"Yếu tố Trump" và quan hệ Mỹ - Nga
Trước kia với vai trò là tổng thống thứ 45 của Mỹ và nay là một ứng viên tiềm năng tái tranh cử tổng thống, ông Donald Trump liệu có phải là một “yếu tố” quan trọng ảnh hưởng lớn tới cục diện quan hệ Mỹ - Nga?
Ảnh minh họa.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút với cuộc chạy đua song mã giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ, đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris. Cơ hội chiến thắng giành cho ông Trump hoàn toàn có thể xảy ra nhất là sau khi đảng Dân chủ buộc phải “thay ngựa giữa dòng” và những ưu thế nhất định của ông trước bà Harris. Trong bối cảnh đó, truyền thông Nga đang dấy lên những cuộc tranh luận “xem ai là người dễ chịu hơn cho nước Nga”, và ở Nga một lần nữa, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump lại là người được truyền thông Moscow cho là nếu ông giành chiến thắng thì sẽ “dễ chịu” hơn là một đại diện từ đảng Dân chủ.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump không ít lần tuyên bố sẵn sàng “thỏa thuận” với Nga. Ông Trump luôn theo đuổi chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, tức coi việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ là ưu tiên hàng đầu, do vậy trong quan hệ với Nga ông cũng nhấn mạnh sẽ sẵn sàng thỏa thuận nếu có lợi. Ngày 21/8, TASS đưa tin, cố vấn chiến dịch cấp cao của ông Trump - Brian Hughes tiết lộ, ứng viên Donald Trump sẽ lên kế hoạch thúc đẩy thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga nếu ông thắng cử. Không những vậy, ông Trump từng lên tiếng chỉ trích các khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, đồng thời cam kết “sẽ mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine” với tư cách là tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Mỹ - Nga như hiện nay, những tuyên bố trên của ông Trump dường như đã khiến truyền thông Nga mong muốn một kịch bản chiến thắng giành cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, tin vào cơ hội “thỏa thuận” nhằm thu hẹp bất đồng, nối lại đàm phán trong những vấn đề mâu thuẫn giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, những người mong đợi “thỏa thuận” Nga - Mỹ hoặc ít nhất là mối quan hệ mang tính xây dựng hơn giữa hai nước nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 tới, là hoàn toàn sai lầm. “Yếu tố Trump” sẽ không bảo đảm cải thiện mối quan hệ Mỹ - Nga nhất là khi Tổng thống Mỹ còn bị cản trở bởi nhánh quyền lực lập pháp theo đặc trưng của hệ thống chính trị nước này.
Quay trở lại cuối năm 2016, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi đó đã được chào đón bằng “những tràng pháo tay” ở Moscow. Vào thời điểm đó, quan hệ Nga - Mỹ vốn đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi những mâu thuẫn tích tụ, trong đó vấn đề Ukraine là nút thắt quan trọng nhất. Sau đó, có vẻ như tình hình khả quan hơn khi thỏa thuận Minsk về xung đột ở Donbass có hiệu lực kiềm chế các bên có các hành động làm leo thang căng thẳng, chế độ kiểm soát vũ khí vẫn còn tồn tại bảo đảm cơ chế đàm phán giữa các bên. Khi nhậm chức vào đầu năm 2017, ông Trump và ê-kíp tuyên bố sẽ “cơ cấu lại toàn bộ bộ máy hành chính”, giải quyết các vấn đề tích tụ trong chính sách đối nội và đối ngoại làm trì trệ nước Mỹ.
Truyền thông Nga và cả Mỹ vào thời điểm đó đã rất trông chờ vào “màn thể hiện” của ông Trump trong xử lý quan hệ Mỹ - Nga. Tuy vậy, gần như ngay sau khi Donald Trump nhậm chức, thông tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nhằm ủng hộ cho ứng viên chiến thắng như một “bóng ma” bao phủ toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông. Hàng loạt các cuộc điều tra lớn được tiến hành đã tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ - Nga nói chung, và ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga nói riêng. Mặc dù ông Trump đã tránh được việc bị luận tội, nhưng chủ đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đã luôn cản trở hoạt động ngoại giao của Mỹ theo hướng “nối lại hợp tác” với Nga trong suốt nhiệm kỳ của ông.
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 được xem là động lực quan trọng nhất thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật đặc biệt mang tên Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vào năm 2017. Do lo ngại ông Trump mong muốn cải thiện quan hệ với Nga và có thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, CAATSA đưa ra điều khoản ngăn chặn Tổng thống chấm dứt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đang áp đặt chống Nga, nếu không được Quốc hội phê chuẩn. Điều này đồng nghĩa với việc người đứng đầu Nhà Trắng dù với mục đích gì, cũng không có được quyền hạn tự quyết định chấm dứt các lệnh trừng phạt đang áp đặt đối với Nga. Tháng 8/2017 ông Trump ký ban hành CAATSA nhưng đồng thời đưa ra cảnh báo đây là một đạo luật với các “thiếu sót nghiêm trọng”.
Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống, tháng 8/2018, ông Trump đã ký các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow, sau khi Washington cáo buộc Nga đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc Sergei Skripal - một cựu đại tá thuộc Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU), cùng con gái ông này tại Anh. Tuy nhiên các nhà quan sát đánh giá, chính quyền Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga một cách dè dặt vì lo ngại gây tổn hại cho các nhà đầu tư Mỹ ở Nga. Đồng thời, bất chấp nhiều chỉ trích trong nước, ông Trump cũng thể hiện mối quan hệ cá nhân tương đối nồng ấm đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và sự tương tác giữa hai nhà lãnh đạo tại hàng loạt cuộc họp quốc tế cấp cao đều giành được sự chú ý lớn, đặc biệt là tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinki, Phần Lan vào năm 2018. Thời điểm đó, cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia Nga-Mỹ tại Phần Lan đã gây ra sự náo động lớn ở Mỹ, với hàng loạt chỉ trích cáo buộc ông Trump làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Song, ông Trump cũng lại là người tích cực ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với các dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga, đặc biệt là Nord Stream 2. Với mục tiêu đẩy Nga ra khỏi thị trường khí đốt châu Âu, vào năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ Đạo luật Bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu (PEESA), và vào năm 2020 Mỹ tiếp tục đệ trình sửa đổi đạo luật này theo hướng bảo đảm lợi ích của Mỹ ở châu Âu. Điều này có thể thấy, ông Trump sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách dứt khoát ở những lĩnh vực mà ông cho là phù hợp và cần thiết, nếu nó đem lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ.
Bàn về “yếu tố Trump” trong quan hệ Nga - Mỹ không thể không nhắc đến tính ổn định trong cách tiếp cận với Nga của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Có một thực tế ở Mỹ là dù ở nhiều giai đoạn, sự chia rẽ nội bộ có diễn ra sâu sắc, nghiêm trọng như thế nào cũng không ảnh hưởng đến tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của nước này. Liên quan tới Nga, trong nhiều năm qua dù có sự cạnh tranh và thay đổi vị trí cầm quyền giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, giữa họ còn tồn tại những khác biệt trong chính sách đối ngoại, nhưng về cơ bản đều có sự đồng thuận, nhất trí trong cách tiếp cận với Nga.
Tiến sĩ Ivan Timofeev cũng nhấn mạnh, mối quan hệ Mỹ - Nga được quyết định bởi các yếu tố cấu trúc chứ không phải bởi vai trò của cá nhân Tổng thống Mỹ. Thực tế, tiếp nối một phần chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với Moscow cho đến cuối năm 2021 cũng vẫn khá cân bằng. Tình hình bắt đầu thay đổi trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước xấu đi về các vấn đề an ninh châu Âu và cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Cho dù ai là tổng thống Mỹ - đại diện của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, thì sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine chính sách của Mỹ đối với Nga vẫn sẽ có bản chất tương tự. Thậm chí, nếu ông Trump thay Tổng thống Joe Biden, giới phân tích cho rằng, “một cơn sóng thần trừng phạt” sẽ được Mỹ áp đặt nhằm cấm vận, cô lập Nga.
Theo RBC, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ không thể thay đổi nhanh chóng sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga. Sự lạnh nhạt trong quan hệ hai nước đang được diễn ra dưới thời Tổng thống Joe Biden, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới cho dù ông Trump hay bà Harris giành chiến thắng. Ông Trump sẽ tích cực vận động hành lang hơn để Mỹ có thể kiểm soát và chiếm lĩnh thị trường châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Nga tiếp tục cuộc chiến cấm vận thì xu hướng này của ông Trump ngày càng thực tế. Trước kia ông Trump từng đe dọa buộc các đồng minh châu Âu phải trả tiền để bảo đảm an ninh không phá vỡ tình đoàn kết của NATO. Thì nay, trái lại, theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cuộc xung đột Nga - Ukraine trong gần 3 năm qua đã thay đổi quan điểm an ninh của các thành viên NATO ở châu Âu, dẫn đến sự gia tăng chi tiêu quốc phòng so với GDP, với mục tiêu 2% của NATO ngày càng được coi là một chuẩn mực, chứ không phải là một ngưỡng cần đạt được.
Cho dù ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, cũng sẽ không thể tháo nút thắt Ukraine trừ khi các điều kiện khách quan đã chín muồi để giải quyết xung đột, chẳng hạn như sự cạn kiệt nguồn lực để tiến hành xung đột hoặc một chiến thắng quyết định cho Nga. Rõ ràng, mối quan hệ Mỹ - Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không phải là vấn đề cốt lõi. Còn quá sớm để coi đây là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ của Nga với Mỹ và toàn bộ phương Tây thời gian tới. Khi nào nút thắt Ukraine chưa được giải quyết dứt điểm, chính quyền Mỹ, cho dù là đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, sẽ đều duy trì quan hệ cứng rắn với Nga. Mặt khác, tổng thống Mỹ cũng bị hạn chế đáng kể quyền lực bởi nhánh lập pháp quốc hội do những đặc trưng của hệ thống chính trị nước này.
HÙNG ANH (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-08-31 10:24:00
Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?
Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron