(Baothanhhoa.vn) - Cùng với nguồn nhân lực, thì thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tính quyết định đến chất lượng khám, chữa bệnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trong tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại thuốc, hóa chất, vật tư, TTBYT, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Cùng với nguồn nhân lực, thì thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tính quyết định đến chất lượng khám, chữa bệnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trong tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại thuốc, hóa chất, vật tư, TTBYT, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân và quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tếCán bộ Khoa Dược - Vật tư Y tế Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa kiểm tra kho thuốc, vật tư y tế.

Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh chịu thiệt

Theo phản ánh của nhiều người bệnh và ghi nhận của phóng viên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) trong danh mục BHYT thanh toán đang diễn ra tại nhiều bệnh viện. Trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết, nhiều người bệnh đã phải bỏ tiền mua thuốc, VTYT để chữa bệnh...

Cầm đơn thuốc từ nhà thuốc gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đi ra, bà Lê Thị Hợi (quê ở huyện Triệu Sơn) cứ nhẩm đi, tính lại số tiền vừa dùng mua thuốc điều trị bệnh cho chồng. Bà cho biết, chồng bị bệnh cấp tính, phải nằm viện điều trị mấy ngày nay, nhưng nhiều loại thuốc bệnh viện không còn, kể cả thuốc trong danh mục BHYT thanh toán, nên bà phải ra ngoài mua, vừa bất tiện, vừa giá cao...

Cách đây khoảng một tuần, ông Hoàng Hoài (phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để điều trị biến chứng tiểu đường. Trong thời gian điều trị tại đây, ông Xuân và nhiều người bệnh khác rất bất ngờ khi các bác sĩ, y tá chỉ định mua thuốc và dịch truyền với lý do bệnh viện thiếu thuốc, vật tư...

Còn ông Nguyễn Hữu Truyện (huyện Triệu Sơn) cho biết: “Tôi bị K thực quản đã 9 tháng nay và đã điều trị được 12 mũi tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa. Trong 2 lần điều trị gần đây, tôi phải tự mua dịch truyền, nhưng vì không có người nhà đi cùng nên cũng khá bất tiện. Ở đây cũng có nhiều người giống tôi khi phải tự bỏ tiền mua thuốc, dịch truyền. Tham gia BHYT mà cứ phải mua bên ngoài như vậy quả thật khổ lắm”.

Đó chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền mua thuốc, VTYT trong danh mục BHYT thanh toán tại các bệnh viện công lập từ tuyến tỉnh đến huyện. Trao đổi với Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Hoàng Hữu Trường, được biết, vài tháng gần đây các bệnh nhân có BHYT điều trị nội trú tại bệnh viện vẫn phải bỏ tiền túi mua dịch truyền, một số loại thuốc. Công tác khám và điều trị của bệnh viện gặp khó khăn do thiếu cục bộ một số thuốc và VTYT, nhất là từ 1 tuần nay bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm (HCXN) khí máu nên phải dừng mổ tim cấp cứu. Việc kê đơn để người dân tự mua những loại thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT cũng là nỗi trăn trở, áp lực của lãnh đạo bệnh viện cũng như các bác sĩ.

Được biết, hiện nay các gói thầu mua thuốc, VTYT tiêu hao, HCXN, sinh phẩm chẩn đoán (SPCĐ) trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh tập trung tại Sở Y tế. Thực hiện Quyết định số 4051/QĐ-UBND ngày 22-11-2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT): Mua thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023-2024 và Quyết định số 3937/QĐ-UBND ngày 16-11-2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch LCNT, gói thầu: Mua VTYT, hóa chất, SPCĐ đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Thanh Hóa năm 2023-2024, sau khi phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các bước của quy trình LCNT, ngày 25-2-2023, Giám đốc Sở Y tế đã có quyết định phê duyệt kết quả LCNT và hướng dẫn các đơn vị ký hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu các gói thầu nêu trên. Đối với Gói thầu số 1, mua thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023-2024 có 107 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT), trong đó có 106 nhà thầu nộp hồ sơ đấu thầu (HSDT), 97 nhà thầu có mặt hàng thuốc trúng thầu. Trong tổng số 909 mặt hàng mời thầu, tổng giá trị mời thầu 1.781 tỷ đồng có 160 mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Trong đó có 73 mặt hàng không có nhà thầu tham dự thầu; 35 mặt hàng bị loại do không đạt về kỹ thuật; 30 mặt hàng loại giá dự thầu cao hơn giá kê khai, kê khai lại hoặc cao hơn giá kế hoạch; 18 mặt hàng được xếp hạng thứ nhất trúng thầu, nhưng do trùng mặt hàng đàm phán giá quốc gia đã công bố kết quả nên không phê duyệt trúng thầu; 4 mặt hàng nhà thầu được xếp hạng thứ nhất đề xuất trúng thầu, nhưng nhà thầu có văn bản xin rút, trong đó có 3 mặt hàng dịch truyền đang chờ xin ý kiến UBND tỉnh và các ngành trước khi xử lý tình huống.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tếCán bộ Khoa Dược - Vật tư Y tế Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa kiểm tra kho thuốc, vật tư y tế.

