(Baothanhhoa.vn) - Tục thờ Ngài Nam Hải hay còn gọi là Cá Voi, Cá Ông đã trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển cả nước nói chung và người dân vùng biển Đa Lộc (Hậu Lộc) nói riêng. Đó cũng là mong ước, khát vọng lớn lao của mỗi ngư dân đi biển, cầu cho mưa thuận, gió hòa, thuận buồm, xuôi gió, thuyền về đánh bắt được nhiều tôm cá.

Đền thờ Ngài Nam Hải – tín ngưỡng tâm linh của ngư dân Đa Lộc

Tục thờ Ngài Nam Hải hay còn gọi là Cá Voi, Cá Ông đã trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển cả nước nói chung và người dân vùng biển Đa Lộc (Hậu Lộc) nói riêng. Đó cũng là mong ước, khát vọng lớn lao của mỗi ngư dân đi biển, cầu cho mưa thuận, gió hòa, thuận buồm, xuôi gió, thuyền về đánh bắt được nhiều tôm cá.

Đền thờ Ngài Nam Hải – tín ngưỡng tâm linh của ngư dân Đa LộcĐền thờ Ngài Nam Hải được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vùng biển Đa Lộc (Hậu Lộc).

Trong lịch sử cũng như truyền thuyết của những ngư dân đi biển, họ luôn tôn thờ Cá Voi vì Cá Voi là ân nhân cứu mạng mỗi khi họ gặp hoạn nạn trên biển. Vì vậy, Cá Voi còn được coi là một phúc thần của biển cả, được các vua nhà Nguyễn sắc phong là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần.

Theo những người cao niên ở thôn Hùng Thành, xã Đa Lộc chứng kiến kể lại: Năm 2004, vào một ngày sóng to, gió lớn, bầu trời âm u, nhiều mây, một số ngư dân đi biển phát hiện thấy xác một con Cá Voi trôi dạt vào bờ. Bà con trong thôn liền bảo nhau dựng chiếc lều gần khu vực rừng sú vẹt, rồi chôn cất Cá Voi chu đáo. Gần một năm sau, khi xác Cá Voi rữa ra, chỉ còn lại bộ xương, người dân thôn Hùng Thành đã xin Ngài mang bộ xương ấy về trong thôn để thờ. Sau đó, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cùng chuyên gia của Đài Loan cũng đã về tiến hành nghiên cứu, đánh giá đây là bộ xương Cá Voi lớn và còn khá nguyên vẹn, có chiều dài 12m, nặng khoảng 40-50 tấn.

Bà Vũ Thị Nhưng, 78 tuổi, thủ từ đền thờ Ngài Nam Hải và cũng là người trực tiếp chứng kiến lễ rước Cá Voi đưa về đền, cho hay: Ngày hôm đó vào khoảng 9 rưỡi sáng, trời mưa phùn, giá rét, mưa xuân lắc rắc, cũng kịp lúc thủy triều lên, cả thôn tập trung đông đủ, cờ rong, trống mở rước Ngài về. Những người uy tín, cao tuổi và thanh niên trai tráng, lực lưỡng, có lai lịch tốt, đang làm nghề đi biển được thôn cắt cử để tham gia vào lễ rước Cá Voi. Sau khi vệ sinh sạch sẽ bộ xương, những người được giao nhiệm vụ thiêng liêng ăn mặc chỉnh tề, cùng với thầy cúng tiến hành các bước nghi lễ. Trước khi tháo dời bộ xương, các vị trí đốt xương đều được đánh dấu hết sức chi tiết, cẩn thận. Sau đó, người dân đã dùng các thuyền chuyên đi khai thác của mình để vận chuyển, dùng quang gánh để gánh từng đốt xương vào bờ. Toàn bộ khung xương Cá Voi được xếp đặt tuần tự như lúc ban đầu và được người dân đưa về trong thôn dựng tạm tấm lợp để thờ, đồng thời thường xuyên hương khói.

