(Baothanhhoa.vn) - Quan điểm về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân được Đảng ta khẳng định và đặc biệt quan tâm. Với những chủ trương trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình về đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung theo kết luận 14 của Bộ Chính trị

Quan điểm về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân được Đảng ta khẳng định và đặc biệt quan tâm. Với những chủ trương trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình về đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung theo kết luận 14 của Bộ Chính trị

Tọa đàm khoa học về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng chỉ rõ: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Bác cũng căn dặn trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, cống hiến vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong sự nghiệp cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay, như lời Bác dạy, người cán bộ phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào người cán bộ mạnh mẽ loại cái cũ, dám đứng mũi chịu sào, dám làm những việc chưa có tiền lệ, việc mới, việc khó thì mới tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý.

Thực tiễn cho thấy, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với tổ chức và nhân dân. Không ít cán bộ trở thành tấm gương về đức hy sinh cho lợi ích chung của địa phương và đất nước. Đó là kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng; là thành quả giáo dục, rèn luyện cán bộ của tổ chức.

Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ; trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của các ngành, địa phương. Xét đến cùng, đây là cơ chế tạo động lực cho bước bứt phá, thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực đất nước nói chung, đội ngũ cán bộ của Đảng nói riêng; khẳng định vai trò, sứ mệnh là chủ thể của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Hay nói cách khác, để bước tiếp chặng đường đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển, cần lắm những cán bộ tài giỏi, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì nhân dân. Hơn thế, để cán bộ thực sự là tài sản quý giá của đất nước, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích và bảo vệ, để cán bộ yên tâm phát huy hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, sự ra đời Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị là một đòi hỏi tất yếu.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là nền tảng quan trọng giúp mỗi cán bộ ngày càng tự tin làm việc, cống hiến, mạnh dạn đổi mới vì lợi ích chung mà không sợ áp lực, không sợ thất bại, đồng thời kiên định với những mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Kết luận nêu rõ: Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Để Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương diện:

Một là, Cấp ủy, chính quyền các cấp cần đưa việc tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vào chương trình công tác tháng, quý sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị; gắn tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua của các cấp, các ngành địa phương, đơn vị.

Hai là, Tuyên truyền thông qua kênh Đài Phát thanh - Truyền hình; báo chí từ Trung ương đến địa phương bằng các hình thức: Phim tài liệu, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, các bài viết về các tấm gương cán bộ lãnh đạo, quản lý điển hình trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung. Theo đó, cần phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nhất là các điển hình cán bộ lãnh đạo, quản lý năng động, sáng tạo trong phòng chống dịch bệnh, phòng chống tham nhũng, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Ba là, Hằng năm, trên cơ sở tình hình thực tiễn, từ Trung ương đến địa phương tố chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gương cán bộ lãnh đạo, quản lý điển hình tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung. Đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các điển hình tiêu biểu theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bốn là , Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng. Để động viên, khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, cần có sự đồng hành, sát cánh, ủng hộ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy Đảng cần thường xuyên giám sát, theo dõi kiểm tra; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; hoặc biểu dương, nhân rộng, khen thưởng xứng đáng, ưu tiên bố trí sử dụng cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung và sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Năm là , Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Để có được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chính đội ngũ cán bộ phải là người nhận thức rõ hơn ai hết trách nhiệm của bản thân, phải luôn tự nhận thức, tự đào tạo để không ngừng phát huy năng lực của mình. Phải luôn chủ động “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” trong công tác; phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám chịu trách nhiệm và hết lòng vì nước, vì dân; luôn năng động, sáng tạo trên cơ sở chấp hành đúng các quy định của pháp luật, dám phá vỡ rào cản lạc hậu, tạo động lực phát triển. Khi làm việc cần xem xét đánh giá đầy đủ cả lý luận và thực tiễn, khách quan và chủ quan các vụ việc; xử lý công việc phải có lý có tình; tâm phục, khẩu phục; có tác dụng răn đe, ngăn chặn điều xấu. Làm việc theo phong cách khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Hướng mọi sự sáng tạo phải thực sự vì lợi ích chung.

Sáu là, Tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác sơ kết, tổng kết xây dựng và nhân rộng điển hình cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh những hạn chế, yếu kém và phát huy những ưu điểm, kết quả trong quá trình thực hiện để kịp thời lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiêu biểu.

Có thể thấy rõ, quan điểm về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân được Đảng ta khẳng định và đặc biệt quan tâm. Với những chủ trương trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước, cơ quan, đơn vị. Theo đó, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức; trở thành chỗ dựa vững chắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt cán bộ chủ chốt cấp chiến lược mạnh dạn, tự tin thực hiện nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

ThS. Lê Đình Tư

Trường Chính trị Thanh Hóa


ThS. Lê Đình Tư

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]