(Baothanhhoa.vn) - Trong không khí hân hoan phấn khởi cùng đồng bào cả nước, cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang hướng về sự kiện chính trị quan trọng - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22-5 đến ngày 23-6-2023.

Gửi gắm niềm tin vào một kỳ họp quan trọng

Trong không khí hân hoan phấn khởi cùng đồng bào cả nước, cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang hướng về sự kiện chính trị quan trọng - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22-5 đến ngày 23-6-2023.

Gửi gắm niềm tin vào một kỳ họp quan trọngToàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật HTX (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự... Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 8 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)... Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét: Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022...

Có thể nói, cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023... Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, về tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến có chiều hướng tăng trở lại với biến thể mới tại các địa phương trong cả nước; một số mặt hàng sản xuất truyền thống sản lượng giảm; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; đơn giá vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp; vấn đề quản lý đất đai, khai thác tài nguyên trái phép; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trái phép diễn biến phức tạp; tội phạm lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội; tình trạng học sinh, vị thành niên hút thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp; tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp; người lao động rút BHXH một lần có xu hướng tăng, tình trạng tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại một số địa phương trong cả nước... gây nhiều băn khoăn, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân.

Gửi gắm niềm tin vào kỳ họp quan trọng, cử tri Thanh Hóa gửi đến kỳ họp 62 nhóm kiến nghị liên quan đến an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân. Trong đó, có 11 nhóm kiến nghị với Quốc hội; 20 nhóm kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 31 nhóm kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương. Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản và các văn bản liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét bãi bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bổ sung quy định các dự án đầu tư nước ngoài phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh (bổ sung nội dung tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư năm 2020). Đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức tòa án cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức tòa án và để phù hợp với luật pháp quốc tế...

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản, rà soát số liệu, dự báo chính xác tình hình để có chính sách điều hành giá phù hợp, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục... bình ổn giá cho một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi... đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; có chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ, khai thác ngư trường mới; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giá các loại vật liệu (cát, đá xây dựng, đất san lấp...) tăng cao và khan hiếm vật liệu làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng ở các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các quy định về chính sách tín dụng, cho vay; lắng nghe ý kiến phản ánh và trả lời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân; có chính sách giảm lãi suất, giảm tiền thuê đất, thuế suất để doanh nghiệp có cơ hội đầu tư; sớm ban hành quy định về xây dựng, phát triển và sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. Tiếp tục có các giải pháp cấp bách trong việc để cải thiện thị trường lao động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong bối cảnh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trong khi đó, cử tri các huyện Thường Xuân, Quảng Xương và TP Sầm Sơn đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15-2-2023 của Chính phủ đối với đội ngũ dân số, truyền thông, lái xe, hành chính, kế toán, ban giám đốc và các cán bộ có chức danh nghề nghiệp khác đã tham gia chống dịch tại trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện trong năm 2021, 2022 để đảm bảo quyền lợi, động viên cán bộ làm việc gián tiếp và tạo sự công bằng giữa các lực lượng cùng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cử tri huyện Mường Lát đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều áp dụng cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc (gần tỷ lệ hộ nghèo + hộ cận nghèo) <=13%; thành tỷ lệ hộ nghèo <= 12% (giữ nguyên theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ). Cử tri huyện Quảng Xương đề nghị đầu tư tuyến đường tránh vành đai 3 tránh TP Thanh Hóa (cả phía Đông và phía Tây Quốc lộ 1A) đoạn qua huyện Quảng Xương...

Cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn đặt niềm tin vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với những quyết sách quan trọng, đúng đắn, sẽ góp thêm sức mạnh để cả hệ thống chính trị và Nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức trong chặng đường phát triển mới của đất nước.

Bài và ảnh: Quốc Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]