Đối với Gói thầu số 2, mua vị thuốc cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023-2024, mời thầu 108 mặt hàng, tổng giá trị 37,75 tỷ đồng không có nhà thầu mua HSMT và nộp HSDT. Đối với Gói thầu mua VTYT, hóa chất, SPCĐ đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Thanh Hóa năm 2023-2024, có 36 nhà thầu mua HSMT, 35 nhà thầu nộp HSDT, 12 nhà thầu có mặt hàng trúng thầu với 215 mặt hàng trúng thầu/266 mặt hàng mời thầu (tổng giá trị trúng thầu 260 tỷ đồng/tổng giá trị mời thầu 397 tỷ đồng); có 51 mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, trong đó có 13 mặt hàng không có nhà thầu tham dự thầu; 11 mặt hàng bị loại do không đạt về kỹ thuật; 27 mặt hàng hội đồng đấu thầu đang tiếp tục đánh giá, dự kiến công bố kết quả LCNT sau).

Đối với các thuốc, VTYT, HCXN, SPCĐ chưa có trong danh mục trúng thầu tập trung năm 2023-2024, căn cứ quy định, Sở Y tế đã có các công văn hướng dẫn các cơ sở y tế được tự tổ chức đấu thầu mua các mặt hàng thuốc, VTYT, HCXN, SPCĐ thực sự cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Đối với các mặt hàng thuốc, VTYT, HCXN, SPCĐ ngoài danh mục thuộc Quyết định số 4051/QĐ-UBND và Quyết định số 3937/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức LCNT mua sắm bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị mình.

Tuy nhiên việc mua VTYT, HCXN, SPCĐ hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn như: một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức LCNT đấu thầu, mua sắm... Đến thời điểm hiện tại, một số đơn vị có xảy ra thiếu một số mặt hàng thuốc, VTYT, HCXN, SPCĐ như dịch truyền, kim luồn, một số loại thuốc kháng sinh, thuốc trong gây mê phẫu thuật, thuốc điều trị đông y, tim mạch, rối loạn tuần hoàn não. Ngoài ra, hiện nay, một số bệnh viện cũng đã bắt đầu hết HCXN...

Đi tìm nguyên nhân

Tìm hiểu thực tế tại các bệnh viện trong tỉnh, được biết, nguyên nhân của tình trạng này là do sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, lượng bệnh nhân đến khám bệnh tăng đột biến làm ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và dự trù triển khai kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, VTYT của các đơn vị. Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng thuốc, VTYT.

Một nguyên nhân quan trọng khác là các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, hóa chất, VTYT còn tồn tại những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, gây trở ngại cho việc tổ chức đấu thầu và các đơn vị tham gia đấu thầu. Cụ thể, Thông tư 14/2020/TT-BYT mới chỉ quy định một số nội dung trong đấu thầu thuốc, VTYT tại các cơ sở y tế công lập và có một số nội dung còn bất cập; Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý thuốc, VTYT yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá trước khi bán, thực tế vẫn còn một số đơn vị có nhiều mặt hàng đã trúng thầu nhưng không thực hiện kê khai giá theo quy định nên các cơ sở y tế không thể mua được hàng. Về căn cứ xây dựng giá kế hoạch, thực tế hiện nay việc tra cứu kết quả trúng thầu mà Bộ Y tế công bố để xây dựng giá kế hoạch là rất khó khăn, như thiếu thông tin sản phẩm, không có nhiều kết quả trúng thầu được công khai (do 2 năm dịch COVID-19 không có nhiều đơn vị tổ chức đấu thầu), nếu lấy giá cũ thì không thể lựa chọn được nhà thầu trúng thầu...

Việc nhà thầu thay đổi giá kê khai liên tục cũng gây khó khăn khi đã có kết quả trúng thầu, phải điều chỉnh giá trúng thầu, hoặc hết hạn của giá kê khai, các đơn vị cũng không mua được hàng... Thêm vào đó, các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thực hiện chưa có kết quả, dẫn tới bị động trong cung ứng thuốc tại cơ sở y tế (ví dụ như những thuốc cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các thuốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa là thuộc nhóm thuốc đàm phán giá quốc gia, đấu thầu tập trung quốc gia).

