(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng hệ thống chính trị, nền hành chính trong sạch, vững mạnh mà còn có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng (Bài 1): Đào tạo, rèn luyện cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng hệ thống chính trị, nền hành chính trong sạch, vững mạnh mà còn có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng (Bài 1): Đào tạo, rèn luyện cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu

Đồng chí Lê Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Ảnh: Phan Nga

Đánh giá cán bộ - khâu đột phá trong công tác cán bộ

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và quán triệt các nghị quyết của Đảng, trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác cán bộ. Đặc biệt, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác này, ngày 12-3-2012 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”.

Trên cơ sở chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài mà Nghị quyết số 04-NQ/TU đề ra là “xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đức, có tài, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín làm thước đo để đánh giá, bố trí cán bộ”; xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ theo phương châm “Chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa”, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và ban hành các quy chế, quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý cán bộ để thống nhất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, xác định đánh giá cán bộ là một trong những khâu “đột phá” có tính chất nền tảng ban đầu quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ được Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Hà Trung thường xuyên quan tâm chỉ đạo và thực hiện đánh giá cán bộ đúng quy trình; nội dung, phương pháp đánh giá toàn diện, phản ánh được chất lượng cán bộ. Huyện đã chủ động cụ thể hóa các quy định của Trung ương, của tỉnh, xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo chính, trong đó tập trung vào 4 nội dung cụ thể: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ý thức tổ chức kỷ luật; đánh giá chiều hướng, triển vọng phát triển của cán bộ. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, Hà Trung đã đánh giá 2.507 lượt cán bộ; trong đó, cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý 120 lượt, cán bộ diện BTV Huyện ủy quản lý 2.387 lượt.

Đồng chí Trần Duy Bình, Bí thư Huyện ủy Hà Trung, cho biết: Việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ của huyện, một mặt là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, ĐT, BD, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ. Mặt khác, còn tạo ra cơ chế “kích thích” sự phấn đấu của cán bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đây là cách làm mới, được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, công chức trong toàn đảng bộ.

Nét mới trong công tác đánh giá cán bộ ở huyện Thạch Thành, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lê Xuân Bình, là: Huyện đã xây dựng thành tiêu chí cụ thể; có tính định lượng, trong đó xác định tỷ lệ, tiến độ hoàn thành và hiệu quả công việc được giao, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để đánh giá cán bộ; mức độ tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân; kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình; quy trình, phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ, phát huy trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và thực hiện trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, trước khi thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ.

Cùng với 2 huyện Hà Trung, Thạch Thành, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có sự đổi mới trong công tác đánh giá, nhận xét, xếp loại tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp với nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá được mở rộng dân chủ, đa chiều hơn thông qua việc lấy ý kiến của các chủ thể từ dưới lên, từ trên xuống và lấy ý kiến ngang. Đồng thời, quy trình, thẩm định chặt chẽ, khách quan; đã lượng hóa được các tiêu chí theo nhóm tập thể, nhóm các chức danh cán bộ, giúp cho việc đánh giá, nhận xét chính xác hơn. Chất lượng đánh giá, xếp loại đã có chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại 82.289 lượt cán bộ, trong đó, có trên 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, thực hiện nghiêm quy định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20%, mức xếp loại của người đứng đầu không cao hơn mức xếp loại của tập thể.

Quy hoạch “động” và “mở”

Quy hoạch cán bộ nhằm đủ nguồn nhân sự có phẩm chất, năng lực và uy tín để chủ động ĐT, BD, bố trí, sử dụng. Thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ ở tỉnh ta được thực hiện khách quan, dân chủ, đúng quy định. Số lượng nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp ít nhất 1,5 lần, thường vụ cấp ủy từ 1,5 - 2 lần; mỗi chức danh chủ chốt quy hoạch tối đa 4 người, mỗi người quy hoạch không quá 3 chức danh. Chất lượng nguồn quy hoạch được đảm bảo về tiêu chuẩn, tỷ lệ trẻ, nữ, dân tộc...; cán bộ dưới 45 tuổi lần đầu đưa vào quy hoạch (ở cấp tỉnh, huyện) đều phải có bằng đại học chính quy; trong thường trực cấp ủy các huyện miền núi đều có quy hoạch cán bộ người dân tộc Kinh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có quy hoạch người dân tộc thiểu số...

Đặc biệt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở rộng phạm vi giới thiệu đối tượng lấy ý kiến phát hiện cán bộ để đưa vào quy hoạch theo hướng “động” và “mở”, tiến hành đồng bộ ở cả 3 cấp và lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng nguồn cán bộ từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn cán bộ quy hoạch, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển.

