(Baothanhhoa.vn) - Có thể nói trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn vươn tới khát vọng độc lập, tự do. Và dải đất hình chữ S thân thương này cũng là nơi phải gánh chịu chiến tranh xâm lược liên miên suốt cả chiều dài lịch sử. Trên hành trình của “bài ca giữ nước” chúng ta đã có đến 3 bản tuyên ngôn độc lập. Đó là những “lời thề giữ nước” bừng bừng khí thế, là những bản “thiên cổ hùng văn” vang dậy núi sông truyền lại cảm hứng bao đời cho cháu con tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó.

Thiêng liêng lời thề độc lập...

Có thể nói trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn vươn tới khát vọng độc lập, tự do. Và dải đất hình chữ S thân thương này cũng là nơi phải gánh chịu chiến tranh xâm lược liên miên suốt cả chiều dài lịch sử. Trên hành trình của “bài ca giữ nước” chúng ta đã có đến 3 bản tuyên ngôn độc lập. Đó là những “lời thề giữ nước” bừng bừng khí thế, là những bản “thiên cổ hùng văn” vang dậy núi sông truyền lại cảm hứng bao đời cho cháu con tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó.

Thiêng liêng lời thề độc lập...Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: TƯ LIỆU

Chúng ta làm sao quên được trên trận tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) năm 1076, “bài thơ thần” bất hủ vang lên như bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc, khẳng định rõ ràng: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở). Từng câu, từng chữ hào hùng, đanh thép vừa như lời động viên binh sĩ nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm, khơi dậy lòng yêu nước để từ đó kết thành nguồn sức mạnh đánh đuổi quân giặc, giữ yên bờ cõi.

Năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô Đại Cáo”, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt: “Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Chừng ấy câu chữ thôi mà nói lên bao điều, không chỉ ở đất đai phong thổ mà còn cả linh khí đất trời, cả một sức mạnh bề dày văn hóa hun đúc nên tâm hồn con người để tạo ra khí phách. Có lẽ bởi vậy mà hậu thế mãi về sau vẫn luôn xem “Bình Ngô đại cáo” là áng văn chính luận mẫu mực, bản tuyên ngôn thứ hai, “thiên cổ hùng văn”...

Lần theo dòng thời gian, có lẽ, ít có dân tộc nào mà lịch sử lại đặt lên số phận những thử thách cam go, quyết liệt, bi hùng đến thế. Sau biết bao hy sinh, mất mát, ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, giữa biển người với cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa quan trọng khẳng định về chủ quyền quốc gia, quyền con người, khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do. Đó là kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất cho một nước Việt Nam độc lập, tự do. Đây là văn kiện lịch sử vô giá, một kiệt tác chính luận, lời tuyên bố hùng hồn với thế giới về những nội dung đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc, mở ra kỷ nguyên mới của thời đại Hồ Chí Minh.

Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định quyền con người, quyền độc lập dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị to lớn được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Điều tuyệt vời là Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trích dẫn hai bản tuyên ngôn bất hủ của thế giới là Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (năm 1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"; và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (năm 1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trên cơ sở kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sắc sảo lập luận, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, khăng khít với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thực sự của dân tộc. Người đã đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Bác ơi! Mỗi khi đọc lại Tuyên ngôn độc lập, chúng con mới hiểu vì sao Bác đã bao đêm thao thức dưới giá rét trời Âu, Bác đã qua nước Mỹ và sống lâu ở nước Pháp và bao nhiêu quốc gia nữa để thấu hiểu đến tận cùng quyền bình đẳng con người và độc lập, tự do dân tộc. Trái tim và trí tuệ của Người không chỉ dành riêng cho nước Việt thân yêu mà còn rộng ra cả nhân loại. Đó là tầm vóc của một người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, trái tim rộng lớn yêu thương yêu cùng với tầm nhìn và những dự báo thiên tài.

Bản Tuyên ngôn độc lập có 1.120 chữ được sắp xếp trong 49 câu là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn mà chặt chẽ, sắc bén bao gồm 3 phần chính: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn – Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn và lời tuyên bố độc lập! Tuyên ngôn độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống dân tộc, khẳng định cách mạng Việt Nam là một trong phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ Nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân dành độc lập dân tộc. Đó là mục tiêu, kết quả của hành trình tìm đường cứu nước của Người, từ đó mở ra thời đại của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Tuyên ngôn độc lập cũng khẳng định vai trò, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới...

Nhạc sĩ Vũ Thanh đã gửi gắm bao tình cảm dào dạt với giai điệu ngân vọng da diết mà thật thiêng liêng biết bao trong bài hát “Hà Nội mùa thu”: “Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình/ Lời Người thu năm ấy/ Màu cờ thu năm ấy/ Vẫn đây xanh trời mây”. Chúng ta ngỡ như vẫn còn nghe vọng lại cả biển người như nuốt từng lời của Bác đầm ấm, khúc chiết. Sao không khỏi xúc động trước giây phút giọng Bác ngưng lại giữa những tràng vỗ tay hoan hô của “biển người” rồi ân cần, thân mật hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Người vẫn sợ rằng với giọng nói xứ Nghệ âm sắc nằng nặng có thể nhiều người nghe không rõ. Đây là một câu nói không có trong văn bản mà làm rung động lay thức vô cùng khi cả quảng trường đồng thanh hô vang như sóng dậy: “Có!”. Từ lúc đó khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân không còn. Ai cũng thấy rằng Bác kính yêu từ những điều gần gũi, giản dị nhất.

Khát vọng độc lập, tự do ấy còn được thể hiện sau hơn 20 năm khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ ác liệt nhất. Đó là ngày 17-7-1966, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:

(Xem tiếp trang 16)

(Tiếp theo trang 3)

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Vâng, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành mệnh lệnh trái tim của toàn dân Việt. Tất cả đã trở thành hành động thiết thực tự nguyện đồng tâm để làm nên “mùa xuân dân tộc”. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm tướng Đờ Cát hay lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập đó chính là sự thể hiện khát vọng hòa bình, là biểu tượng cho hồn thiêng sông núi thắm máu đào bao anh hùng liệt sĩ.

Theo phong tục của người Việt chỉ một số ngày đặc biệt trong năm mới được gọi là tết. Bên cạnh các ngày tết như: nguyên đán, nguyên tiêu, thanh minh, trung nguyên (rằm tháng bảy), rằm trung thu thì ngày 2-9 hằng năm được gọi là ngày Tết độc lập của dân tộc Việt Nam. Khắp mọi miền thành thị, nông thôn đều treo cờ đỏ sao vàng, tổ chức các hội thi mang tính cộng đồng thể hiện sức mạnh khí chất của con người đất Việt. Khắp các bản, làng rực rỡ sắc màu thổ cẩm, rộn vang thanh âm cồng, chiêng, hân hoan trong niềm vui...

78 năm trôi qua nhưng thiêng liêng bản Tuyên ngôn độc lập vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó chính là “lời thề giữ nước” như lời căn dặn của Bác Hồ với đại đoàn quân tiên phong ở Đền Hùng trước khi về giải phóng thủ đô Hà Nội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thưa Bác, tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác trên đài cao Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là niềm tự hào cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo. Hai tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh vang lên trong lòng nhân loại như là một sự kết tinh biểu tượng cao đẹp của truyền thống, khí phách, tâm hồn dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi mãi...

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]