(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, thời kỳ cách mạng 4.0, du lịch xanh không đơn thuần là khái niệm, kỳ vọng mà thực sự đã trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một trong những tỉnh rộng lớn, chia làm 3 vùng: vùng núi và trung du, ven biển, đồng bằng, tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch xanh.

Du lịch xanh Thanh Hóa - Tiềm năng và xu hướng

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, thời kỳ cách mạng 4.0, du lịch xanh không đơn thuần là khái niệm, kỳ vọng mà thực sự đã trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một trong những tỉnh rộng lớn, chia làm 3 vùng: vùng núi và trung du, ven biển, đồng bằng, tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch xanh.

Du lịch xanh Thanh Hóa - Tiềm năng và xu hướngDu khách theo tour của Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hữu Nghị chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước).

Có nhiều khái niệm về du lịch xanh được đưa ra, tựu chung lại, trong một số luận điểm chính: Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch.

Tham chiếu vào khái niệm du lịch xanh ấy, nhìn về một miền danh lam thắng cảnh, di tích độc đáo xứ Thanh thấy hiển lộ ở đó cả những thuận lợi và khó khăn, tiềm năng, lợi thế và hạn chế, thách thức song hành. Mảnh đất xứ Thanh mang đầy đủ đặc trưng của 3 vùng: trung du và miền núi, đồng bằng, ven biển với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Đặc biệt, xứ Thanh có một số khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đảo nổi tiếng như: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, vườn quốc gia Bến En, đảo Nẹ, đảo Mê... là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Mỗi bản, làng đều là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá tự nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, nét đẹp văn hóa bản địa. Vùng ven biển, với đường bờ biển kéo dài từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn, bờ biển phẳng với thềm lục địa tương đối nông và rộng từ lâu đã hình thành nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn khách du lịch như: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Hòa, bãi Đông (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa)... Bên cạnh lợi thế về địa lý tự nhiên, các tiềm năng nhân văn cho phát triển du lịch nông thôn cũng rất đa dạng và phong phú. Xứ Thanh - miền di sản, ẩm thực, nghề và làng nghề truyền thống đặc trưng, tiêu biểu. Tất cả như lời mời gọi “xanh mát”, đằm thắm, ân tình... đưa du khách về với xứ Thanh.

Khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước) không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, những khu ruộng bậc thang uốn nét mềm mại hay những cánh rừng thăm thẳm, ngọn núi, đồi điệp trùng, nhấp nhô, thác Hiêu ào ào nước đổ, những điệu múa xòe hoa, thanh âm khua luống hay men say rượu cần... Những năm gần đây, sự xuất hiện của những homestay tiện nghi, hiện đại mà vẫn gần gũi, hòa mình với thiên nhiên đã đưa Pù Luông trở thành địa điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả khách quốc tế. Nhiều năm nay, Pù Luông đã trở thành “điểm hẹn” của Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon), thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt VĐV, du khách trong nước và quốc tế. Sức hấp dẫn từ Khu du lịch sinh thái Pù Luông đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động du lịch, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện Bá Thước nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung thời gian qua.

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Khu BTTN) Thường Xuân là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam với đỉnh Pù Gió cao 1.620m, hồ Cửa Đạt mênh mông, dòng sông Chu hiền hòa, thác Yên thơ mộng, thác Thiên Thủy hùng vĩ tráng lệ... bên những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm... Len lỏi trên những con đường mòn xuyên rừng dưới ánh sáng của vài vạt nắng hắt qua tán cây, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng nguyên sinh cổ thụ đường kính đến 4m, vút tầm cao trên 60m, hay những loài nấm lạ, những nhánh hoa rừng mang hương sắc quyến rũ, hàng trăm loài cây dược liệu, phong lan quý... Nếu may mắn, du khách sẽ bắt gặp những loài động vật như: Vượn đen má trắng, Voọc xám... trong đời sống tự nhiên hoang dã. Khám phá hồ Cửa Đạt - thác Yên trên du thuyền chạy dài hơn 10km hay hành trình chinh phục thác Thiên Thủy hứa hẹn mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên. Sau khi đã háo hức bên những cánh rừng nguyên sinh, mê mải thả hồn trên lòng hồ Cửa Đạt, để tâm mình tĩnh lặng trước di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh, bước chân du khách tìm đến những bản làng du lịch cộng đồng bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), bản Vịn (xã Bát Mọt) yên bình giữa không gian đại ngàn. Những trải nghiệm du lịch sinh thái nơi đây sẽ là cuộc hành trình đáng nhớ khi về với vùng đất Châu Thường nổi danh này.

Nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ấy phục vụ phát triển du lịch, ngày 30-11-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 5126/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. “Đây là nguồn động lực to lớn, tạo nên tiền đề, huy động nguồn lực thúc đẩy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu BTTN Xuân Liên. Tuy nhiên, chính điều đó cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy năng lực, tinh thần chủ động, học hỏi, năng động, sáng tạo”, ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên chia sẻ. Từ nhận thức đến hành động, bám sát nội dung đề án, những năm qua, Khu BTTN Xuân Liên đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả thu hút du khách, thúc đẩy du lịch. Các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, camping, du lịch lòng hồ, khám phá rừng nguyên sinh, cây di sản...

Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên triển khai xây dựng khu Xuân Liên Travel để đón tiếp, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp việc tuyên truyền, giáo dục về môi trường. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, điểm check-in, 6 thuyền được đăng ký, đăng kiểm từ 12-28 chỗ ngồi..., Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên chú trọng tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm hoạt động tham quan, chăm sóc động vật bán hoang dã, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc phát triển du lịch xanh, sinh thái, cộng đồng ở Khu BTTN Xuân Liên cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế về thủ tục pháp lý, điều kiện cấp phép đầu tư, xây dựng các công trình, hạng mục phục vụ du lịch, thủ tục hành chính đối với các du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại khu vực biên giới, cửa khẩu... Năm 2022, chỉ tính riêng tuyến du lịch hồ Cửa Đạt - thác Yên đón 7.645 lượt khách, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng, chủ yếu là khách nội tỉnh và một số tỉnh phía Bắc.

Để “ngành công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch với quan điểm nhất quán là “không đánh đổi môi trường”, thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp- người dân. Ưu tiên phát triển 3 loại hình sản phẩm có thế mạnh gồm: du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh.

Trong đó, việc làm thường xuyên là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng xây dựng uy tín, thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; các đề án phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại một số huyện miền núi của tỉnh như: Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En giai đoạn 2021-2030, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Từ tiềm năng du lịch xanh đến khai thác là cả một hành trình dài, rất cần sự chung tay vào cuộc. Trong đó, ngoài nguồn vốn ngân sách, đầu tư hạ tầng đồng bộ... còn cần bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]