(Baothanhhoa.vn) - Quan Sơn - huyện miền núi cao biên viễn, vùng phên dậu của tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc: Thái, Kinh, Mường, Mông... với các bản, mường cổ vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, di tích, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ. Trong đó, tự bao đời nay, khu vực Mường Xia nổi danh là vùng đất lưu giữ, lắng đọng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, độc đáo, nổi danh xa gần như: Lễ hội Mường Xia, đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, chuyện tình Pha Dùa, động Bo Cúng...

Đặc sắc không gian văn hóa mường Xia

Quan Sơn - huyện miền núi cao biên viễn, vùng phên dậu của tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc: Thái, Kinh, Mường, Mông... với các bản, mường cổ vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, di tích, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ. Trong đó, tự bao đời nay, khu vực Mường Xia nổi danh là vùng đất lưu giữ, lắng đọng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, độc đáo, nổi danh xa gần như: Lễ hội Mường Xia, đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, chuyện tình Pha Dùa, động Bo Cúng...

Đặc sắc không gian văn hóa mường XiaĐền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào - vị phò mã có công trấn ải biên cương, mở mang bản mường, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Ảnh: T.L

Mường Xia - mường Chu Sàn, tổng Hữu Thủy, là một trong những mường lớn của dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa (phía Nam sông Mã từ Mường Chanh, huyện Mường Lát kéo dài đến mường Chự, huyện Quan Sơn và một phần mường Ca Da, huyện Quan Hóa). Nay, khu vực Mường Xia bao gồm các xã: Sơn Thủy, Na Mèo, huyện Quan Sơn.

Sơn Thủy là xã vùng cao biên giới, giáp Lào, nơi giao hòa giữa dòng suối Xia, bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy theo các chân núi đá thơ mộng, nhập vào con sông Luồng ngay tại trung tâm Mường Xia tạo nên vùng ngã ba hữu tình, hội sơn tụ thủy. Đến với xã Sơn Thủy ngày nay, chúng ta đến với mảnh đất có nhiều danh thắng độc đáo gắn liền với các sự tích, huyền sử như: chuyện tình Pha Dùa – núi Pha Dùa, sự tích Mường Xia, động Bo Cúng...

Truyền thuyết kể lại rằng: Trước kia Pha Dùa và Pha Hén là một, có tên chung là Pha Dùa, nơi gắn liền với câu chuyện tình đẫm lệ giữa con gái nhà Tạo xinh đẹp, nết na ở Mường Mìn (mường ngoài) và chàng trai khỏe khoắn, giỏi giang nhưng nhà nghèo ở Mường Xia (mường trong). Không lấy được nhau, hai người bay về Mường Trời. Đó là ngày mặt đất chuyển mình trong giông gió, Pha Dùa tách làm hai, tạo thành hai dãy núi Pha Dùa và Pha Hen sóng đôi, ngày đêm soi bóng bên dòng sông Luồng.

Động Bo Cúng là một trong những điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách khi đến với xã Sơn Thủy bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Động Bo Cúng có độ dốc cao, nhiều đoạn hình thành vực, từ hai hướng Đông, Tây tụ vào khu vực trung tâm tại suối Xia. Toàn bộ lòng động được chia thành nhiều khoang lớn nhỏ, tại mỗi khoang là tập hợp hàng loạt các tạo tác kỳ thú của tạo hóa, những nhũ đá với đủ màu sắc và hình hài như: hình tượng phật, cột chống trời, chim đại bàng, đèn chùm hay những suối tóc thướt tha của các cô gái... Đặc biệt, nơi đây xưa kia còn có cả một khe suối mỗi khi mùa mưa, lũ, từ trong khe chảy ra rất nhiều tôm. Bởi vậy nên người dân bản Chanh, xã Sơn Thủy đã gọi động này theo tiếng địa phương – tiếng Thái là Bo Cúng, nghĩa là mó tôm.

Không chỉ có núi đá, hang động, xã Sơn Thủy được nhắc đến nhiều với Đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, bản Chung Sơn. Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người ở Mường Khô, Bá Thước, vốn là chàng trai nghèo khó, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng vì tài giỏi, tướng mạo khôi ngô mà được công chúa đem lòng ái mộ, trở thành phò mã. Được sống trong vinh hoa nhưng phò mã luôn canh cánh trong lòng mong mỏi được cống hiến sức mình xây dựng giang sơn, đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Vì lẽ đó, khi hay tin biên ải xảy ra loạn lạc, phò mã xin được lãnh binh tiến lên vùng biên giới (khu vực Tén Tằn, Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Nhiều lần đến với Mường Xia, phò mã thấy nơi này phong cảnh hữu tình, đất đai bằng phẳng, lưng tựa vào núi Pha Dùa, trước mặt là sông Luồng được dòng Nặm Xia trong xanh thơ mộng bổ sung nguồn nước, thông thương dễ dàng với Mường Lát bên trên và Hồi Xuân phía dưới, bèn chọn làm nơi đóng bản doanh, mở mang ruộng nương, phát triển nông nghiệp, gìn giữ, dựng xây bản làng ấm no, yên bình.

