Bài toán tạo nguồn nhân lực ở doanh nghiệp giao thông
Theo mục tiêu đến năm 2030, cả nước phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Các dự án thi công đường cao tốc đòi hỏi tiến độ gấp, nhiều hạng mục lớn, kỹ thuật phức tạp, cho nên nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Đến năm 2030, nước ta phấn đấu có 5.000 km đường bộ cao tốc, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng công việc.
Bài toán khó đặt ra đối với các doanh nghiệp giao thông là làm cách nào đào tạo, thu hút và giữ ổn định, từng bước phát triển nguồn nhân lực đủ khả năng đảm đương, triển khai các công trình, dự án quy mô lớn, phức tạp, trong bối cảnh đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân có xu hướng bị mai một.
Thu hút lao động chất lượng cao
Theo tính toán của một chuyên gia giao thông, chỉ tính tổng chiều dài đường bộ cao tốc phải làm từ nay đến năm 2030, đã gấp 16 lần so với giai đoạn 2006-2010, chưa kể các dự án kết nối liên vùng, quan trọng khác. Trong khi đó, nguồn nhân lực qua đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng gần đây không tăng trưởng tương ứng.
Câu chuyện cách đây chừng 20 năm, chỉ những học sinh “có số má” mới dám đăng ký thi vào Khoa Cầu đường (Trường đại học Giao thông vận tải), dường như còn tái diễn trong khoảng chục năm trở lại đây, khi khoa này cũng hết sức chật vật mới tuyển sinh được đủ chỉ tiêu.
Giai đoạn 2018-2020, các doanh nghiệp giao thông-xây lắp rơi vào tình trạng lay lắt thiếu việc, “làn sóng” lao động lành nghề, kỹ thuật cao bỏ việc, chuyển sang lĩnh vực khác lan rộng, lực lượng kỹ sư và công nhân lành nghề trong ngành giao thông ở tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) thừa nhận, số lượng kỹ sư, công nhân của đơn vị bỏ việc khoảng 150 người, chỉ còn khoảng gần 500 người. Rất may 1-2 năm nay, các dự án giao thông triển khai sôi động trở lại, các doanh nghiệp giao thông có chính sách thu hút lao động chất lượng cao, nhiều người lại quay trở về làm công việc cũ.
Thực tế hiện nay, sự ghi nhận của xã hội với lực lượng kỹ sư, công nhân ngành giao thông vẫn chưa đúng với điều kiện làm việc vất vả, gian khổ. Điều đó thể hiện qua định mức nhân công xây dựng chỉ hơn 200 nghìn đồng/ngày. Nếu trả đúng định mức, nhà thầu không tìm được người làm, trả cao lên quá lại không được thanh toán bù đắp.
Định mức chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công theo thông tư của Bộ Xây dựng ban hành năm 2021 lại giảm so với năm 2019, trong khi yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cuộc sống, nơi ở, nơi làm việc của công nhân phải được cải thiện, nâng cao. Đây là một bất cập cần được xem xét tháo gỡ.
Khó khăn trong tìm kiếm, duy trì nguồn nhân lực khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không ít, nhất là trong quá trình tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia, có tính chất kỹ thuật phức tạp. Để giữ chân người lao động có trình độ, mức lương đối với kỹ sư tư vấn giám sát cần được nâng lên khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, gấp hai lần mức hiện tại.
Theo quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng, định mức tính theo giá trị gói thầu hoặc dự án cho tư vấn giám sát rất thấp (0,6-0,7%), trong điều kiện môi trường thi công khó khăn, còn ở các nước khác, định mức này luôn dao động khoảng 2-3%. Đơn cử, gói thầu trị giá 1.000 tỷ đồng, chi phí tư vấn giám sát chỉ nhận được khoảng 6 tỷ đồng, lương lao động cộng chi phí văn phòng, thiết bị, máy móc,... đã “bào mòn” gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp, rất khó có đãi ngộ thỏa đáng để thu hút người tài.
Chính sách đãi ngộ vượt trội
Với khát vọng chinh phục những công trình giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, Tập đoàn Đèo Cả là một trong số ít những doanh nghiệp giao thông trong nước dám mạnh tay chiêu mộ nhiều chuyên gia, kỹ sư giỏi nước ngoài về làm việc với mức lương “khủng”.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Ngọ Trường Nam, hiện nay, có những nhân sự, tập đoàn đã trả mức lương lên đến 15 nghìn USD/tháng. Thậm chí, tập đoàn còn mời các nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm về làm việc với vai trò chuyên gia ở các lĩnh vực mới như cầu dây văng, đường sắt tốc độ cao, metro, hầm vượt biển,...
