(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có trên 648.370 ha diện tích rừng (trong đó, rừng đặc dụng 80.369 ha, rừng phòng hộ 156.583 ha và rừng sản xuất 411.418 ha), độ che phủ rừng đạt 53,6%. Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã từng bước số hóa ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, theo dõi diễn biến, phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời ngăn chặn hiệu quả các nguyên nhân gây cháy rừng trên địa bàn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành lâm nghiệp

Thanh Hóa có trên 648.370 ha diện tích rừng (trong đó, rừng đặc dụng 80.369 ha, rừng phòng hộ 156.583 ha và rừng sản xuất 411.418 ha), độ che phủ rừng đạt 53,6%. Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã từng bước số hóa ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, theo dõi diễn biến, phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời ngăn chặn hiệu quả các nguyên nhân gây cháy rừng trên địa bàn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành lâm nghiệpLực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa kiểm tra rừng thông qua hệ thống camera phát hiện sớm lửa rừng.

Ông Đàm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những khâu đột phá của ngành lâm nghiệp, những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã ứng dụng hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng; sử dụng hệ thống camera chuyên dụng, flycam, ảnh vệ tinh... để theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm cháy rừng; quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng, phát triển cơ giới hóa trong làm đất và khai thác rừng; triển khai ứng dụng phần mềm nhận dạng nhanh một số loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Hiện, Kiểm lâm Thanh Hóa đã thu thập thông tin, đặc điểm nhận dạng, đặc tính sinh học, phân bố trong nước của 62 loài động, thực vật rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (25 loài chính thức, bổ sung 37 loài). Trong đó có 42 loài động vật (29 loài nguy cấp, quý, hiếm, 13 loài thông thường) và 20 loài thực vật (11 loài nguy cấp, quý, hiếm, 9 loài thông thường); thu thập các thông tin như danh mục loài, phân bố tự nhiên của các loài; đặc điểm nhận dạng cơ bản, đặc tính sinh học, sinh thái của từng loài; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu ảnh cho từng loài (quy mô 500 - 1.000 ảnh/loài); tiến hành nghiên cứu phân tích thiết kế hệ thống phần mềm nhận dạng các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, gồm thiết kế cơ sở dữ liệu và thiết kế kiến trúc hệ thống với 7 nhóm chức năng. Đến nay, chi cục đã hoàn thành tích hợp dữ liệu và cấp tên miền cho phần mềm; đồng thời tiếp tục bổ sung cơ sở dữ liệu, để nâng cao tốc độ xử lý cũng như hiệu quả nhận diện loài.

Kiểm lâm Thanh Hóa hiện đang áp dụng công nghệ tự động dự báo nguy cơ cháy rừng (gồm 5 cấp dự báo). Các trạm khí tượng tự động được lắp đặt hệ thống cảm biến, số liệu quan trắc từ các trạm được chuyển về máy chủ của chi cục qua mạng internet. Phần mềm trên máy chủ tự động phân tích diễn biến của điều kiện thời tiết, xác định nguy cơ cháy rừng cho từng đơn vị hành chính và đơn vị quản lý rừng. Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế và quyết định thông báo cấp nguy cơ cháy rừng cho từng khu vực. Cơ quan chức năng hoặc chủ rừng có thể vào website của hệ thống để tiếp cận với thông tin về nguy cơ cháy rừng, từ đó xác định những biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp.

Ngoài ra, thông qua khai thác sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfor, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính và điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có cài đặt ứng dụng FRMS (phần mềm theo dõi diễn biến rừng)... Với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loài cây trồng, năm trồng, trữ lượng,... những thiết bị trên đã giúp phát hiện sớm các thay đổi về thông tin lô rừng, từ đó kịp thời kiểm tra và cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài ra ở một số đơn vị còn sử dụng các thiết bị bay không người lái để thực hiện việc kiểm tra an ninh rừng, kiểm tra cháy rừng hiệu quả như Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2.

Chi cục Kiểm lâm cũng đã đầu tư lắp đặt và sử dụng hiệu quả 11 hệ thống camera quan sát phát hiện sớm lửa rừng tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; các camera có thể quan sát 360 độ, cả ngày và đêm, hình ảnh thu được sắc nét, tầm quan sát rộng (khoảng 10 km), hình ảnh được truyền qua mạng internet đến hệ thống máy tính của đơn vị hoặc điện thoại smartphone của người đăng ký cài đặt; từ đó quan sát và kịp thời phát hiện các đám cháy hoặc theo dõi, giám sát người ra vào rừng... Sau thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống camera đã thay nhiều điểm trực gác và công tác tuần tra được hiệu quả hơn, giảm đáng kể công sức và kinh phí thực hiện. Đặc biệt, hình ảnh theo dõi điểm cháy, người ra vào rừng qua hệ thống máy tính hoặc điện thoại thông minh rất rõ nét và có thể chia sẻ cho nhiều người, từ đó giúp lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời khi có cháy rừng, phá rừng xảy ra.

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ GPS để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phòng Quản lý, bảo vệ rừng đã chuyển 27 bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng của 27 huyện, thị xã, thành phố và đất lâm nghiệp từ định dạng TAB của Mapinfo vào GPS. Việc ứng dụng thiết bị GPS đã giúp phản ánh đúng hiện trạng rừng cụ thể đến từng lô rừng gắn với chủ rừng, phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra rừng, thiết kế, nghiệm thu, trồng rừng, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần giúp cho lực lượng kiểm lâm quản lý, nắm bắt được thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác, đưa ra các giải pháp, hoạch định chính sách về phát triển lâm nghiệp trong tương lai. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp ứng cứu kịp thời trong công tác chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra; lựa chọn các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động vào rừng nghèo làm tăng sinh khối, chất lượng của rừng tự nhiên, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Kế hoạch chuyển đổi số ngành lâm nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa xác định: Đơn vị sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ; quan tâm đầu tư, xây dựng thêm các trạm camera quan sát phát hiện sớm lửa rừng tại các khu vực trọng điểm cháy cao; phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thanh Hóa xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn; tập trung vào nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tăng cường trang bị các phần mềm, trang thiết bị chuyên ngành như sử dụng camera quang học kết hợp flycam giúp phát hiện sớm các đám cháy, phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, cập nhật biến động rừng tự động; các phần mềm nhận dạng nhanh một số loài động vật quý hiếm để phục vụ công tác quản lý, điều tra, xử lý vi phạm, quản lý, nuôi nhốt các động vật hoang dã; từng bước số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu, dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ (như quy trình sản xuất, chế biến lâm sản, các cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, bản đồ hiện trạng rừng, các dữ liệu khác trong ngành lâm nghiệp...) tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ số.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]