Đặc sắc không gian văn hóa mường XiaTục thờ "Hòn đá vía" của người Thái, xã Sơn Thủy. Ảnh: T.L

Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, sau khi ông mất, người dân nơi đây đã lập đền thờ, coi ông là người giữ vía cho bản mường. Hằng năm, vào 15–3 (âm lịch), đồng bào thường tổ chức dâng hương cúng tế, tưởng nhớ. 5 năm một lần, huyện Quan Sơn tổ chức lễ hội Mường Xia. Đây là sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, có ý nghĩa to lớn, được tiếp nối, trao truyền qua bao thế hệ người Thái, Mường Xia, Quan Sơn. Lễ hội Mường Xia chứa đựng những nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào người Thái như: tục thờ “hòn đá vía”, các trò chơi, trò diễn dân gian..., thu hút đông đảo người dân trong huyện và các huyện lân cận như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và một số bản của huyện Viêng Xay thuộc tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Trong không khí tưng bừng, rộn ràng tiếng nhạc, rực rỡ trang phục bản địa, cộng đồng gắn kết, thân tình giao lưu với nhau bên những vò rượu cần, rượu men lá và các món ẩm thực đậm hương vị núi rừng.

Cũng thuộc Mường Xia, xã Na Mèo có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như bức tranh thủy mặc, mỗi địa danh, từng ngọn núi, đồi, con sông, suối, hang động đều thấm đẫm nét đặc trưng, tiêu biểu của không gian lịch sử - văn hóa Mường Xia – mường Chu Sàn, tổng Hữu Thủy. Đó là núi Pha Đanh – núi đỏ, bản Sộp Huối khi mặt trời chuẩn bị lặn, ánh nắng chỉ còn chiếu trên các đỉnh núi cao, ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt phía Tây của ngọn núi tạo thành màu đỏ rực; hang Trùng, hang Trác ở bản Hiềng... Tương truyền, ngày xưa, có nàng công chúa tên Nàng Trành không may qua đời, họ tộc quá thương tiếc nên nhà vua đã chiếu chỉ cho người làm quan tài đặt vào hang Trùng, hang Trác mong muốn một ngày nào đó công chúa sẽ đầu thai trở lại...

Đến với Na Mèo sẽ thật là thiếu sót nếu không ghé thăm Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, tham dự chợ phiên nơi đây để cảm nhận niềm tự hào sâu sắc và mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào. Không chỉ là nơi giao thương, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, dịch vụ thương mại cho Nhân dân hai nước.

Chợ phiên là một trong những nét đẹp, đặc sắc văn hóa của người vùng cao và chợ phiên Na Mèo là minh chứng sinh động, thiết thực. Được hình thành từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là một khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào Thái, Mông, xã Na Mèo, đến năm 1999, chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ. Năm 2004, khi cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, lượng người và hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa ở chợ Na Mèo nhộn nhịp, sôi động, phong phú hơn. Vào sáng thứ 7 hằng tuần, người dân xã Na Mèo, một số vùng lân cận và người dân nước bạn Lào vui mừng, hồ hởi đến chợ Na Mèo từ rất sớm. Người bán, người mua tấp nập, rộn ràng quanh những sản vật địa phương nhưng dường như, ở đó không có sự xô bồ, lọc lõi, hơn thua mà nhường chỗ cho những điều thân tình, mộc mạc, gần gũi...

Ngược miền biên viễn, dừng chân trên mảnh đất Sơn Thủy, Na Mèo, mỗi chúng ta không chỉ đến với một địa danh hiện thời mà mở ra cả một vùng không gian Mường Xia, Chu Sàn cổ rộng lớn, chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, độc đáo, gắn với công cuộc mở mang, hình thành và phát triển bản mường, cộng đồng dân cư người Thái – Quan Sơn. Những địa danh, trầm tích văn hóa – lịch sử ấy, nếu được gìn giữ và phát huy hiệu quả sẽ trở thành nguồn “nội lực” thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội ở địa phương.

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Địa chí huyện Quan Sơn”.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]