(Baothanhhoa.vn) - Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, từng bước thực hiện việc khai quật khảo cổ học tại nhiều điểm của di sản. Nếu tính từ lúc mở đợt nghiên cứu khai quật khảo cổ học đầu tiên năm 2004, đến năm 2021 đã có 19 đợt khai quật liên tục, với gần 6 ha ở cả trong và ngoài thành. Quá trình khai quật đã góp phần làm rõ hơn diện mạo, cũng như giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Thành Nhà Hồ - hành trình 10 năm trở thành di sản văn hóa thế giới:

Nhiều phát hiện quan trọng trong khai quật khảo cổ Thành Nhà Hồ

Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, từng bước thực hiện việc khai quật khảo cổ học tại nhiều điểm của di sản. Nếu tính từ lúc mở đợt nghiên cứu khai quật khảo cổ học đầu tiên năm 2004, đến năm 2021 đã có 19 đợt khai quật liên tục, với gần 6 ha ở cả trong và ngoài thành. Quá trình khai quật đã góp phần làm rõ hơn diện mạo, cũng như giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Nhiều phát hiện quan trọng trong khai quật khảo cổ Thành Nhà HồDấu tích kiến trúc thời Hồ tại các hố khai quật khảo cổ học.

Dấu tích kiến trúc cung điện ở khu vực trung tâm Nền Vua và Chính điện

Có một địa danh quan trọng và đáng lưu ý ở trung tâm nội thành Thành Nhà Hồ, đó là Nền Vua. Nền Vua hiện trạng là một gò đất cao trên 1m, rộng khoảng trên 1.000m2. Tên gò và địa thế cao ở gần khu trung tâm đã gợi lên rằng, ở đây có thể có các kiến trúc quan trọng của Kinh đô thời Hồ. Điều này còn được tô đậm thêm khi phía Nam Nền Vua hiện còn đôi tượng rồng đá kiểu lan can thành bậc của các kiến trúc Hoàng Gia ở các kinh đô Việt Nam. Bởi vậy, khi có điều kiện, các cơ quan khảo cổ học đều đã chú ý thăm dò và khai quật lòng đất Nền Vua.

Năm 2004, bộ môn khảo cổ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã thăm dò vị trí Nền Vua với diện tích 45m2. Năm 2010, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tiến hành khai quật thăm dò với diện tích 50m2. Sau khi Di sản Thành Nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa thế giới, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu 10 năm (2012-2022). Năm 2020, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tiếp tục tiến hành khai quật lớn (4.500m2) khu vực Nền Vua tại phía Tây con đường trung tâm Bắc - Nam của tòa thành hiện nay. Cuộc khai quật đã phát hiện một tổ hợp kiến trúc lớn ở Nền Vua phân bố dọc theo hướng Bắc - Nam.

Hệ thống hào thành và dấu tích những bãi tinh chế đá xây thành

Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi, khi xây dựng kinh đô mới, cùng với tòa thành, Hồ Quý Ly đã cho đào hào. Hàng trăm năm qua, các hào thành dần dần bị san lấp. Sau khi Thành Nhà Hồ được ghi danh Di sản văn hóa thế giới năm 2011, trong 3 năm (2015, 2016 và 2019), Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã khai quật thăm dò để xác định quy mô và cấu trúc hào thành với tổng diện tích 12.040m2. Kết quả khai quật đã phát hiện dấu tích 4 hào thành. Sau 3 đợt nghiên cứu, về cơ bản quy mô và cấu trúc của tòa thành Thành Nhà Hồ đã được xác định tương đối rõ ở cả 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Đó quả là những con hào to lớn, bề thế và được xây xếp chủ yếu bằng đá một cách hết sức công phu, cẩn thận.

Về dấu tích chân thành và các bãi tinh chế đá trước khi xây Thành Nhà Hồ. Tại các không gian chân thành rộng rãi ở cả 4 hướng đều tìm thấy dấu tích gia cố nền móng là lớp sét xanh gia cố chân thành, khá thuần nhất, màu xanh nhạt, phủ kín toàn bộ khu vực hố khai quật từ chân thành xuống khu vực hào thành. Đặc biệt, ở phía Nam ngoài lớp dăm đá đã phát hiện được 89 khối đá, trong đó một số viên đang còn các cụm đá dăm xung quanh, điều này cho thấy các khối đá được tinh chế tỉ mỉ tại chân thành trước khi đưa lên dựng tường thành. Ngoài ra, khảo cổ học cũng đã tìm thấy chiếc đục sắt trong tầng văn hóa thời Hồ, hẳn là công cụ của thợ đá thời Trần - Hồ sử dụng để chế tác đá.

