Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thiệu Hóa
Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong XDNTM, từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần XDNTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều mô hình, chương trình, hoạt động về chuyển đổi số (CĐS), từng bước đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện.
Mô hình “Camera an ninh trật tự” trên địa bàn thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Tháng 3/2023, thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu và mô hình thôn thông minh. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, thôn đã nâng cấp được hệ thống hạ tầng số, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền hình trực tuyến, bảng tuyên truyền điện tử tại nhà văn hóa thôn... Anh Mai Văn Kỳ, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Nguyên Lý, cho biết: "Trước đây, mỗi khi có thông tin, công việc của thôn, chúng tôi phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm đến từng hộ dân để báo tin, nhưng hiện nay, thôn đã thành lập nhóm zalo với sự tham gia của đại diện 210 hộ dân trong thôn để kịp thời phổ biến, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cung cấp, trao đổi thông tin, tin tức hoạt động tại địa phương và triển khai vận động, lấy ý kiến, kiến nghị của người dân trong thôn. Từ đó, việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc chung của thôn được triển khai kịp thời, thuận lợi. Được ví như “tai mắt” của chính quyền cũng như của lực lượng Công an Nhân dân, 10 camera giám sát an ninh của thôn được kết nối về hệ thống camera an ninh của xã đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong tham gia giao thông, thu dọn rác... Không dừng lại ở đó, việc triển khai xây dựng “Thôn thông minh” còn góp phần không nhỏ vào đổi thay ở nhiều mặt đời sống của người dân trên địa bàn thôn Nguyên Lý. Đến nay, thôn có 76,8% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu, 68,3% người dân có tài khoản thanh toán điện tử... Việc sử dụng tài khoản thanh toán điện tử của người dân trong thôn đã trở nên khá phổ biến để thanh toán cho các loại dịch vụ, như: tiền điện, nước sinh hoạt, tiền mua hàng, lệ phí dịch vụ công trực tuyến... Cũng theo chia sẻ của trưởng thôn Nguyên Lý: “Ban đầu, khi người dân chưa quen, chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn, tuy nhiên, với nhiều tiện ích thiết thực đã được thể hiện trong cuộc sống, hiện người dân đã hoàn toàn đồng tình, ủng hộ CĐS, với việc xây dựng thôn thông minh”.
Được biết, xã Thiệu Nguyên đã đầu tư hơn 700 triệu đồng cho nhiệm vụ CĐS. Đến nay, 100% lĩnh vực kinh tế - xã hội của xã được chỉ đạo, điều hành và quản lý thông qua nền tảng số; 76,9% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; 60,4% người trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu...
Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng trong “hành trình” XDNTM, ngay sau khi kế hoạch được ban hành, huyện Thiệu Hóa đã nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các địa phương; nhất là tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về CĐS. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các hội nghị tập huấn công tác CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên ban chỉ đạo CĐS cấp xã; hướng dẫn hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, phát triển xã hội số, kinh tế số, chính quyền số. Thông qua lớp tập huấn, cán bộ, công chức cấp xã và các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực cần ưu tiên CĐS; hướng dẫn từng hộ dân, người dân cài đặt, đăng nhập các ứng dụng. Điển hình như: Ứng dụng đưa các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, các sản phẩm là thế mạnh của địa phương lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng CĐS trong sản xuất nông nghiệp, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Mặt khác, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình CĐS phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, thông qua chương trình, người dân huyện Thiệu Hóa đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, chính quyền từ huyện đến xã đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% các xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông trong bộ tiêu chí XDNTM; trên 50% các xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông, tiêu chí số 15 về hành chính công trong XDNTM nâng cao, người dân được tập huấn kiến thức để tiếp cận thông tin quản lý Nhà nước trên nền tảng mạng và trực tiếp tương tác với chính quyền trên nền tảng mạng.
Có thể nói, thực hiện CĐS đã nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Đây còn là mô hình phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 08:54:00
Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuận lợi cho người bệnh BHYT
-
2024-11-21 06:10:00
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
-
2024-03-07 10:55:00
Nga Sơn chuyển đổi số để phát triển toàn diện
BHXH tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ
Hiệu quả từ chương trình viễn thông công ích
Đẩy mạnh cài đặt chữ ký số cá nhân
“Số hóa” trong hoạt động hiến máu tình nguyện
Actisoft cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Chuyển đổi số: Động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập
Nông Cống thực hiện chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Phát huy nội lực chuyển đổi số trong các HTX
Chữ ký số góp phần thúc đẩy chuyển đổi số