(Baothanhhoa.vn) - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng nước ta. Hơn 90 năm qua, Đảng ta đã không ngừng phấn đấu trưởng thành, hy sinh tất cả vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của Nhân dân; luôn giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, được Nhân dân tin yêu và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng nước ta. Hơn 90 năm qua, Đảng ta đã không ngừng phấn đấu trưởng thành, hy sinh tất cả vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của Nhân dân; luôn giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, được Nhân dân tin yêu và đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Tiếp nối sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 29-7-1930, là một trong những Đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước. Hơn 90 năm qua, bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 15 năm đầu tiên lịch sử Đảng bộ (1930-1945), các đồng chí cách mạng tiền bối đã luôn sắt son đi theo ngọn cờ của Đảng, vượt qua khó khăn, gian khổ, sự truy lùng của kẻ thù để kịp thời lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, tập dượt cho quần chúng đấu tranh qua các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945. Quá trình chuẩn bị cùng với việc nắm bắt thời cơ cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã chủ động, sáng tạo, nhạy bén và quyết đoán đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Những tờ báo cách mạng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930-1945

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các phủ, huyện, tổng và xã, quần chúng Nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ 18-8 đến 23-8-1945, chính quyền cách mạng ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh đã ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng Nhân dân và bước vào xây dựng chế độ mới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa và cả nước đã thành công, một thời kỳ mới đã mở ra, Nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào lịch sử hiện đại.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao khối đoàn kết, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, bảo vệ hậu phương lớn Thanh Hóa góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến. Cùng với cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, Thanh Hóa đã huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 20 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đắp đường, làm cầu phục vụ các chiến trường Bắc Việt, Bắc Lào. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 2 tiểu đoàn, 34 đại đội, 6 trung đội và 500 chiến sỹ du kích. Huy động gần 57 ngàn thanh niên tham gia bộ đội, 15 ngàn thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. Trong đó 5 người con ưu tú quê hương Thanh Hóa được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, hàng trăm người con ưu tú được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và cấp khu. Với những đóng góp to lớn ấy, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13-6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “… Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Đóng góp của quân và dân Thanh Hóa góp phẩn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; chi viện sức người sức của cho tiền tuyến và nước bạn Lào, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong đó, hàng vạn người đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường. Tại hậu phương, với tinh thần vừa tích cực sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Thanh Hóa đã lập nên những chiến công oanh liệt làm nức lòng bè bạn trong nước và quốc tế. Trong cuộc đọ sức ấy, nhiều địa danh, như: Hàm Rồng, Đò Lèn, Phú Lệ, Đảo Mê, phà Ghép; những đơn vị, như: Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc... và còn rất nhiều tên người, tên đất đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, cách mạng, đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Cầu Hàm Rồng- nơi đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; lực lượng vũ trang tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đã có 4.603 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 219 tập thể, 98 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong 10 năm đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH (1976-1986) với nỗ lực, phấn đấu, Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đập tan âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại kinh tế, chính trị, xã hội của các thế lực thù địch, đạt được thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo nên diện mạo mới trên quê hương Thanh Hóa, tạo ra những tiền đề để cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới (1986-2021), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, hiện thực hóa quan điểm cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của một tỉnh giàu tiềm năng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy, phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào quê hương, ý chí tự lực, tự cường, đưa Thanh Hóa bứt phá trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,2%1 gấp 1,4 lần bình quân giai đoạn 2011 - 2015 và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Quy mô GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 126.172 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015; đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.510 USD, gấp 1,77 lần năm 2015.

Năm 2021 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%; giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, vượt 33,5% so với kế hoạch, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Thu Ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán.

Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đã được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và đạt được kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên; hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội đã kịp thời đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng

Thanh Hóa trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế

Đặc biệt sự kiện ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 3-2-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 13-11-2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đã mở ra thời cơ vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng để tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

92 năm có Đảng, dân tộc có thêm biết bao mùa xuân thắng lợi; Thanh Hóa cùng cả nước vững bước trong hành trình đi đến độc lập, tự do, hạnh phúc và khát khao đất nước giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

92 năm theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, Nhân dân Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh trải qua 5 chặng đường với 19 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã và đang có đầy đủ thế và lực, diện mạo và sức mạnh nội lực để phát triển vững chắc kinh tế-xã hội.

Một mùa xuân mới đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vị thế, tiềm lực, và uy tín quốc tế như hiện nay, chúng ta tràn đầy niềm tin tưởng đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững. Tự hào về Đảng quang vinh, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân sẽ phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; truyền thống cách mạng đi theo Đảng, theo Bác của thế hệ cha ông, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn./.

Vũ Quý Tùng Anh


Vũ Quý Tùng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]