Chuyển đổi số ở xã Quảng Bình
Là một vùng quê thuần nông, bắt tay vào XDNTM từ điểm xuất phát thấp nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Quảng Bình (Quảng Xương) đã có sự bứt phá mạnh mẽ trở thành xã NTM kiểu mẫu. Ở “miền quê đáng sống” ấy, người dân luôn tự hào vì được thụ hưởng những công trình, hàng cây - thành quả do mình bỏ ra, trong đó có việc chuyển đổi số (CĐS).
Cán bộ và Nhân dân thôn Xa Thư trao đổi về hệ thống camera giám sát của thôn.
Thắt chặt tình đoàn kết
“Xây dựng thôn thông minh, mọi người được hưởng lợi rất nhiều từ việc CĐS, đó là internet lắp đặt tại nhà văn hóa thôn, tối đến các bà, các chị tập trung nhảy dân vũ; mọi việc của xã, của thôn, người dân được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời trên nhóm zalo của thôn; bà con cũng thường xuyên phản ánh tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... với ban quản lý thôn, từ đó chúng tôi giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong dân” - ông Phạm Công Trung, Trưởng thôn Xa Thư mở đầu câu chuyện về CĐS với chúng tôi.
Ông Trung cho biết thêm, cũng nhờ có công nghệ số mà tình làng, nghĩa xóm thắt chặt tình đoàn kết, bởi mỗi lần có gia đình nào gặp biến cố, hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được ban quản lý thôn kêu gọi bà con chung tay hỗ trợ. Đơn cử như, trong thôn có một cháu đi nghĩa vụ quân sự về, sau đó đi Đài Loan, không may bị mất bên Đài Loan. Trong thời gian chờ đợi làm thủ tục để đưa cháu về quê, ban quản lý thôn đã soạn tâm thư đưa lên nhóm Zalo “Xa Thư - Nhân dân tương tác” kêu gọi bà con hỗ trợ gia đình. Qua vận động, bà con trong thôn đã hỗ trợ được gần 100 triệu đồng để gia đình có thêm kinh phí đưa cháu về quê; hay trường hợp gia đình anh Phạm Công Thông, có 2 con bị tật nguyền, bản thân anh Thông lại bị tai nạn, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ban quản lý thôn đứng ra kêu gọi, bà con hỗ trợ được 44 triệu đồng...
Bên cạnh đó, việc CĐS đã giúp cho tình hình an ninh trật tự của thôn luôn được bảo đảm, tình trạng ăn cắp vặt, đổ rác thải bừa bãi giảm đi rất nhiều. Bởi, toàn thôn hiện có 140 mắt camera (trong đó thôn lắp được 20 mắt bằng nguồn xã hội hóa, 120 mắt do các hộ trong thôn lắp); qua hệ thống camera, người dân tham gia giám sát, phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở lên nhóm của thôn, từ đó người dân nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong thôn.
Nói rồi, ông Trung nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống camera an ninh do thôn xây dựng bằng nguồn xã hội hóa. Thấy có khách đến thôn, ông Lê Văn Lệ - người dân trong thôn hồ hởi: “Chúng tôi rất vui khi được thụ hưởng những thành quả do mình đóng góp, xây dựng. Từ việc đường làng, ngõ xóm được rộng mở; đến những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, nở hoa khoe sắc; hay sử dụng điện thoại thông minh để nắm bắt tình hình của thôn qua nhóm zalo; giám sát tình hình an ninh trật tự qua hệ thống camera; chiều hoặc tối người già, trẻ nhỏ đi bộ dọc đường quê, chia sẻ, động viên nhau khi ốm đau, giúp đỡ nhau lúc nhà có việc, thấy tình làng, nghĩa xóm được gìn giữ và phát huy".
Nâng cao chất lượng cuộc sống
“Để đạt được thành quả mà người dân xã Quảng Bình tự hào như hôm nay là cả một quá trình đầy gian khó. Song, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự tin tưởng và đồng thuận của Nhân dân, quá trình XDNTM kiểu mẫu của xã đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, trong đó có việc tiếp cận với xu thế CĐS hiện nay” - đồng chí Lê Thanh Bảo, Chủ tịch UBND xã Quảng Bình, chia sẻ.
Đồng chí Lê Thanh Bảo cho biết thêm, Quảng Bình là 1 trong 5 xã, thị trấn của huyện Quảng Xương được giao hoàn thành CĐS năm 2022 theo Quyết định số 969/QĐ-UBND, ngày 18/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Để hoàn thành các chỉ tiêu CĐS, xã đã xây dựng kế hoạch về CĐS, thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; chủ động bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng số, trong đó tập trung nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, trang bị máy tính, máy in, kết nối mạng cho 100% phòng làm việc của cán bộ, công chức. Riêng bộ phận một cửa được trang bị thêm máy scan phục vụ cho công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện CĐS; triển khai tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số để tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán học phí, sổ liên lạc điện tử...
Hiện, toàn xã có 3.706 công dân được hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và mức độ 2 (trong đó mức độ 1 là 1.882 công dân, mức độ 2 là 1.824 công dân). 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản phần mềm văn bản điều hành tác nghiệp, tài khoản thư điện tử công vụ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận qua phần mềm một cửa điện tử của xã đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập đạt 100%... Phòng họp trực tuyến của xã được liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, Trung ương, được quản lý, khai thác và vận hành, sử dụng hiệu quả. Xã đã lắp đặt được 80 mắt camera giám sát trên các trục đường chính, ngã ba, ngã tư, nơi tập trung đông người, góp phần bảo đảm an ninh trật tự; người dân cũng đã hình thành thói quen và tích cực tham gia vào quá trình CĐS của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Tuy nhiên, quá trình thực hiện CĐS tại địa phương cũng gặp không ít những khó khăn, bởi đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, cần phải có nhận thức đúng, tư duy đúng, trong khi đó nhận thức của một bộ phận người dân về CĐS còn mơ hồ, hoạt động của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh còn mang tính truyền thống, chậm và ngại đổi mới; không có cán bộ có trình độ chuyên môn chuyên sâu về công nghệ thông tin, đặc biệt là thiếu nguồn lực cho quá trình thực hiện mục tiêu CĐS tại địa phương. Vì vậy, thời gian tới đề nghị cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để các địa phương hoàn thành chương trình CĐS theo lộ trình hàng năm. Quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CĐS” - Chủ tịch UBND xã Quảng Bình Lê Thanh Bảo đề xuất.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-01-11 11:38:00
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Quảng Xương đẩy mạnh chuyển đổi số
-
2025-01-06 15:02:00
Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục thường xuyên
-
2024-04-20 09:00:00
Năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan
Bệnh viện tuyến huyện nỗ lực chuyển đổi số
Nhân rộng mô hình chuyển đổi số, tiến tới phát triển “Làng số”
Chuyển đổi số doanh nghiệp ở Thanh Hóa: Cơ hội và thách thức
Chuyển đổi số trong hoạt động đăng kiểm
Huyện Triệu Sơn và VNPT Thanh Hóa ký kết thoả thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Thiệu Hóa
Nga Sơn chuyển đổi số để phát triển toàn diện
BHXH tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