(Baothanhhoa.vn) - Ở bất kỳ thời đại nào, mọi triết lý giáo dục phải hướng tới mục tiêu phát triển con người. Con người là khởi nguồn và cũng là đích đến cuối cùng của giáo dục. Trên “dòng sông tri thức” ấy, thầy - cô tựa như những người “lái đò” thầm lặng, ân cần theo năm tháng đưa các thế hệ học trò cập bến đỗ thành công. Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, “đất học” nổi danh ghi đậm dấu ấn của những người thầy - cô tài năng, tâm huyết, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”

Ở bất kỳ thời đại nào, mọi triết lý giáo dục phải hướng tới mục tiêu phát triển con người. Con người là khởi nguồn và cũng là đích đến cuối cùng của giáo dục. Trên “dòng sông tri thức” ấy, thầy - cô tựa như những người “lái đò” thầm lặng, ân cần theo năm tháng đưa các thế hệ học trò cập bến đỗ thành công. Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, “đất học” nổi danh ghi đậm dấu ấn của những người thầy - cô tài năng, tâm huyết, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”Cô Lê Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thanh (Đông Sơn) - người luôn tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến hết mình cho giáo dục mầm non.

Khi tìm đọc lại những trang tư liệu về lịch sử khoa cử, giáo dục Việt Nam, sẽ chẳng ngạc nhiên đâu khi bắt gặp rất nhiều những gương mặt nổi tiếng là người xứ Thanh. Đó là câu chuyện về Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho nền quốc sử, người thầy có tâm và có tầm; cha con Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, thượng thư Lương Hữu Khánh; Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi - người thầy dạy hai đời vua Lê; Nhữ đạm trai tiên sinh - Nhữ Bá Sỹ; Đào Duy Từ, Nguyễn Sư Lộ... Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của những người thầy ấy góp phần tô thắm thêm mạch nguồn, truyền thống hiếu học, đất học quê Thanh.

Noi gương các bậc tiền nhân, nhận thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào và cả sứ mệnh, trách nhiệm của mình, các thế hệ thầy giáo, cô giáo xứ Thanh luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, phát huy tính năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới “vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, kề vai sát cánh để đưa ngành giáo dục và đào tạo phát triển”, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Năm 2022, khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS) thì thầy Đoàn Văn Trường khi ấy mới 33 tuổi. Lúc bấy giờ, anh là cá nhân đạt tiêu chuẩn PGS trẻ nhất cả nước. Hiện anh là Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Từ một cậu sinh viên xuất thân nơi vùng quê chủ yếu làm nông nghiệp, thầy Trường nỗ lực học hành, trúng tuyển vào học ngành xã hội học, tại Trường Đại học Khoa học Huế. Tốt nghiệp cử nhân ngành xã hội học với tấm bằng loại giỏi, thầy Trường quyết tâm trở về cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê hương, giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiếp tục phát triển bản thân, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của trường, thầy mạnh dạn đi học nghiên cứu sinh ở Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sau đó thành công bảo vệ luận án tiến sĩ. Đi sâu vào con đường học thuật, nghiên cứu chưa bao giờ là điều dễ dàng. Với những người trẻ như thầy Đoàn Văn Trường, đó là hành trình của khó khăn, thử thách nhưng cũng không kém phần kích thích, đam mê. Thầy Trường làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh, công bố nhiều bài báo khoa học trong nước và trên các tạp chí quốc tế uy tín; xuất bản sách... Hướng nghiên cứu chủ yếu của anh là: Xã hội học dân số, trong đó tập trung nghiên cứu về di cư, di cư lao động; xã hội học gia đình và giới trong phát triển.

Với những thành tích đạt được, thầy Trường đã 2 lần đạt giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2020 và năm 2022 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Các năm học 2020-2021, 2021-2022 thầy Trường đạt nhiều thành tích xuất sắc, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Nếu câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân khiến bao thế hệ học trò trên đất Việt yêu mến, cảm phục thì xứ Thanh tự hào về nghị lực sống, vươn lên cùng khát vọng cống hiến của cô giáo “không tay” Lê Thị Thắm (Trường Tiểu học, THCS Đông Thịnh). Những hạn chế, khuyết thiếu của số phận không thể cản bước ý chí, nghị lực của cô gái trẻ. Cô đã nỗ lực, cố gắng từng ngày để được sống, theo đuổi hoài bão, ước mơ như một người bình thường.

