Bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia
Trên địa bàn Thanh Hóa có 2 vườn quốc gia (VQG), 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), 2 khu bảo tồn loài, 4 khu di tích lịch sử - văn hóa, với tổng diện tích trên 82.123,44ha. Trong đó, phần lớn diện tích thuộc VQG Bến En và 3 khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên đại diện cho các hệ sinh thái rừng đặc trưng trên núi đá vôi, núi đất. Hiện nay, ở các khu bảo tồn, VQG trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được đánh giá là tỉnh có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao ở khu vực Bắc Trung bộ.
Hoạt động tái thả động vật hoang dã ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học.
Trong đó, Khu BTTN Pù Hu thuộc hệ sinh thái chuyển tiếp giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn và Bắc Trường Sơn, là nơi cư trú nhiều loài động, thực vật đặc hữu. Mặt khác thảm thực vật rừng ở đây cùng với Khu BTTN Pù Luông, Khu bảo tồn loài Nam Động đã tạo nên tính liên vùng, đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng đối với khu vực sông Đà và sông Mã. Ngoài ra, thảm thực vật ở Khu BTTN Pù Hu còn đóng vai trò điều tiết khí hậu, góp phần duy trì cân bằng sinh thái. Để bảo tồn ĐDSH, những năm qua thông qua các đề tài, dự án đơn vị đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác bảo tồn hệ sinh học. Đặc biệt, đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập danh lục khu hệ động, thực vật trong khu bảo tồn, 1.725 loài thực vật, thuộc 696 giống, 170 họ và 72 bộ, 12 lớp và 6 ngành, ghi nhận được 915 loài động vật. Trong đó, có 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Đơn vị đã xây dựng dữ liệu về ĐDSH, xây dựng bản đồ phân bố của một số loài động, thực vật quý hiếm; tiến hành điều tra hiện trạng phân bố, mối đe dọa 2 loài vàng tâm, sến mật; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm tra rừng bằng GPS trên Google earth; bổ sung hoàn thiện 39 tiểu khu, xây dựng 39 ô tiêu chuẩn định vị theo dõi, đánh giá diễn thế của rừng; sưu tầm các tiêu bản động, thực vật phục vụ việc nghiên cứu khoa học; xây dựng và tổ chức theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh tổ thành và nâng cấp vườn thực vật; phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn xây dựng chương trình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, nâng cao năng lực bảo tồn ĐDSH cho cán bộ đơn vị, tiến hành giám sát đối với một số loài động, thực vật quý hiếm và hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ điều tra.
Đặc biệt, thông qua Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng chương trình giám sát một số loài động vật quý hiếm tại Khu BTTN Pù Hu”, đơn vị đã xây dựng được hệ giám sát về ĐDSH cho một số loài động thực vật, động vật chỉ thị quý hiếm của khu bảo tồn, như: Gà tiền mặt vàng, gấu ngựa, thông tre lá dài, lan kim tuyến, rùa hộp trán vàng Bắc bộ. Ngoài ra, đơn vị đã triển khai Dự án khoa học “Ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái ĐDSH bởi các loài động, thực vật xâm lấn tại Khu BTTN Pù Hu giai đoạn 2015-2018”. Xây dựng 5 bộ bản đồ về phân bố hiện trạng của quần thể 5 loài động, thực vật xâm lấn gồm cỏ lào, trinh nữ móc, keo giậu, cây ngũ sắc, ốc bươu vàng để từng bước nghiên cứu các giải pháp diệt trừ. Ban Quản lý dự án cũng trồng mới 5ha rừng lát hoa, trồng phục hồi các khu đất trống bằng loài cây bản địa...
Những năm qua, Khu BTTN Xuân Liên đã thực hiện thành công nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao tính ĐDSH như: Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ”; Dự án điều tra bảo tồn các loài cu li (Nycticebusspp), loài vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), các loài khỉ (Macaca), các loài mang (Trachypithecus barbei). Ứng dụng hệ thống GPS-Photo Link và trên website của khu bảo tồn về quản lý cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn như: Bách xanh, pơmu, samu, dẻ tùng sọc trắng, sến mật. Nghiên cứu, tuyển chọn 4 loài lan quý hiếm có giá trị kinh tế cao để nghiên cứu và tiến hành nhân giống như lan hài lông, lan hài vân bắc, lan thủy tiên hường, 1 loài dược liệu na rừng.
