(Baothanhhoa.vn) - Bài viết của TBT Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một bài viết rất có giá trị về cả phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn, nhận được nhiều ý kiến phản hồi, bày tỏ sự hưởng ứng và đồng tình cao; đồng thời phân tích sâu sắc nhiều nội dung quan trọng của bài viết.

Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bài viết của TBT Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một bài viết rất có giá trị về cả phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn, nhận được nhiều ý kiến phản hồi, bày tỏ sự hưởng ứng và đồng tình cao; đồng thời phân tích sâu sắc nhiều nội dung quan trọng của bài viết.

Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

GS, TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thiếu tướng, PGS, TS ĐẶNG SỸ LỘC, Phó giám đốc Học viện Chính trị: Lan tỏa niềm tin và truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin son sắt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về con đường đi tới tương lai của dân tộc ta. Chỉ có chủ nghĩa xã hội (CNXH) mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta. “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã in dấu ấn đậm nét khát vọng về một dân tộc Việt Nam độc lập, thống nhất, phát triển cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng đó không phải tự nhiên mà có, nó được hun đúc từ những giá trị văn hóa hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, được tôi luyện suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, là sự kế thừa và tiếp nối công lao trời biển của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã xây dựng nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta như ngày nay.

Khát vọng về một Việt Nam hùng cường như dòng sông quê hương mát rượi, luôn khơi nguồn, chảy mãi trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam, bồi đắp cho những ước mơ và hoài bão lớn lao về một dân tộc Việt Nam luôn biết vượt qua mọi thác ghềnh khó khăn, nguy hiểm để đến với bến bờ hạnh phúc, vinh quang.

Nếu như trước đây, khát vọng cháy bỏng của chúng ta khi nền độc lập dân tộc bị xâm phạm là “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Khát vọng đó đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến từng người, từng nhà, từng ngõ xóm, thôn, bản, từ mọi làng quê Việt Nam, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài, hễ là người Việt Nam, ai cũng phải đứng lên giải phóng dân tộc. Cho nên, ở Việt Nam lúc bấy giờ “ra ngõ gặp anh hùng”, ai cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, trước hết; ai cũng sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cũng chính vì lẽ đó, hình ảnh Việt Nam, Hồ Chí Minh, ngôi sao vàng năm cánh cùng với những chiến thắng lừng lẫy của Việt Nam đã vang vọng khắp năm châu, truyền cảm hứng mãnh liệt đến nhân dân và các dân tộc trên thế giới còn bị áp bức, bóc lột và bạn bè quốc tế, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, chân lý, lẽ phải để giải phóng dân tộc và ủng hộ Việt Nam.

Đất nước ta sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kỳ tích vô cùng to lớn. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (1) . Cả dân tộc Việt Nam đang hòa nhịp vào dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (2) ; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng thiêng liêng, lớn lao đó chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta vững bước trên con đường đi lên CNXH, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải truyền cảm hứng để hiện thực hóa khát vọng. Muốn vậy, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải biết truyền cảm hứng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Muốn truyền được cảm hứng thì người đứng đầu phải thực sự tiêu biểu cho tinh hoa của Đảng, của dân tộc; phải thực hiện tốt việc nêu gương, lan tỏa những việc làm tốt đẹp đến mọi người dân; phải luôn giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt và thúc đẩy mọi người ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức trên con đường phát triển.

Cốt lõi của khát vọng Việt Nam là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân với sức mạnh thời đại cho mọi người, mọi nhà, mọi gia đình người Việt Nam; phải làm cho ai cũng có khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự phát triển phồn vinh của đất nước để hiện thực hóa 3 mục tiêu mà Đảng ta đã xác định.

Khát vọng của Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chiến thắng được “giặc nội xâm” là chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, phải truyền cảm hứng cho mỗi người dân Việt Nam nêu cao ý thức trách nhiệm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chúng ta tin tưởng rằng, với khát vọng vươn lên mãnh liệt, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất định đất nước ta sẽ lập nên những kỳ tích mới vì một nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, cùng bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông NGUYỄN TRỌNG LƯỢNG, thôn Tân Luật, xã Công Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa: Tính định hướng cao và giá trị thực tiễn sâu sắc

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết rất quan trọng với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nghiên cứu nội dung bài viết, không phải riêng tôi mà đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở địa phương chúng tôi đều nhận thấy rằng: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện tính định hướng cao, vừa có giá trị thực tiễn hết sức sâu sắc.

Ngay sau khi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, như một lẽ tự nhiên, ở địa phương chúng tôi nhiều cuộc bàn luận diễn ra sôi nổi. Thậm chí, có những người trước đây dường như không mấy quan tâm đến vấn đề được xem là “chính trị”, thì nay có những phân tích, lập luận khá chặt chẽ, có tính thuyết phục cao dựa trên những nội dung đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong bài viết, nhất là một số người dân theo đạo Thiên chúa giáo. Vậy, vì sao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân? Phải chăng, đây là bài viết của đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Đúng là có quan điểm ấy, nhưng trên hết và trước hết chính là tư tưởng và nội dung bài viết. Khái niệm về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam không phải bây giờ mới được Tổng Bí thư nhắc đến, đề cập đến, mà đó là mô hình xã hội và con đường phát triển đi tới của dân tộc đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn ngay từ buổi bình minh tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Xây dựng CNXH và đi lên CNXH chính là sự lựa chọn tự nguyện; là mong ước của mỗi người dân Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam là minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho việc lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những đau khổ cùng cực mà người dân Việt Nam phải gánh chịu dưới xiềng xích đô hộ của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân chỉ những người như thế hệ chúng tôi, cha ông chúng tôi mới cảm nhận được hết. Bằng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam đã quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vùng lên lật đổ chế độ thực dân, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Trích dẫn lại đoạn viết trên trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc hẳn không cần phân tích gì thêm để trả lời cho câu hỏi: Vì sao Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta nguyện một lòng đi lên xây dựng CNXH. Và sự lựa chọn đúng đắn ấy đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng với những “thành tựu có ý nghĩa lịch sử” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mang đến cho mỗi người dân Việt Nam những nhận thức khoa học và đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH. Bài viết đã lý giải cặn kẽ, thuyết phục lý do vì sao dân tộc Việt Nam kiên định, kiên trì với mục tiêu xây dựng CNXH. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến hết sức mau lẹ, khó đoán định; trong nước, thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới đã tạo nên những tiền đề vững chắc để đất nước tiếp tục phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và trách nhiệm chính trị của mỗi người dân. Bởi vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần rất quan trọng để mỗi người trong chúng ta có cùng nhận thức, thấy rõ trách nhiệm và thể hiện quyết tâm xây dựng thành công CNXH, cho dù phía trước con đường cách mạng của dân tộc không phải được trải bằng nhung lụa. Và sự thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân trước hết là sáng suốt lựa chọn cho được những người xứng đáng bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để giành được kết quả tốt trong thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã xác định. Lòng yêu nước, yêu CNXH của mỗi người dân ở thời kỳ nào cũng vậy, không phải là điều gì quá xa vời, trừu tượng, mà bằng chính những việc làm, hành động cụ thể vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Theo qdnd.vn

-----

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.111



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]