Một số trường hợp khách quan không lựa chọn được thuốc, VTYT trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch, thường xảy ra đối với những mặt hàng tăng giá, do hiện nay thời gian từ khi xây dựng giá kế hoạch đến khi nhà thầu dự thầu có độ trễ từ 4 - 6 tháng, trong khi giá kế hoạch theo dải giá trúng thầu được Bộ Y tế hoặc BHXH Việt Nam công bố trong 12 tháng, do đó đối với những mặt hàng có biến động tăng giá nhà thầu dự thầu cao hơn giá kế hoạch hoặc không có nhà thầu dự thầu nên các cơ sở y tế không thể mua được. Việc tổ chức đấu thầu mua các thuốc hiếm, thuốc quản lý đặc biệt (thuốc gây nghiện, thuốc hướng thầu như Pethidin, Phenobarbital...) hiện nay gặp nhiều khó khăn vì rất ít nhà thầu tham dự thầu, thậm chí không tham dự thầu, dẫn đến các đơn vị không mua được các thuốc này. Việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, VTYT ở các cơ sở khám, chữa bệnh mất nhiều thời gian, công sức trong khi các bác sĩ, dược sĩ còn phải đảm nhận rất nhiều công việc chuyên môn khác...

Trao đổi với dược sĩ CKII Lê Chí Hiếu, Trưởng Khoa Dược - VTYT, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, được biết, việc đấu thầu thuốc thực hiện sau khi Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia công bố kết quả đấu thầu và Sở Y tế đấu thầu, bệnh viện xây dựng kế hoạch đấu giá, trong những năm vừa qua cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển tiếp năm 2022-2023 khi chưa có giấy phép gia hạn đăng ký, một số nhà thầu không có đủ điều kiện tham dự thầu nên bị trượt thầu. Một số mặt hàng thuốc cần thiết, bệnh viện đã thực hiện đấu thầu bổ sung. Đối với vật tư, hóa chất, việc xin 3 báo giá thực sự rất khó khăn cho cơ sở y tế. Thực hiện hướng dẫn của Sở Y tế, ngoài 3 báo giá phải có hóa đơn bán hàng của nhà phân phối thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, dù bệnh viện đã gửi thư mời chào giá trên trang thông tin điện tử của bệnh viện và qua nhiều kênh thông tin khác, tuy nhiên số lượng nhận được báo giá chậm và rất ít. Thêm vào đó, hiện nay giai đoạn cuối của gói thầu dịch truyền, nhà thầu cung cấp nhỏ giọt dẫn đến việc các cơ sở y tế thiếu dịch truyền nghiêm trọng... Cùng với đó, do thiếu một số loại thuốc điều trị ung thư, bệnh viện đã định hướng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, nếu bệnh nhân có nhu cầu ở lại điều trị tại bệnh viện tuân thủ theo phác đồ phải tự túc mua thuốc bên ngoài.

Tháo "nút thắt" trong mua sắm, đấu thầu TTBYT

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu TTBYT, ngày 25-2-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ngày 3-3-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT. Ngày 4-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT. Thực hiện các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quy định pháp luật, theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện.

Đánh giá về Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Ngọc Thơm, cho rằng: Các hướng dẫn mới đã góp phần giải quyết các khó khăn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, VTYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, các quy định mới chỉ có tính ngắn hạn. Đơn cử, việc gia hạn giấy phép đến hết năm 2024 hay cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Nếu hết năm 2023 hay năm 2024 thì các khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, TTBYT có thể lại tái diễn, do đó cần phải có cơ chế, quy định “dài hơi” hơn, không thể để hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện “rối bời” trong việc mua sắm TTBYT. Ngoài ra, đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá. Để các chính sách này sớm đi vào cuộc sống, vẫn cần có biện pháp để giải quyết căn cơ trong thời gian tới. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ sở y tế có hành lang pháp lý tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, VTYT.

4 điểm mới nổi bật của Nghị định 07/2023/NĐ-CP:

Thứ nhất, giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024; số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.

Thứ hai, đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành.

Thứ ba, sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 46, Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP: Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.

Thứ tư, khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán” do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định, chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ BHYT.

Theo Nghị quyết 30/NQ-CP, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không còn bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá. Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định.

Nghị quyết cũng cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Cụ thể, với các hợp đồng được ký trước ngày 5-11-2022, thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Với hợp đồng được ký từ ngày 5-11-2022, thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]