(Baothanhhoa.vn) - Thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Cùng với đó, sức khỏe của thai phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Do đó, để có một thai kỳ khỏe mạnh, người phụ nữ cần khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe, góp phần phát hiện, can thiệp sớm những bất thường, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Để phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh

Thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Cùng với đó, sức khỏe của thai phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Do đó, để có một thai kỳ khỏe mạnh, người phụ nữ cần khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe, góp phần phát hiện, can thiệp sớm những bất thường, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Để phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh

Bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho thai phụ.

Theo quy định của Bộ Y tế, trong một thai kỳ, thai phụ phải được khám thai ít nhất 3 lần, vào các mốc quan trọng: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngoài 3 lần khám trên, thai phụ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt... Mỗi lần khám định kỳ (đặc biệt ở các mốc quan trọng) theo quy định của Bộ Y tế gồm 9 bước: Hỏi bệnh (thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, sức khỏe...); khám toàn thân; khám sản khoa; xét nghiệm nước tiểu, máu (HIV, tan máu bẩm sinh, các vi chất...), chẩn đoán hình ảnh, đánh giá sức khỏe thai nhi, monitoring sản khoa; tư vấn tiêm phòng uốn ván; tư vấn dinh dưỡng, bổ sung vitamin và các khoáng chất; tư vấn vệ sinh thai nghén; ghi các thông tin vào sổ quản lý thai nghén; kết luận và hẹn tái khám. Đối với những sản phụ mang thai lần đầu và lần đầu đi khám thai thì tất cả những bước này rất quan trọng để đánh giá sức khỏe thai phụ, đánh giá những yếu tố nguy cơ, phát hiện kịp thời những bất thường, từ đó có chế độ dinh dưỡng, bổ sung thuốc hợp lý.

Hiện nay, phụ nữ mang thai hầu hết đã được các cơ sở y tế quản lý thai nghén và tư vấn khám thai định kỳ, bổ sung các vi chất dinh dưỡng, ăn uống hợp lý. Chị Đỗ Minh Phương, 32 tuổi, ở xã Nga Yên (Nga Sơn) cả 2 lần mang thai đều không bỏ sót một buổi khám thai định kỳ nào. Chị Phương cho biết: “Để theo dõi được con, tôi luôn đi khám thai theo lịch của bác sĩ. Ngoài ra, nếu có mệt mỏi, bất thường gì là tôi đi khám ngay và thực hiện theo đúng sự tư vấn của các cán bộ dân số, y tế xã trong những buổi đi khám thai, vì thế con tôi ra đời rất khỏe mạnh”.

Tương tự, chị Trần Thị Nga, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi hiện có 2 con, cả hai lần mang thai tôi đều thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, tôi thực hiện sàng lọc trước sinh để có một thai kỳ khỏe mạnh. Sau khi sinh, lấy máu gót chân cho cả hai con để sàng lọc, giúp con được phát triển khỏe mạnh”.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành y tế, nhận thức của người dân về việc khám thai cho thai phụ đã được nâng lên. Việc quản lý thai nghén và khám thai dần được quan tâm. Nhiều thai phụ đã chủ động khám định kỳ 1 lần/tháng, thực hiện thăm khám và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt theo tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thai phụ do nhận thức chưa đầy đủ về việc khám thai, chưa tìm đến cơ sở y tế uy tín, chất lượng để khám thai. Do đó, khi đi khám thai chỉ thực hiện mình bước siêu âm, mà bỏ qua một số bước quan trọng như xét nghiệm, khám sản khoa, tư vấn dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất. Điều này đã khiến cho nhiều thai phụ gặp nguy hiểm. Chị T.T.M., 27 tuổi (TP Thanh Hóa) là một trong những sản phụ chưa có kiến thức đầy đủ về việc khám thai, mỗi lần khám chỉ siêu âm nên đã không phát hiện sớm được những bất thường. Chị M. chia sẻ: “Khi mang thai, tôi tăng cân nhiều, siêu âm tại phòng khám tư nhân thấy con vẫn phát triển tốt nên tôi nghĩ vậy là bình thường. Khi đến tháng thứ 6 cùng với việc tăng cân nhiều, tôi thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt. Vào viện khám, tôi mới phát hiện mình bị tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ. Tôi đã được bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời, tư vấn điều chỉnh chế độ ăn. Sau hơn 1 tháng huyết áp của tôi đã giữ ổn định, chỉ số đường huyết giảm dần”.

Thạc sĩ, bác sĩ CK II Võ Trần Lâm, Trưởng Khoa Phụ 2 (Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa), cho biết: Khám thai định kỳ giúp thai phụ phát hiện và xử lý những bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong suốt quá trình mang thai. Việc thai phụ thực hiện mỗi siêu âm trong quá trình khám thai thì chưa thể phát hiện được những bất thường trong quá trình mang thai. Bởi một số bệnh lý như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường, thiếu máu, viêm nhiễm được phát hiện qua việc xét nghiệm máu, nước tiểu, khám sản khoa, khám toàn thân. Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa ghi nhận nhiều trường hợp thai phụ vào viện với các biến chứng do tiểu đường, tiền sản giật mà trước đó thai phụ không biết mình có nguy cơ mắc hoặc đang mắc các bệnh lý. Nhiều trường hợp vào muộn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi và sản phụ.

Cùng với khám thai định kỳ, thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra ở các mốc quan trọng, thai phụ cần tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất. Bởi nếu tự ý bổ sung các khoáng chất, vitamin và bổ sung không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Bên cạnh đó, sản phụ cần thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai cũng như trong quá trình nuôi con nhỏ.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi


Bài và ảnh: Quỳnh Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]