(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định:“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”!

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định:“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”!

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Ảnh minh họa.

“Vấn đề rất trọng yếu”

Xác định “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”, rất trọng yếu và cần kíp; đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng xem công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của vấn đề “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, ngày 12-3-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020” (gọi tắt là Nghị quyết số 04-NQ/TU). Nghị quyết số 04-NQ/TU đề ra quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đức, có tài, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín làm thước đo để đánh giá, bố trí cán bộ”; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ theo phương châm “Chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa”...

Đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực, bảo đảm về số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, chất lượng được nâng lên. Trong đó, cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu chung so với nghị quyết đề ra về đổi mới cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp mỗi nhiệm kỳ từ 30% trở lên ở cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện (nhiệm kỳ 2015-2020), cấp xã và tương đương. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu cụ thể như: mục tiêu đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ; mục tiêu cán bộ nữ đối với cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện và cấp ủy cấp xã; mục tiêu cán bộ trẻ đối với cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2015-2020, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện; mục tiêu trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh hiện có 78.642 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó cán bộ nữ 33.278 đồng chí, chiếm 42,4%; cán bộ trẻ 34.527 đồng chí, chiếm 44%; cán bộ là người dân tộc thiểu số 7.341 đồng chí, chiếm 9,4%. Cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ 7.144 đồng chí, chiếm 9,1%; có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 3.250 đồng chí, chiếm 4,1%. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có 7.898 đồng chí; trong đó, diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 596 đồng chí; diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tập thể lãnh đạo ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý 7.302 đồng chí. Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, từng khâu trong công tác cán bộ đã được các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm, bảo đảm chặt chẽ quy trình, nguyên tắc, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện, dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Qua đó, đạt nhiều kết quả quan trọng và tạo được sự đồng thuận trong các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Trong đó, đánh giá cán bộ được xác định là khâu đột phá, với nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ, đa chiều hơn thông qua việc lấy ý kiến của các chủ thể từ dưới lên, từ trên xuống và lấy ý kiến ngang. Đồng thời, quy trình, thẩm định chặt chẽ, khách quan; đã lượng hóa được các tiêu chí theo nhóm tập thể, nhóm các chức danh cán bộ, giúp cho việc đánh giá, nhận xét chính xác hơn... Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại 82.289 lượt cán bộ, trong đó, có trên 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó, công tác quy hoạch cũng có sự đổi mới, bảo đảm sự liên thông, quy hoạch “động” và “mở”, quy hoạch giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đã gắn với các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời, định kỳ rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch để “đưa ra, đưa vào”. Nội dung, quy trình, các bước tiến hành đảm bảo công khai, dân chủ; kết quả quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai kịp thời theo quy định… Nhờ đó, chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã 2 lần xây dựng quy hoạch (A1) và 6 lần rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, 2016-2021 và nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026, với 79.669 lượt cán bộ được đưa vào quy hoạch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, gắn với thực hiện luân chuyển để rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản được chuẩn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 84.211 lượt người. Công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, gắn với quy hoạch, luân chuyển và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được 16.173 lượt; trong đó cán bộ là nữ 3.211 đồng chí, chiếm 19,8%; cán bộ trẻ 2.150 đồng chí, chiếm 13,3%; người dân tộc thiểu số 3.054 đồng chí, chiếm 18,9%.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ được Nghị quyết 04-NQ/TU xác định là một trong hai khâu đột phá trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín địa phương, xóa bỏ tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ đối với cán bộ luân chuyển đã có chuyển biến rõ nét. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển được 4.523 lượt cán bộ ở các cấp. Riêng luân chuyển cán bộ gắn với bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, từ năm 2012 đến nay, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã luân chuyển 1.644 lượt cán bộ để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn. Nhờ đó, số lượng và chất lượng cán bộ được nâng lên; khắc phục tình trạng khép kín, hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ. Cùng với đó, chính sách cán bộ được các cấp ủy đảng quan tâm thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, công bằng, đã động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm, đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sai sót trong công tác cán bộ. Ngoài ra, tổ chức và con người làm công tác cán bộ cũng được quan tâm đúng mức, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức...

“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”

Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ”, đó là hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ. Người khẳng định, “Đảng ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới”. Thấm nhuần lời dạy của Người, qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị đã được đúc kết. Trong đó, một yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả của công tác cán bộ, đó là: các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu chiến lược cán bộ và công tác cán bộ. Đồng thời, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Người xưa nói “dụng nhân như dụng mộc”, điều này càng đúng với công tác cán bộ. Do đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, việc hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm tổng thể, thống nhất, liên thông, minh bạch, khách quan, công tâm. Đồng thời, tạo sự gắn kết, đồng bộ giữa các khâu trong công tác cán bộ; thường xuyên đổi mới công tác tổ chức cán bộ trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Trung ương. Đặc biệt, cần cầu thị lắng nghe ý kiến của Nhân dân, dư luận xã hội, ý kiến phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng; cẩn trọng thẩm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định, nhất là việc đề bạt, bổ nhiệm và bố trí cán bộ...

Ngày 20-2-1947 khi về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ tỉnh. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Cán bộ là cái gốc của công việc, đóng vai trò rất quan trọng, do đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm càng cao. Trách nhiệm của cán bộ như Bác đã chỉ rõ, đó là phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng; không nên có mục đích cá nhân; luôn luôn giữ gìn kỷ luật; luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên. Bởi, “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc. Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo” - Bác căn dặn.

Như vậy, suy cho cùng thì thực hiện công tác cán bộ nói chung, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU nói riêng, là nhằm làm cho cái “dây chuyền” của bộ máy vận hành trơn tru, cũng chính là xây dựng được đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nhấn mạnh điều này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: “Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và rất kịp thời. Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, công tác cán bộ của tỉnh ta đã có những bước phát triển; đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành về nhiều mặt; số lượng được bảo đảm, cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên, là động lực cơ bản giúp tỉnh ta vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và rất có ý nghĩa trong suốt những năm qua”. Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, với tương lai của quê hương, đất nước. Từ đó, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Bố trí, sắp xếp, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Hiện nay ngành giáo dục có số lượng cán bộ, công chức, viên chức hơn 53.000 người. Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thực hiện đúng quy định của tỉnh về việc rà soát, quy hoạch cán bộ quản lý, đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các quy định trong việc tiếp nhận, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức. Việc bố trí đúng người, đúng việc giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, gắn bó với nghề, qua đó đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế ngành giáo dục Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là ở cấp mầm non và tiểu học. Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp GD&ĐT trong thời gian tới, đề nghị tỉnh và ngành chức năng cần có cơ chế thông thoáng trong việc tiếp nhận giáo viên từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu về công tác tại Thanh Hóa và giáo viên đã có nhiều cống hiến ở những vùng khó khăn trong tỉnh được về công tác tại các địa bàn phù hợp theo yêu cầu. Sớm triển khai việc thi tuyển một số chức danh quản lý của ngành giáo dục nhằm bổ sung nguồn cán bộ quản lý có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc điều động, luân chuyển đội ngũ giáo viên dôi dư cục bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đối với các địa phương, cần lựa chọn được người đứng đầu, cụ thể là hiệu trưởng các nhà trường là người có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt để đưa bộ máy giáo dục chuyển biến tích cực; đồng thời phối hợp với ngành giáo dục định hướng cho các em học sinh thi vào ngành sư phạm để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành trong giai đoạn tới.

Trần Văn Thức

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

Quan tâm quy hoạch, tạo nguồn cán bộ đoàn các cấp

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, công tác cán bộ Đoàn đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu trong thực hiện giải quyết công việc được giao. Nhiều đồng chí đã thể hiện, phát huy được năng lực, trình độ, được tin tưởng giao giữ các chức vụ quan trọng trong cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay tỉnh chưa tổ chức thi tuyển công chức khối đảng, đoàn thể, cùng với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đã dẫn đến việc thiếu hụt đội ngũ cán bộ Đoàn, việc quy hoạch nguồn cán bộ Đoàn cấp huyện, cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn. Để bổ sung nguồn cán bộ Đoàn trong thời gian tới, đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm hơn nữa đến việc quy hoạch, tạo nguồn cán bộ; quan tâm đến chính sách đào tạo cán bộ Đoàn, nhất là việc đào tạo trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước.

Lê Văn Châu

Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn

Sớm ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư giai đoạn 2023-2025

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện nghiêm túc công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, làm cơ sở để lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của huyện và từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng tập trung thực hiện nghị quyết đảm bảo đúng quy trình, đúng nguyên tắc; vai trò của các cấp ủy đảng được đề cao, nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy nên đã đem lại những kết quả tốt; công tác tổ chức cán bộ và cán bộ từ huyện đến cơ sở chuyển biến rõ rệt; chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.

Tôi đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư giai đoạn 2023-2025 để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 15-4-2020 của UBND tỉnh; đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ được luân chuyển, điều động từ địa phương này sang địa phương khác để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có 100% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương.

Lê Đình Hải

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân

Luôn đặt lợi ích chung lên trên, đáp ứng được niềm tin, khát vọng của người dân và doanh nghiệp

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, cá nhân tôi nhận thấy, công tác cán bộ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ có những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe hơn về đạo đức nghề nghiệp, lối sống, văn hóa công sở, kỹ năng lãnh đạo, tinh thần đoàn kết hợp tác, tận tụy với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực, chủ động hơn trong tham gia giải quyết các vấn đề người dân và doanh nghiệp kiến nghị.

Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài bền vững. Tôi mong muốn và kỳ vọng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian tới tiếp tục phát huy hơn nữa phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh, của đất nước. Người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị, ngành, phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đúng cán bộ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, như: đào tạo, khuyến khích học tập, nghiên cứu, thực thi nhiệm vụ, công vụ, cải cách thủ tục hành chính, trọng dụng, thu hút nhân tài...; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ. Tôi mong rằng, tỉnh Thanh Hóa sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài, đủ tầm, luôn biết đặt lợi ích chung lên trên và đáp ứng được niềm tin, khát vọng của toàn thể Nhân dân.

Lê Thị Liễu

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh (thị xã Nghi Sơn)

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới

Trọng cán bộ như vun trồng cây cối quý báu!

Qua theo dõi việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, tôi nhận thấy, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Nguồn quy hoạch cán bộ khá dồi dào, cơ bản được bảo đảm. Cơ cấu cán bộ đã có sự điều chỉnh. Nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Phần lớn cán bộ các cấp đều có lập trường tư tưởng vững vàng, có tư duy đổi mới...

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện; nhiều nơi cán bộ chưa gương mẫu, còn mất dân chủ... Những tồn tại, hạn chế trên đã tác động mạnh mẽ đến công tác cán bộ và xây dựng dựng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, trọng tâm tôi mong muốn tỉnh cần đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy nội lực, dân chủ để mỗi người dân, cán bộ đều thấy quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, vì dân phục vụ. Quan tâm bảo vệ cán bộ tốt, trung thực, dám nghĩ, dám làm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Hoàng Văn Miến

Cán bộ hưu trí (Xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương)

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]