Đặc biệt, với những nỗ lực nghiên cứu, khu bảo tồn và các nhà khoa học đã xác định được các loài mới, hiện trạng và sinh sống của các quần thể động vật, thực vật quý hiếm có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam và thế giới như: Loài nấm mộc hương (đã đặt tên khoa học là Aristolochia xuanlienensis) hiện đã gửi đến Tạp chí Phytotaxa (SCI-E); đang phân tích AND thuộc chi giác đế - họ na; 3 loài mới chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam, đó là lữ đằng đứng, thủy thảo trắng, song quả lá bắc tím. Cùng với đó đã xác định có 4 loài khỉ thuộc giống Macaca, 2 loài culi thuộc culi lớn và nhỏ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khu bảo tồn đã ghi nhận 252 loài chim thuộc 55 họ, 17 bộ. Trong đó có 10 loài chim quý hiếm có giá trị bảo tồn như: Gà tiền mặt vàng, vẹt ngực đỏ, hồng hoàng; 5 loài rùa; 5 loài cầy. Cùng với đó, đơn vị lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát ĐDSH bằng phần mềm “Smart”, công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, hiện nay ở các khu bảo tồn, VQG có 1.417 loài thực vật rừng, thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 56 loài trong Sách đỏ IUCN năm 2013, 46 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Về động vật rừng có 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp, trong đó có 94 loài nguy cấp, quý, hiếm, gồm: 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá. Có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục đỏ IUCN - 2012; 56 loài ở mức đe dọa của Việt Nam được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam - 2007 và 71 loài được ghi trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 2013 đến nay, đã điều tra phát hiện, bổ sung 402 loài thực vật, 25 loài thú, 58 loài chim, 14 loài bò sát, trong đó có loài rắn khuyết Nam Động, 9 loài lưỡng cư và phát hiện nhiều quần thể động vật quý có giá trị cho khoa học. Các khu bảo tồn, VQG còn là nơi lưu giữ, bảo tồn rất nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn gen của các loài đặc hữu.
Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai 31 nhiệm vụ, đề án khoa học và công nghệ, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH được triển khai thực hiện tại các khu BTTN, VQG, với tổng kinh phí trên 55.195 triệu đồng; đề xuất mới 21 nhiệm vụ, đề tài, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm 2023, với tổng kinh phí dự kiến 114.753 triệu đồng. Trong đó, các ban quản lý rừng đặc dụng triển khai, thực hiện 28 nhiệm vụ, đề tài, dự án và đề xuất 21 nhiệm vụ, đề tài, dự án mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; các ban quản lý rừng phòng hộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai, thực hiện 3 nhiệm vụ, đề tài, dự án.
Thông qua các chương trình, dự án về điều tra, bảo tồn nguồn gen, bảo tồn hệ sinh thái, các loài động, thực vật đặc hữu, trong 2 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thống kê được 565 nguồn gen quý, có giá trị; diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái dần được phục hồi, tái sinh, tăng 11,41% so với năm 2022, tương đương 10.287,48ha, góp phần nâng cao giá trị quý giá của tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH của tỉnh.
Bài và ảnh: Khắc Công
- 2024-11-04 06:25:00
Thời tiết ngày 4/11: Thanh Hóa đón không khí lạnh tăng cường
- 2024-11-03 14:54:00
COP16 thiết lập quỹ chia sẻ lợi nhuận từ sử dụng tài nguyên di truyền
- 2024-08-30 06:30:00
Dự báo thời tiết ngày 30/8: Thanh Hóa tiếp tục nắng nóng, nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông
10 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi Hành động vì đại dương xanh
Dự báo thời tiết ngày 29/8: Thanh Hóa nắng nóng đến trước kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh
Dự báo thời tiết ngày 28/8: Thanh Hóa nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 37 độ C
Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi
Dự báo thời tiết ngày 27/8: Bắc bộ, Thanh Hóa đề phòng sạt lở đất do mưa
Thời tiết cả nước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sẽ như thế nào?
Dự báo thời tiết ngày 26/8: Đêm và chiều tối có mưa rào và dông
Dự báo thời tiết ngày 25/8: Khu vực Thanh Hóa ngày nắng, đêm có mưa vài nơi
Dự báo thời tiết ngày 24/8: Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác