(Baothanhhoa.vn) - Tư vấn, khám, chữa bệnh online là một xu hướng tất yếu của người dân trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi thì việc tư vấn, khám chữa bệnh online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, “tiền mất tật mang” nếu người dân không tìm hiểu kỹ và tìm đúng địa chỉ tin cậy.

Cẩn trọng với tư vấn, khám bệnh online

Tư vấn, khám, chữa bệnh online là một xu hướng tất yếu của người dân trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi thì việc tư vấn, khám chữa bệnh online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, “tiền mất tật mang” nếu người dân không tìm hiểu kỹ và tìm đúng địa chỉ tin cậy.

Cẩn trọng với tư vấn, khám bệnh online

Người dân truy cập trang tư vấn sức khỏe online.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, những trang web, fanpage, nhóm về tư vấn, khám bệnh mọc lên như nấm. Chỉ cần vào google, facebook, zalo, gõ cụm từ “khám bệnh online”, “tư vấn sức khỏe”, hàng chục, hàng trăm kết quả liên quan đến việc tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí hoặc có phí sẽ xuất hiện. Không chỉ số lượng kết quả tìm kiếm nhiều mà lĩnh vực tư vấn, khám chữa bệnh online cũng đa dạng, phong phú, như: tâm lý, sinh lý, thẩm mỹ, dinh dưỡng, xương khớp... Người dân chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào kết quả bất kỳ, các thông tin về bác sĩ, hình thức kết nối đến lĩnh vực tư vấn, khám bệnh sẽ hiện lên trước mắt.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trên không gian mạng người dân vẫn có thể được tư vấn, khám chữa bệnh online từ những bác sĩ nổi tiếng, có chuyên môn tại các bệnh viện công, tư uy tín trên cả nước. Tuy nhiên, làm sao để tìm được địa chỉ uy tín thì người dân phải rất thông thái. Bởi, trên các nền tảng xã hội, việc tư vấn, khám bệnh online đang “vàng thau lẫn lộn”.

Thực tế, tồn tại rất nhiều trang tư vấn, khám bệnh online mạo danh, trá hình để bán hàng. Các trang lấy danh nghĩa tư vấn sức khỏe online thường có xu hướng quảng cáo rất hấp dẫn, ấn tượng và công khai những chia sẻ của người dân về hiệu quả và thay đổi tích cực của sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm. Hay, đăng tải những thông tin, biểu hiện bệnh để tạo lòng tin cho người dân. Thậm chí, nhiều trang mạng còn sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của các bác sĩ nổi tiếng để dụ dỗ người dân mua sản phẩm. Thời gian qua, đã có không ít bác sĩ nổi tiếng và bệnh viện lớn đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh để tư vấn, khám chữa bệnh trên không gian mạng.

Nhiều người đã công nhận rằng, khi truy cập vào một số địa chỉ tư vấn, khám bệnh online trên mạng xã hội, họ thường bị thu hút bởi những chia sẻ “gan ruột” hay câu chuyện về tình trạng sức khỏe, bệnh tật. Không ít người sau khi theo dõi các trang tư vấn, khám sức khỏe online họ thấy gần giống tình trạng bản thân đang mắc phải và đã thử theo những kinh nghiệm chữa bệnh, lời tư vấn của những “bác sĩ online”.

Cô Nguyễn Thị Vinh, TP Thanh Hóa là một trong những người đã đặt lòng tin vào những lời tư vấn của “bác sĩ online” chia sẻ: “Tôi thường xuyên đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay. Đọc những thông tin tư vấn sức khỏe về bệnh xương khớp, bí tắc mạch máu, tôi thấy rất giống tình trạng mình đang mắc phải. Do đó, tôi đã thử mua thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe theo tư vấn. Tuy nhiên, sau nửa năm dùng theo tư vấn thấy sức khỏe không cải thiện. Trái lại, sức khỏe tôi có phần xấu hơn. Đi khám tại bệnh viện, tôi được biết chức năng gan, thận của mình bị suy giảm do dùng thuốc, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Dừng thuốc mua trên mạng và uống thuốc theo đơn bác sĩ tại bệnh viện, chức năng gan, thận của tôi đã dần ổn định trở lại”.

Việc người dân sử dụng thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe theo tư vấn của các “bác sĩ online” không có hiệu quả hoặc bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là điều người dân hay gặp phải. Bởi lẽ, các trang tư vấn, khám chữa bệnh online thường sử dụng “bác sĩ online” không được kiểm chứng về chuyên môn để tư vấn cho người dân. Các “bác sĩ online” ấy tự giới thiệu tên tuổi, chuyên môn nhưng chưa chắc đã được đào tạo bài bản. Khi khách hàng còn phân vân, họ thường dùng các chiêu trò tìm mọi cách khẳng định sản phẩm đã được Bộ Y tế thẩm định, dẫn chứng những người dùng ảo và hiệu quả sử dụng xen lẫn những câu hù dọa do nắm bắt được tâm lý người bệnh đang lo lắng, cân nhắc. Khi khách hàng phản ánh không khỏi, họ sẽ bịa ra phác đồ điều trị kéo dài hoặc đổ lỗi do cơ địa khách hàng hay khách hàng không thực hiện đúng tư vấn trong quá trình điều trị.

Trao đổi về thực trạng trên TS, BS Phạm Phước Sung, Trưởng phòng Đào tạo - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tình trạng người dân nghe tư vấn sức khỏe và sử dụng thuốc theo các trang mạng đang diễn ra tràn lan. Ngày nào tôi cũng gặp các trường hợp bệnh nhân đến khám chia sẻ đã uống thuốc theo tư vấn trên mạng nhưng không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân đã có biến chứng như, phù nề, tích nước, suy gan, thận... do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Sung cũng chia sẻ thêm: Việc tư vấn sức khỏe, khám bệnh online có quy trình rất nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Hiện, có rất ít trang đủ điều kiện tư vấn sức khỏe, khám bệnh online. Đồng thời, khám bệnh online không phải hình thức phù hợp để khám và điều trị bệnh, nó chỉ là giải pháp tạm thời khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nay, tình hình dịch đã ổn định, người dân nên khám trực tiếp tại cơ sở y tế để được y, bác sĩ khám và kê thuốc phù hợp với sức khỏe.

Hậu quả của việc người dân cả tin, không kiểm chứng thông tin khi tìm đến các trang tư vấn, khám bệnh trên các nền tảng xã hội và “bác sĩ online” trá hình là bị tư vấn sức khỏe sai, mua phải sản phẩm không đạt chất lượng tiềm ẩn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, mỗi người dân cần tỉnh táo, không nên nghe tư vấn trên mạng và mua thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]