Bãi đá An Tôn - dấu tích công trường khai thác đá

Thành Nhà Hồ kỳ vỹ nổi tiếng với lớp thành xây dựng bằng đá lớn. Tuy nhiên, đã bao năm qua, giới nghiên cứu chỉ giả thiết đá được khai thác ở các núi đá vôi quanh vùng, trong đó có núi An Tôn. Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã điều tra và phát hiện dấu tích của việc khai thác đá cổ ở phía Nam An Tôn (xã Vĩnh Yên), núi Rú Thần và núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, nay là xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc)... Liền đó, để xác tín các chứng cứ khoa học về việc khai thác đá xây thành, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành mở 3 hố nghiên cứu bãi đá cổ An Tôn (xã Vĩnh Yên). Ở cả 3 hố khai quật đều phát hiện các dấu tích chế tác đá, đó là các lớp đá dăm, một số di vật kiến trúc và sinh hoạt, các khối đá, các dấu vết chế tác. So sánh dấu vết chế tác kích thước, hình dạng của các khối đá, các hố khai quật cho thấy chúng hoàn toàn trùng khớp với kích thước, hình dáng và dấu vết chế tác của các khối đá xây ở tường Thành Nhà Hồ. Các khối đá ở đây đều có dạng khối hộp chữ nhật, thường có 5 mặt được chế tác cẩn thận, phẳng phiu, chỉ có 1 mặt được chế tác sơ sài. Mặt chế tác sơ sài sẽ được xếp quay về phía bên trong tường thành. Điều này hoàn toàn phù hợp với những khối đá hiện thấy trong các đoạn tường Thành Nhà Hồ. Hơn nữa, về mặt khoảng cách, dãy núi An Tôn là nơi gần Thành Nhà Hồ nhất và địa hình cũng thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển. Tất cả cho thấy đúng như một số giả đoán trước đây, khu vực phía Nam núi An Tôn là một công trường khai thác đá lớn để xây dựng Thành Nhà Hồ.

Dấu tích con đường Hoàng gia và sân nền quảng trường Cửa Nam

Cũng như các kinh đô cổ phương Đông, Cửa Nam và khu vực Cửa Nam bao giờ cũng là khu vực quan trọng trong tổng thể thiết kế kinh đô liên quan đến sự hưng vượng của đất nước. Gắn liền với Cửa Nam là con đường ra vào thường được dân gian gọi tên là đường Cái Hoa hay Hoa Nhai hoặc Hòe Nhai. Do liên quan tới con đường vua đi nên vào năm 2011, chuyên gia Nhật Bản của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) khi vào kiểm tra đã gọi đây là con đường Hoàng gia. Năm 2008, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật thăm dò lần thứ nhất và phát hiện một phần dấu tích đường đá và sân nền lát đá. Đợt khai quật lớn năm 2010 đã làm rõ toàn bộ cấu trúc tường và sân nền phía trước Cửa Nam. Đó chính là dấu tích của con đường Hoàng gia và quảng trường Cửa Nam ở phía trước.

Dấu tích La Thành và kiến trúc thời Trần ở Xuân Đài

Xung quanh Thành Nhà Hồ có La Thành và khá nhiều di tích và thắng cảnh nổi tiếng, phần lớn đều đã bị mai một và biến thành phế tích. Khảo cổ học đã thử tìm hiểu La Thành và di tích Xuân Đài. Tại La Thành, năm 2010 Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đào một hố (30m2) để tìm hiểu cấu trúc các lớp đất đắp La Thành gần thôn Xuân Áng, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc). Đoạn La Thành này hiện bề mặt còn rộng 7m, chân thành rộng 41m, cao 5,7m.

Tại Khu di tích núi Xuân Đài, năm 2018, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã khai quật 2 vị trí: chùa Thông và núi Xuân Đài. Hố khai quật phía sau chùa Thông đã tìm thấy dấu tích chùa thời Trần và thời Lê Trung Hưng. Không tính di tích thời Lê Trung Hưng, chỉ tính riêng dấu tích chùa thời Trần đã nhận rõ được 2 giai đoạn. Giai đoạn sớm phát lộ 34 móng cột. Móng cột hình vuông hoặc chữ nhật, vật liệu đầm đều bằng đá, các móng cột sắp xếp thành kiểu kiến trúc hình chữ Đinh, hoặc nếu đầy đủ có thể đây là kiểu mặt bằng chữ Công. Giai đoạn muộn, dấu tích kiến trúc thời Trần xuất lộ ở phía Bắc hố khai quật, nằm bên trên và cao hơn 0,56m so với mặt sân rải cuội của kiến trúc Trần giai đoạn sớm. Trong phạm vi hố khai quật tìm thấy 4 chân tảng gần hình vuông thời Trần, đã thu được 16.479 hiện vật có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Đặc biệt có rất nhiều ngói cong thời Lê sơ được tráng men vàng và men xanh. Có thể nói hàng trăm năm qua, di tích Xuân Đài luôn được các vương triều chú trọng xây dựng, trùng tu, tôn tạo rất đẹp đúng như các hoàng đế, tao nhân mặc khách thời xưa từng đến thăm viếng và đề thơ ca ngợi.

Như vậy, các phát hiện nghiên cứu khảo cổ học sau khi Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi danh đã làm tăng bội phần giá trị nổi bật toàn cầu của tòa thành đá. Đặc biệt là cấu trúc của lớp tường đất, dấu tích các công trường khai thác đá, quy mô và kiến trúc của hào thành, kiến trúc cung điện xuất lộ trong thành nội... đã minh chứng chi tiết thêm cho giá trị “vô tiền khoáng hậu” của di sản.

Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]