Theo quan niệm của người dân, Cá Voi là vị thần hộ mệnh, cứu giúp cho họ trong mỗi lần gặp chuyện không may trên biển. Vì thế, đã có những câu chuyện tưởng hoang đường nhưng có thật được người dân trong thôn truyền nhau kể lại. Đó là hai lần kẻ gian đột nhập, lấy trộm hai đốt xương giữa Cá Voi mang về để làm vật dụng trong nhà. Cuộc sống của hai gia đình sau đó không hề được yên ổn, gặp đủ chuyện xui xẻo, chẳng lành nên họ đã phải đem các đốt xương ấy trả lại.

Sau gần chục năm đưa bộ xương Cá Voi về thờ, bằng phương pháp bảo quản thủ công, dưới tác động của thời gian, mưa nắng đã phần nào khiến cho bề mặt bộ xương bị ố vàng. Trước tình hình trên, bà con trong thôn đã bàn nhau chung tay ủng hộ và kêu gọi, vận động con em đi làm ăn xa đóng góp tiền của, vật chất để bảo quản bộ xương được tốt hơn. Năm 2015, đền thờ Ngài Nam Hải được xây dựng và khánh thành trong sự chứng kiến của đông đảo người dân trong thôn và con em xa quê. Đó cũng là ngày vui nhất của những người dân vùng biển Đa Lộc, bởi họ đã thỏa nguyện mong ước được rước Ngài Nam Hải về thờ ở một nơi khang trang, sạch đẹp. Bộ xương Cá Voi cũng đã được đưa vào bảo quản trong lồng kính tránh hư hại do ảnh hưởng của thời gian, mưa nắng.

Về hình thế, ngôi đền tọa lạc ở hướng Đông. Đền có hai gian, một gian thờ Ngài Nam Hải – nơi đặt bộ xương trong lồng kính và một gian thờ Tam tòa Thánh Mẫu, hai bên tả, hữu thờ quan văn, quan võ. Trên gác mái của ngôi đền được trang trí lộng lẫy hoa văn, chạm trổ hình thù các linh vật, cỏ cây, hoa lá. Đền thường được Nhân dân trong vùng tổ chức làm lễ vào 2 ngày: Ngày giỗ Ngài Nam Hải vào 19 tháng Giêng âm lịch và lễ hội của đền vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Vào hai ngày này, trong thôn mở hội tưng bừng, có thuyền rồng, cỗ rước đầy đủ thủ lợn, thịt gà, mâm xôi, hoa quả dâng lên Ngài. Người dân trong thôn cũng như con em xa quê gác mọi công việc để về tham gia lễ hội, cùng nhau ca hát, cầu nguyện, mong Ngài phù hộ chở che để họ có một năm làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm êm, phồn thịnh.

Ông Lê Văn Hải, trưởng thôn Hùng Thành, cho biết: Địa phương có nghề truyền thống đi biển đã lâu. Toàn thôn hiện có 132 hộ với hơn 500 nhân khẩu, có 37 phương tiện khai thác, chủ yếu làm nghề te, lưới, đăng... Trước đây, Hùng Thành là thôn khó khăn nhất của xã, thì nay đã dẫn đầu về phong trào xây dựng nông thôn mới. Bà con trong thôn ai cũng bảo nhau rằng, từ khi rước Ngài Nam Hải về và xây đền thờ Ngài ở đây, cuộc sống người dân khấm khá hơn trước, ngư dân đi biển xuôi chèo, mát mái, cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ kinh phí để có biện pháp bảo quản bộ xương Cá Voi được lâu bền hơn.

Đó cũng là ước nguyện lớn nhất của người dân vùng biển Đa Lộc, là bảo tồn, gìn giữ để nét đẹp tín ngưỡng tâm linh ấy không bị mai một theo thời gian.

Anh Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]