(Baothanhhoa.vn) - Gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Đặc biệt, khi gắn công tác gia đình với việc nâng cao chất lượng dân số, sẽ góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa với ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa:

Chất lượng dân số: Chìa khóa cho phát triển bền vững

Gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Đặc biệt, khi gắn công tác gia đình với việc nâng cao chất lượng dân số, sẽ góp phần giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa với ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh.

Chất lượng dân số: Chìa khóa cho phát triển bền vữngSân khấu hóa là hình thức truyền thông hữu hiệu về vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững.

Dân số và gia đình

PV: Gia đình vốn được ví như tế bào của xã hội. Mỗi một tế bào khỏe là góp phần xây đắp nên một xã hội tràn trề sinh lực và ngược lại, khi mỗi tế bào bị các yếu tố nội, ngoại sinh tấn công trở nên suy yếu, thì “cơ thể” xã hội cũng trở nên yếu ớt. Vậy thưa ông, chúng ta cần làm gì để gia tăng “sức đề kháng” cho mỗi tế bào gia đình luôn được khỏe mạnh?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Để tăng “sức đề kháng” cho mỗi tế bào cần nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực. Trước hết, cần xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng và gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ngoài ra, cần đề cao việc giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội liên quan đến gia đình; xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình.

PV: Thực tế, lĩnh vực gia đình nói riêng và công tác dân số nói chung đang phải đối diện với khá nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn ít nhiều còn diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến suy giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi; tình trạng nạo, phá thai trong lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ, trẻ em...

Thưa ông, thực trạng này đang diễn ra ở tỉnh ta ra sao? Đồng thời, tỉnh đã và đang có những giải pháp như thế nào nhằm hạn chế thực trạng trên?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, với số dân 3.640.128 người (đứng thứ 3 toàn quốc sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Trong những năm qua, cùng với nhiều kết quả đạt được, công tác dân số cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn ít nhiều còn diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng nạo, phá thai trong lứa tuổi vị thành niên, thanh niên do thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ, trẻ em...

Để giảm thiểu thực trạng trên, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số, thiết nghĩ tỉnh ta cần đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số...

PV: Trong công tác dân số hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề đối lập. Chẳng hạn như việc “mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội”; song cũng tồn tại một thực trạng là “tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận Nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên”. Điều này đang ảnh hưởng ra sao đến công tác gia đình nói riêng, chất lượng dân số nói chung, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Với việc “mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội” đã cho thấy kết quả của công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về dân số những năm qua. Là 1 trong 33 tỉnh có mức sinh cao (2,54 con), nên việc đẩy mạnh truyền thông sinh đủ 2 con nhằm giảm sinh để đạt mức sinh thay thế (2,1 con) là rất cần thiết. Tuy nhiên, song song với đó là “tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận Nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên”. Chính tư tưởng trọng nam, khinh nữ kéo theo rất nhiều hệ lụy, đặc biệt vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta hiện nay. Do vậy, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức nhằm xóa bỏ tư tưởng trên không chỉ nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; mà còn góp phần vào việc giảm sinh để đạt mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà.

Dân số và phát triển

PV: Xin ông cho biết những thành quả đạt được trong công tác dân số ở tỉnh ta từ khi chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Có thể nói, từ khi chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ trên 4 lĩnh vực, gồm quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bổ dân cư, với nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 dân số Thanh Hóa tăng thêm 137.700 người; trung bình hàng năm mức sinh giảm 0,1%o; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) năm 2019 là 2,54 con (năm 2015 là 2,75 con). Từ năm 2009, cơ cấu dân số tỉnh ta bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, đến năm 2019, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới 65,9% dân số, tương ứng với gần 2,4 triệu người. Việc nâng cao chất lượng dân số được các cấp, các ngành quan tâm; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện, tuổi thọ, trình độ học vấn được nâng lên. Dân cư phân bố tập trung đông ở thành phố, các thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp và các huyện vùng đồng bằng; tỷ lệ dân số đô thị chiếm 14,9%, nông thôn 85,1%...

Những thành quả đạt được trong thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ những năm qua, đã và đang góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, giảm sức ép do gia tăng dân số đối với các nhu cầu xã hội cơ bản, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

PV: Vì sao có thể khẳng định, chất lượng dân số là “chìa khóa” cho phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Trong đó bao gồm trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe.

Có thể nói, chất lượng dân số quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cũng vì vậy mà chất lượng dân số là yếu tố tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Dân số là “mẫu số” của các chỉ tiêu phát triển được tính bình quân đầu người. Các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch (tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn...) đều phải tính đến các yếu tố dân số nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.

PV: Phải chăng vì những lý do đó mà “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, song vẫn còn những hạn chế. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung, những người trong độ tuổi lao động nói riêng, là yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng”.

Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới cũng nhấn mạnh mục tiêu: giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Còn đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á... Xuất phát từ những lý do trên, nên “đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”.

PV: Chỉ số phát triển con người (HDI) được xem là một “thước đo” chất lượng dân số. Vậy xin ông cho biết, chỉ số HDI đã và đang được tỉnh ta quan tâm ra sao?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Chỉ số phát triển con người là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người).

Đối với tỉnh ta, việc nâng cao chỉ số HDI gắn với lĩnh vực y tế và dân số luôn được quan tâm. Bắt đầu từ trong bụng mẹ, tới lúc sơ sinh, qua giai đoạn tuổi vị thành niên/thanh niên và cho tới giai đoạn người cao tuổi. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu bà mẹ mang thai được tuyên truyền, tư vấn sử dụng viên sắt chống thiếu máu đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đạt 85%. Năm 2019, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 14,6%o; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 15%. Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng. Đến nay đã có 30% số bà mẹ mang thai và 60% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh...

Cùng với đó, nhiều chương trình, đề án đã và đang được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai, như chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia tại cộng đồng; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân tại cộng đồng; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Dung (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]