Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng”
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tối 5/5 Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng”. Chương trình được truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu gồm: Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng” tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu dự tại đầu cầu Kon Tum.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Điện Biên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự tại các điểm cầu.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các đại biểu Trung ương và địa phương dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các đại biểu Trung ương và địa phương dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đông đảo Nhân dân tham dự chương trình.
Đến dự tại Quảng trường Lam Sơn, điểm cầu Thanh Hóa, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các tỉnh, thành phố có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo cán bộ, Nhân dân.
Với thời lượng hơn 120 phút, chương trình cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” đã đưa khán giả quay trở lại những ngày tháng hào hùng không thể nào quên của một thời cả dân tộc đồng lòng, góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu hy sinh xương máu để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - nơi ghi dấu một trong những trận chiến oanh liệt nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạc một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh Việt Nam.
70 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, mà còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo.
Tại tỉnh Điện Biên, điểm cầu được tổ chức ở Tượng đài Chiến Thắng trên đồi D1 với sân khấu được thiết kế 56 cột đá tượng trưng cho 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm. Chương trình với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với những khúc tráng ca như: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Hò kéo pháo... là cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, để những nhân chứng lịch sử kể về kỷ niệm không thể nào quên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại Hà Nội điểm cầu được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình lịch sử là những tiết mục tái hiện lại bầu không khí sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu, trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội với hình ảnh các đoàn vệ quốc quân rầm rập trở về Hà Nội sục sôi kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại Thanh Hóa, điểm cầu được tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn, ngoài những đại cảnh hoành tráng, không khí cảm động tái hiện một cách sinh động khung cảnh hướng về tiền tuyến, dân công vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ, vượt qua mưa bom bão đạn lên chiến trường, đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ, khán giả còn được gặp nhân chứng lịch sử là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa kể lại những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con ở nhà, con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống Nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại. Hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho thắng lợi của chiến dịch.
Trong những ngày tháng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, dù là hậu phương có địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt, nhưng đã không ngăn được từng đoàn dân công nối nhau từ miền Tây Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, bí mật đưa hàng tới đích an toàn. Trong mưa bom bão đạn của những ngày tháng không thể nào quên, góp sức người sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, đó là: Đồng chí Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương, liên tục gánh đôi bồ nặng 60kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; là những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc, quê thị xã Thanh Hóa, đã đạt kỷ lục thồ từ 160kg lên 195kg, rồi trên 300kg mỗi chuyến; là người nông dân Trịnh Đình Bầm, quê ở xã Định Liên, huyện Yên Định, với lòng yêu nước nồng nàn đã không chút đắn đo khi quyết định tháo dỡ bàn thờ gia tiên để làm bánh xe cút kít, phục vụ vận chuyển hàng hóa...
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Tại KonTum, điểm cầu được tổ chức tại Nhà rông Kon Klor, là màn đại cảnh đồng diễn của người dân với 140 ngọn đuốc cầm tay, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực của ý Đảng - lòng dân trong cuộc kháng chiến, tạo nên không gian đậm chất sử thi Tây Nguyên.
Điểm cầu TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ, là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác. Nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và binh vận... góp phần quan trọng vào chiến thắng chung.
Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng” là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Chương trình cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng có sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, tham gia biểu diễn ở 5 điểm cầu. Trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Đông Hùng, Lan Anh, Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto... tham gia biểu diễn.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng hoa chiến sỹ Điện Biên tham dự chương trình tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại 5 điểm cầu là bức tranh được tái hiện chân thực và toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp tục xây dựng và tăng cường niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Minh Hiếu
- 2024-11-02 16:20:00
[Infographics] - Một số sự kiện văn hóa, du lịch tại Thanh Hóa trong tháng 11
- 2024-11-02 16:01:00
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Hùng Tiến
- 2024-05-05 22:10:00
Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm, tặng quà tri ân gia đình chính sách tại TP Thanh Hóa
Tây Ninh công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Không chủ quan, mất cảnh giác trong quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 5/5/2024
Những sự kiện nổi bật trong tuần
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 5/5
Tổng duyệt cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng”
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tiếp đoàn công tác của Tỉnh ủy Lai Châu
Vĩnh Lộc: Khẩn trương khắc phục thiệt hại sản xuất sau ảnh hưởng của mưa lớn