhoa.vn) - Sự bùng nổ về thông tin cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã, đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ xã hội, mọi ngành nghề và mọi người; từ chính trị đến kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Bắt kịp xu thế quốc tế và trong nước, tại Thanh Hóa những năm qua, cùng với các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh, Hội Tin học Thanh Hóa cùng các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Hội Tin học Thanh Hóa với công cuộc chuyển đổi số

Sự bùng nổ về thông tin cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã, đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ xã hội, mọi ngành nghề và mọi người; từ chính trị đến kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại; từ sản xuất đến dịch vụ tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Bắt kịp xu thế quốc tế và trong nước, tại Thanh Hóa những năm qua, cùng với các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh, Hội Tin học Thanh Hóa cùng các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Hội Tin học Thanh Hóa với công cuộc chuyển đổi số

Đại diện lãnh đạo VNPT Thanh Hoá giới thiệu về hệ thống giám sát và điều hành thông minh tỉnh (IOC Thanh Hóa).

Hội Tin học Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 2633/TC/UBTH ngày 27-12-1994 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, hội phát triển và lớn mạnh không ngừng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ IV, hội luôn nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để phối hợp, triển khai các đề án, dự án công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; nhất là công tác kiện toàn tổ chức hội và đào tạo cán bộ sử dụng CNTT, tư vấn, thẩm định dự án.

Năm 2021, hội đã tiến hành tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng thống nhất kiện toàn ban chấp hành; bầu chủ tịch hội, bầu bổ sung ban thường vụ hội nhiệm kỳ 2017-2022. Đồng thời, kiện toàn văn phòng hội và chuyển văn phòng làm việc của Hội Tin học Thanh Hóa về Trường Đại học Hồng Đức, số 565 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa; nâng cấp trang thông tin điện tử của hội tại địa chỉ: http://taip.org.vn.

Chỉ trong 2 năm, hội đã kết nạp thêm 3 chi hội mới bao gồm: Chi hội công ty phần mềm LigoSoft, Chi hội Tin học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và chi hội công ty công nghệ ThinkLabs. Đến nay, Hội Tin học Thanh Hóa đã có 16 chi hội với khoảng 650 hội viên đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong nhiệm kỳ IV, Hội Tin học đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong tỉnh nhằm tổ chức các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức về CNTT và lập trình cho các đối tượng khác nhau bao gồm cán bộ thuộc khối cơ quan hành chính, các em học sinh các khối tiểu học, THCS, THPT. Tiêu biểu là hoạt động phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa đồng tổ chức Hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh hằng năm. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa tích cực nhằm phát triển tư duy lập trình sớm của học sinh và nâng cao trình độ tin học khối chuyên tin. Hội thi đã thu hút được sự quan tâm của xã hội và đông đảo học sinh các trường trên địa bàn tỉnh.

Hội Tin học Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ. Chi hội Tin học Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trung tâm CNTT-TT (Sở Thông tin và Truyền thông) tham mưu cho Sở GD&ĐT triển khai các dự án của ngành GD&ĐT và phối hợp với các ban dự án ở Bộ GD&ĐT triển khai đạo tạo được gần 4.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn học về ứng dụng CNTT trong các trường học. Chi hội Tin học Viettel đã triển khai giải pháp tập huấn cho các thầy, cô giáo trên địa bàn toàn tỉnh. Các hội viên thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho lãnh đạo sở phối hợp với Trung tâm CNTT-TT và các ban dự án đào tạo nhiều lớp về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi,...

Đặc biệt, các chi hội doanh nghiệp Minh Lộ, ThinkLabs, VNPT Thanh Hóa đã tự nguyện tài trợ toàn bộ học phí và cấp học bổng cho 1 lớp sinh viên cử nhân CNTT chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức trong suốt 4 năm (2017-2021) nhằm đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao phục vụ vai trò dẫn dắt và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; tham gia tiếp nhận các sinh viên từ năm thứ 2 Khoa CNTT-TT Trường Đại học Hồng Đức tham gia thực tập học việc; thực hiện tuyển dụng các sinh viên ngành CNTT...

Nhiệm kỳ vừa qua, các chi hội thành viên đã tích cực phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân; quyên góp ủng hộ các chương trình thiện nguyện. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các chi hội VNPT Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa đã cung cấp các giải pháp học trực tuyến cho các trường học trên địa bàn; miễn phí 1 - 2 đường truyền internet cáp quang (tổng số đường truyền cung cấp 1.648); xây dựng, trang bị 9 phòng học tin học cho tất cả các trường THCS tại Mường Lát; ủng hộ máy tính; miễn phí dữ liệu 4GB/ngày trong 3 tháng cho 1 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh; miễn 100% phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến của công ty cho toàn bộ học sinh, sinh viên...

