(Baothanhhoa.vn) - Với việc đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng kiểm định, giảm thiểu sai sót, giúp hoạt động đăng kiểm diễn ra hiệu quả, chuyên nghiệp, trách nhiệm.

Chuyển đổi số trong hoạt động đăng kiểm

Với việc đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng kiểm định, giảm thiểu sai sót, giúp hoạt động đăng kiểm diễn ra hiệu quả, chuyên nghiệp, trách nhiệm.

Chuyển đổi số trong hoạt động đăng kiểmKiểm tra xe trên dây chuyền kiểm định tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36.03D.

Sử dụng các phần mềm chuyên dụng do Cục Đăng kiểm cung cấp, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36.03D - Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (TP Thanh Hóa), các dữ liệu về phương tiện xe cơ giới được quản lý tập trung bằng phần mềm giúp hỗ trợ cho đăng kiểm viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các công đoạn kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ được tự động hóa, kết nối máy tính, tự động đánh giá kết quả kiểm tra. Ngoài ra, các chủ phương tiện cũng có thể đặt lịch đăng ký kiểm định trực tuyến hoặc xin cấp giấy xác nhận gia hạn kiểm định trực tuyến thông qua app TTDK của Cục Đăng kiểm.

Chị Phạm Thị Đông (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), cho biết: “Dù xe ô tô con của gia đình tôi đã hết hạn kiểm định từ đầu tháng 2/2024 nhưng do mới sản xuất được 4 năm nên theo quy định từ Thông tư 08/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 3/6/2023), xe của tôi được tự động giãn chu kỳ kiểm định mà không cần phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại. Sau khi tìm hiểu thông tin và hướng dẫn của Cục Đăng kiểm, tôi chỉ cần vào link giahanxcg.vr.org.vn, điền đầy đủ thông tin, sau đó chọn tải “giấy xác nhận thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng kiểm” và tem kiểm định về, dán trên xe là xong. Thao tác đơn giản, thuận lợi, nhanh chóng, lại tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại”.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36.03D, cho biết: "Trung tâm đã áp dụng công nghệ, phần mềm trong các quy trình kiểm định. Việc số hóa các quy trình kiểm định cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía khách hàng, giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm định, tăng trải nghiệm, tăng sự hài lòng của khách hàng khi thực hiện kiểm định tại trung tâm. Qua đó, khách hàng tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng dịch vụ kiểm định của trung tâm".

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Các trung tâm đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong quy trình kiểm định nhằm minh bạch hóa hoạt động đăng kiểm, góp phần phòng ngừa rủi ro, sự cố kỹ thuật trong quá trình phương tiện lưu thông trên đường. Các dữ liệu về hồ sơ kỹ thuật phương tiện xe cơ giới được quản lý tập trung bằng phần mềm chuyên dùng; quy trình kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ được tự động hóa, kết nối máy chủ, tự động in kết quả và được kiểm tra, giám sát trực tiếp thông qua hệ thống camera; các đơn vị đăng kiểm có thể sử dụng cơ sở dữ liệu chung về phương tiện; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác thu phí sử dụng đường bộ; kiểm tra phương tiện bị cảnh báo về kỹ thuật khi kiểm định; kiểm tra phương tiện bị phạt nguội khi tham gia giao thông; phương tiện hết niên hạn sử dụng hoặc trễ hạn kiểm định; áp dụng thanh toán hóa đơn điện tử... giúp hỗ trợ tối ưu cho đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Tiến Thôn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36-13D (Triệu Sơn), cho biết: "Nhờ đầu tư dây chuyền kiểm định hiện đại, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục hành chính nên chất lượng, hiệu quả của việc đăng kiểm thường xuyên được nâng cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện tốt công tác đăng kiểm. Đồng thời, thường xuyên quán triệt cho các đăng kiểm viên thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đăng kiểm, chống hiện tượng tiêu cực, đảm bảo cho các phương tiện sau khi đăng kiểm lưu thông an toàn".

CĐS trong lĩnh vực đăng kiểm không chỉ giúp giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi, khách hàng được nhận kết quả chứng nhận kiểm định điện tử, rút ngắn quy trình thủ tục, thời gian so với phương thức truyền thống mà còn giúp cho lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo và dữ liệu thông suốt kịp thời, giúp tối ưu hóa năng suất làm việc của các trung tâm đăng kiểm.

Để thúc đẩy CĐS lĩnh vực đăng kiểm theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và đăng kiểm viên khi thực hiện nhiệm vụ, ngày 21/12/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã ký ban hành Quyết định số 1674/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam”.

Đề án đặt ra mục tiêu tới năm 2025, trong hoạt động quản lý chuyên ngành sẽ hình thành các cơ sở tập trung để quản lý thống nhất hoạt động đăng kiểm; chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác đăng ký phương tiện, quản lý hoạt động vận tải của các cục quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu sẽ được chia sẻ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành để phục vụ công tác quản lý như: Sở Giao thông - Vận tải, cơ quan công an, thuế, hải quan... Đáng chú ý, 100% dữ liệu phương tiện sẽ được quản lý thống nhất, xuyên suốt từ khâu: thẩm định thiết kế, thử nghiệm, sản xuất, lắp ráp, đóng mới hoặc nhập khẩu đến khâu kiểm tra trong khai thác, sử dụng. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện. Đến năm 2030, các hoạt động quản lý, điều hành của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được CĐS một cách toàn diện để có thể triển khai quản lý, vận hành và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp chủ yếu trên môi trường trực tuyến.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]