Từ những ngày sưng rộp ngón chân, vụng về tập viết những chữ cái đầu tiên, Thắm vượt qua các cấp học phổ thông trong những nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần bạn bè đồng trang lứa, cô Thắm thi đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi ra trường, nhiều năm liền, Thắm mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong làng. Điểm lại những dấu mốc ấy mới thấy rằng: Niềm đam mê, ước mơ được đứng trên bục giảng, trở thành cô giáo truyền dạy kiến thức cho học trò với Thắm lớn lao, cháy bỏng và kiên định như thế nào. Xúc động trước tinh thần, nghị lực, quyết tâm ấy, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng có ý kiến chỉ đạo tuyển dụng đặc cách cô làm giáo viên. Đó là quyết định nhân văn của người đứng đầu và là “trái ngọt” của hành trình đầy nghị lực, ý chí vươn lên.

Giờ đây, Thắm đã chạm tay vào giấc mơ của mình. Hình ảnh cô giáo Lê Thị Thắm bắt đầu những tiết học, bài giảng đầu tiên tại Trường Tiểu học, THCS Đông Thịnh, trên chính mảnh đất quê hương mình tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng lớn lao. Những tâm huyết, nghị lực, đam mê của cô Thắm đã khiến cho mỗi trang giáo án thêm sinh động, những tiết học trên lớp thêm rộn ràng niềm tin yêu... Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Thắm là tấm gương sáng, truyền cảm hứng tích cực đến các thế hệ học trò noi theo.

Cũng trên vùng quê hiếu học Đông Sơn, chúng tôi có dịp tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện về nhiều gương thầy - cô giáo tiêu biểu, hết lòng vì học sinh thân yêu. Như câu chuyện về cô giáo Lê Thị Lan (54 tuổi), Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thanh, một trong những nhà giáo của huyện Đông Sơn được vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” năm 2023.

Bén duyên với nghề giáo viên mầm non từ những năm 1988, trong giai đoạn nhiều thiếu khó. Cô Lan kể: “Lựa chọn làm cô giáo mầm non đến với mình rất tự nhiên, xuất phát từ tình yêu với con trẻ, dẫu biết trước rằng sẽ là con đường nhiều khó khăn, vất vả”. Chị không thể quên “cái thuở ban đầu” ấy, cái ngày mà tiền lương được trả bằng lúa. Cơ sở vật chất nhà trường không đủ, phải mượn nhà dân làm lớp học; mỗi trẻ khi đến lớp phải mang theo ghế ngồi. Những ngày mùa, phụ huynh bận việc đồng áng, có khi tối mịt tối mờ mới sực nhớ đón con. Cô Lan lại mang các bé về nhà tắm rửa, nấu cơm cho bé ăn. “Thời điểm đó khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng mọi người cũng luôn động viên nhau, làm việc tâm huyết, trách nhiệm” - cô Lan chia sẻ. Ngoài giờ lên lớp, các cô ngồi lại với nhau làm dụng cụ, đồ dùng học tập, trang trí lớp học; đảm bảo cho các bé được tham gia 9 hoạt động trong ngày; tranh thủ từng giờ soạn những trang giáo án bằng tay...

Thời gian 35 năm cống hiến trong ngành giáo dục mầm non, 13 năm đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thanh, cô giáo Lê Thị Lan vẫn luôn giữ vững nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với nghề. Trong quá trình công tác, cô Lan đặc biệt chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; huy động tốt các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; tích cực thực hiện phong trào thi đua, phát huy sáng kiến kinh nghiệm...

Hằng năm, Trường Mầm non Đông Thanh có 5 - 7 giáo viên giỏi cấp huyện, 3- 4 chiến sĩ thi đua cấp huyện, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt 80% xuất sắc, 20% khá, không có giáo viên xếp loại trung bình. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ của nhà trường ngày càng được nâng cao. 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú. 100% trẻ đạt sức khỏe bình thường, vệ sinh phòng nhóm, lớp luôn sạch sẽ, gọn gàng. Trẻ ở trường được bảo vệ sức khỏe, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Đông Thanh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, xếp thứ nhất cấp học mầm non của huyện, được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. Nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; nhiều sáng kiến hay, mô hình mới được nhân rộng ra các trường mầm non trong toàn huyện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đối với trong và ngoài tỉnh. Nhà trường là điểm đến tham quan học tập của các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hà Trung,...

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng dành những lời trân trọng về nghề day học và những người thầy, người cô: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy, cô giáo không những dạy chữ, mà còn dạy người. Họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu. Thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Muôn đời vẫn thế, những người thầy, người cô là yếu tố then chốt quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục. Bằng tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, các thế hệ nhà giáo - “kỹ sư tâm hồn”, "người lái đò thầm lặng” đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp “trồng người”.

Hoàng Linh

Tin liên quan:
  • Những người “lái đò” trên “dòng sông tri thức”
    Trên những vùng quê hiếu học xứ Thanh

    Dọc dài khắp đất trời quê Thanh, cùng với biết bao nỗ lực, cố gắng của lớp lớp thế hệ cháu con nơi đây đã góp phần bồi đắp và nuôi dưỡng mãi truyền thống, mạch nguồn hiếu học đáng trân trọng, tự hào.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]