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Tin học đã tham gia ý kiến phản biện cho nhiều đề án, dự án, chính sách của tỉnh về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số các cấp, hướng tới xây dựng thành phố thông minh trên ba trụ cột chính: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Các chi hội trực thuộc đã đăng ký và thực hiện 6 nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KHCN) cấp tỉnh; trong đó 2 chi hội (Minh Lộ và Tân Thanh Phương) có sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi đối với xã hội, được khen thưởng và hỗ trợ kinh phí theo tinh thần của Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ các sản phẩm KHCN trên địa bàn tỉnh.

Chi hội Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng các chương trình, dự án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong khối các cơ quan Nhà nước như: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng CNTT-VT đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối, liên thông giữa các cơ quan Nhà nước; Cổng dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; Hệ thống TD-Office tạo thành hệ thống đồng bộ, hiện đại, góp phần hiện đại hóa nền hành chính... 100% cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã hoàn toàn điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ văn bản được ký số đạt trên 99%...

Chi hội Trường Đại học Hồng Đức với đội ngũ nòng cốt là các cán bộ, giảng viên Khoa CNTT-TT đã tham gia hầu hết các chương trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục; chủ động tư vấn tham mưu xây dựng các đề án về chuyển đổi số đại học, tiến tới xây dựng đại học thông minh; tích cực tham gia hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua các đề tài, dự án KHCN của tỉnh...

Chi hội VNPT triển khai phần mềm phòng họp không giấy tờ cho HĐND tỉnh hiện nay đã phục vụ 4 kỳ họp, góp phần giảm giấy tờ và nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian họp; triển khai dự án cung cấp phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính và đào tạo cho Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa; nâng cấp phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Chi hội Viettel Thanh Hóa đã tham gia xây dựng và triển khai các giải pháp CNTT với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số cho tỉnh Thanh Hóa; hoàn thành xây dựng đề án xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Sầm Sơn, hiện đã đưa vào hoạt động rất hiệu quả với 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh; ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở GD&ĐT Thanh Hóa cung cấp các sản phẩm dịch vụ CNTT ứng dụng trong ngành giáo dục, triển khai hệ sinh thái giáo dục định hướng đến năm 2025...

Chi hội Công ty Tân Thanh Phương đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại điện tử như: Xây dựng phần mềm Hệ sinh thái đất nông nghiệp, làng nghề huyện Thọ Xuân; hoàn thiện sàn TMĐT langnghethoxuan.vn; hoàn thiện sàn TMĐT Langnghethanhhoa.vn hoặc langnghedulich.vn; hoàn thiện sàn TMĐT langnghedulichhoanghoa.vn...

Các chi hội thành viên khác trong nhiệm kỳ qua cũng đóng góp rất tích cực vào sự phát triển chung của thị trường CNTT trên địa bàn tỉnh ở nhiều mảng dịch vụ số khác nhau, góp phần tạo ra một sân chơi lành mạnh, minh bạch, thu hút uy tín và tạo dựng được thương hiệu của các doanh nghiệp công nghệ trên phạm vi cả nước.

Thành công của Hội Tin học tỉnh Thanh Hóa trong nhiệm kỳ IV vừa qua chính là tiền đề, là động lực để hội tiếp tục bước vào nhiệm kỳ mới với sự nỗ lực quyết tâm cùng khát khao cống hiến vì một mục tiêu chung đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Với quyết tâm chính trị đó, giai đoạn 2022-2027, Hội Tin học Thanh Hoá sẽ tiếp tục khắc phục các khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và phát triển hội; nắm bắt các cơ hội phát triển về CNTT-TT và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-3-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 6-10-2020 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Hội Tin học Thanh Hóa sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp chính như sau.

Một là: Nâng cao vai trò và chất lượng nội dung họp của ban chấp hàng hội; củng cố và xây dựng Văn phòng Hội hoạt động mang tính chuyên nghiệp, tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan bảo trợ là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa và các ngành có liên quan.

Hai là: Nâng cao tính chủ động sáng tạo, phát huy vai trò của các chi hội và các hội viên; tăng cường công tác phát triển các chi hội thành viên, nhất là trong các ngành kinh tế. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động của hội với các nhiệm vụ về CNTT-TT của ngành, của tỉnh. Củng cố và mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.

Ba là: Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước gắn với thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Bốn là: Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thông tin và tuyền thông; tập huấn các kỹ năng cần thiết của công dân số tiến tới bước chuyển thành công dân học tập và hình thành năng lực học tập suốt đời, phát triển xã hội số.

Năm là: Tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo cấp trên chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung cấp viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; khu du lịch; các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu sử dụng dịch vụ của Nhân dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Sáu là: Tăng cường đấu mối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức mới, công nghệ mới cho các tổ chức, công dân trên địa bàn. Khuyến khích, vận động, hỗ trợ các cơ sở đào tạo mở rộng các hình thức đào tạo trực tiếp, đào tạo từ xa qua mạng Internet cho các tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh.

Những định hướng và giải pháp của Hội Tin học Thanh Hóa trong nhiệm kỳ 2022-2027 tin tưởng sẽ góp phần cùng các cấp, ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số; từ đó góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Q.T


Q.T

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]