Đồng chí Đinh Văn Minh, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Nghi Sơn cho biết: Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, BTV Thị ủy đã ban hành hướng dẫn rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025 và định hướng nhiệm kỳ 2025-2030; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn thị xã tổ chức triển khai thực hiện theo hướng khách quan, dân chủ, đúng quy định, định kỳ rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch để “đưa ra, đưa vào“; bảo đảm phương châm “mở” và “động”; bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển. Lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; quy hoạch cấp ủy làm cơ sở quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của phòng, ban, ngành với quy hoạch cấp ủy thị xã, việc quy hoạch cán bộ đã gắn kết được các khâu trong công tác cán bộ. Do làm tốt công tác quy hoạch, nên các đơn vị đã chủ động được nguồn nhân sự khi cần bổ nhiệm, thay thế, bố trí cán bộ. Nhất là nhân sự Đại hội Đảng bộ thị xã và các xã, phường nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, phương án nhân sự của cấp ủy và nhân sự chuẩn bị cho bầu cử HÐND các cấp thị xã Nghi Sơn nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, công tác quy hoạch đã có sự đổi mới, bảo đảm sự liên thông, quy hoạch “động” và “mở”. Nội dung, quy trình, các bước tiến hành đảm bảo công khai, dân chủ; kết quả quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai kịp thời theo quy định... Nhờ đó, chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã 2 lần xây dựng quy hoạch (A1) và 6 lần rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, 2016-2021 và nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026, với 79.669 lượt cán bộ được đưa vào quy hoạch.

Cán bộ phải có tố chất, triển vọng

Tháng 7-2020, khi được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân (Như Xuân), đồng chí Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Thanh tra huyện đã nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ, cùng tập thể cấp ủy địa phương cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt hiệu quả. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng chí Tuấn Anh cùng tập thể lãnh đạo xã đã tập trung các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương và vươn lên thoát nghèo. Cuối tháng 12-2021, Thanh Xuân là xã duy nhất của huyện Như Xuân đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã giai đoạn 2022-2025.

Theo ghi nhận của đồng chí Hà Đăng Chính, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thanh Đồng, xã Thanh Xuân, hiện thực hóa nghị quyết của đảng bộ xã, toàn xã đã chuyển đổi được 15 ha cây xoài keo, 1 ha cây chanh leo, 3 ha cây dổi lấy hạt từ diện tích đất trồng sắn, keo hiệu quả kinh tế thấp. Trong xây dựng nông thôn mới, riêng năm 2021, xã đã hỗ trợ các thôn kinh phí mua xi-măng, gạch cứng hóa đường ngõ và xây dựng 3 công trình vệ sinh; mua 17.000 cây giống chè trồng làm hàng rào... với tổng kinh phí hơn 114 triệu đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33,5 triệu đồng/năm, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,78%... Những thành tựu ấy có sự đóng góp, tận tâm của Bí thư Đảng ủy xã Lê Tuấn Anh.

Được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác ĐT, BD cán bộ, đồng chí Lê Huy Kỳ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Xương, chia sẻ: Trên cơ sở công tác quy hoạch cán bộ, BTV Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch ĐT, BD, bổ nhiệm, luân chuyển nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới; trong đó, ưu tiên đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị (LLCT) để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, thị trấn. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, huyện Quảng Xương đã cử 21 cán bộ học thạc sĩ; 41 đồng chí học lớp cao cấp LLCT; 149 cán bộ học đại học; 876 đồng chí học trung cấp LLCT, 94 đồng chí học sơ cấp LLCT; phối hợp mở 1 lớp dự nguồn ban chấp hành đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 cho 71 đồng chí. Hiện 100% cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên và có trình độ LLCT cao cấp, cử nhân; 100% các đồng chí cán bộ diện BTV Huyện ủy quản lý đều có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp LLCT trở lên.

Qua thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU trên địa bàn tỉnh có thể khẳng định: Công tác ĐT, BD cán bộ đã được các địa phương, đơn vị chú trọng. Qua ĐT, BD, đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản được chuẩn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi ĐT, BD 84.211 lượt người, bao gồm: Đào tạo chuyên môn 10.564 lượt, trong đó 26 đồng chí được tuyển chọn đi học thạc sĩ tại các nước Anh, Australia theo đề án của BTV Tỉnh ủy đã trở về công tác tại các huyện, sở, ban, ngành của tỉnh; đào tạo LLCT 20.700 lượt; bồi dưỡng 52.946 lượt, trong đó nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 cho 145 đồng chí; ở cấp huyện mở 27 lớp dự nguồn ban chấp hành đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 cho 2.700 đồng chí.

Tuy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng đúng như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, ngày 30-8-2022: “Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 04 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và rất kịp thời. Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, công tác cán bộ của tỉnh ta đã có những bước phát triển; đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành về nhiều mặt; số lượng được bảo đảm, cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên, là động lực cơ bản giúp tỉnh ta vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và rất có ý nghĩa trong suốt những năm qua”. Công tác tổ chức, cán bộ chưa bao giờ là công việc dễ, vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bài 2: “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Phan Nga – Lê Hà


Phan Nga – Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]