Cách đây không lâu, ông Siah Chee Seng, một chuyên gia về cầu dây văng đã chính thức nhận lời về làm việc cho Đèo Cả sau lời mời của ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn. Ông Siah Chee Seng bày tỏ rằng ấn tượng với tư duy “Nghĩ khác biệt-Tạo cách biệt” của tập đoàn cũng như kế hoạch, tầm nhìn tham gia các dự án lớn, đòi hỏi công nghệ thi công hiện đại nên đã đầu quân về đây.
Thời gian qua, có những thời điểm hoạt động đầu tư, xây dựng công trình giao thông gặp nhiều khó khăn, song thay vì giảm trừ lương, hoặc để người lao động tạm nghỉ, Tập đoàn Đèo Cả luôn tìm cách khắc phục, bố trí công việc phù hợp cho người lao động. Các quỹ tài chính luôn được dự phòng để doanh nghiệp quản trị rủi ro, ưu tiên hàng đầu là chế độ cho người lao động.
Ngay lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, guồng máy của Đèo Cả vẫn được vận hành xuyên suốt, bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai. Tính đến hết năm 2023, tổng số nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả đạt 7.377 người, tăng 46% so với thời điểm cuối năm 2022. Riêng năm 2023, tập đoàn đã tuyển dụng 3.080 nhân sự, tăng 79% so với năm 2022; trong đó, khối công trường gần 2.800 người (chiếm tỷ lệ 90%), khối văn phòng hơn 300 người (chiếm 10%). Với đội ngũ nhân lực trên, sản lượng công việc của Đèo Cả trong năm 2023 tăng tương ứng 60%.
Anh Đào Quang Cẩm, Đội trưởng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả) cho biết, trước khi về “đầu quân” cho Đèo Cả vào năm 2015, anh đã có gần 10 năm làm việc trong ngành dầu khí. Về đây làm việc, anh được cử đi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong 2 năm, thành thạo các kỹ năng mới về xí nghiệp vận hành hầm Đèo Cả công tác.
Đặc thù công việc của đội anh là trực 24/24 giờ, làm theo ca kíp (1 ca 8 giờ), do thường xuyên tập huấn thuần thục các thao tác, cho nên hễ có sự cố dù nhỏ nhất xảy ra trong hầm, đội của anh đều xử lý nhanh gọn, kịp thời, không để xảy ra sự cố lớn phát sinh. Theo lời anh Cẩm, anh sẽ gắn bó lâu dài với Đèo Cả do thu nhập ổn định, môi trường làm việc tốt, anh em thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ. Tập đoàn cũng đầu tư phương tiện cứu hộ, cứu thương, xe chữa cháy hiện đại, phù hợp với chuyên môn nghề nghiệp.
Năm 2024, với khối lượng công việc đảm trách ước tính tăng gần 30% so với năm trước, nhu cầu tuyển dụng lao động tại tập đoàn giao thông này dự kiến lên đến hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh tuyển dụng, các hoạt động đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận tri thức mới và vận dụng vào thực tiễn công việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có thể nói, các doanh nghiệp như Đèo Cả đã góp phần rèn luyện những nhân tài “thực chiến” cho ngành giao thông.
Theo Nhân Dân
- 2024-11-09 07:38:00
Bộ Tài chính nêu lý do bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu qua sàn TMĐT
- 2024-11-08 15:08:00
Đánh giá kết quả thực hiện đầu tư lưới điện trung hạ áp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025
- 2024-03-12 09:15:00
Bản tin tài chính 12/3/2024: Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh, trong nước ổn định
Công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024
Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm
Thị xã Nghi Sơn tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng
Nga Sơn phát triển kinh tế hộ
Vinamilk cùng nông dân “hồi sinh” những vùng đất nghèo cằn cỗi
Bản tin tài chính 11/3/2024: Vàng dự báo tiếp tục tăng vùn vụt
Vai trò của con giống trong phát triển chăn nuôi
Để thị trường trở nên minh bạch, an toàn hơn
Bản tin tài chính 10/3/2024: Chuỗi ngày tăng kỷ lục, mua vàng lãi đậm