(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã, “cái được” rõ nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, việc thực hiện kiêm nhiệm ở các địa phương đã, đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 1 - Chuyện sắp xếp người kiêm nhiệm

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã, “cái được” rõ nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, việc thực hiện kiêm nhiệm ở các địa phương đã, đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

Bất cập trong hoạt động kiêm nhiệm các chức danh hội đặc thù cấp xã: Bài 1 - Chuyện sắp xếp người kiêm nhiệmAnh Nguyễn Hữu Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Nhân (Quảng Xương) sắp xếp lại vật dụng của hội chữ thập đỏ. Ảnh: P.V

Ký hợp đồng làm... chủ tịch hội

Ngày 12-12-2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức thù lao đối với chủ tịch các hội đặc thù cấp xã; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu và tinh thần chung của nghị quyết là nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và giảm chi ngân sách Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết 232, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm từ 20 người/xã, phường, thị trấn xuống còn bình quân 10 người/xã, phường, thị trấn; từ 6 người/thôn, tổ dân phố xuống còn bình quân 3 người/thôn, tổ dân phố. Như vậy, toàn tỉnh đã giảm gần 15.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chủ trương tinh gọn bộ máy là hoàn toàn đúng đắn và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, các địa phương đã vào cuộc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó “điểm nghẽn” lớn nhất chính là công tác nhân sự, bởi để tìm được người đúng chuyên môn, đúng độ tuổi làm công tác kiêm nhiệm ở một số chức danh hội đặc thù là rất khó khăn. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức (Quảng Xương) cho biết: “Hiện nay, các chức danh như chủ tịch hội chữ thập đỏ, chủ tịch hội làm vườn và trang trại... về cơ bản chúng tôi đã bố trí được người kiêm nhiệm. Tuy nhiên, cái khó nhất khi triển khai thực hiện là không chọn được người phù hợp để kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong (TNXP). Theo quy định, để đảm nhiệm được chức danh chủ tịch hội cựu TNXP phải là hội viên hội cựu TNXP, trong khi đó công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã lại không bảo đảm tiêu chí này. Chúng tôi đã xin ý kiến Hội Cựu TNXP huyện Quảng Xương bố trí chủ tịch hội người cao tuổi kiêm chủ tịch hội cựu TNXP xã, nhưng huyện hội không đồng ý. Vì vậy, xã phải... ký hợp đồng với một cựu TNXP để làm chủ tịch hội cựu TNXP xã”.

Được biết, do không tìm được người đủ điều kiện kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội cựu TNXP nên hiện nay 25/26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Xương không thực hiện kiêm nhiệm chức danh này. Đối với chức danh chủ tịch hội người cao tuổi cũng vậy, do đặc thù riêng của hội quy định về độ tuổi, nhiều xã không tìm được người đủ tiêu chuẩn kiêm nhiệm nên vẫn phải hoạt động riêng biệt như trước đây. Điều này cho thấy, mục tiêu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND vẫn chưa thực sự vẹn tròn.

Có phần thuận lợi hơn các đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Xương, tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) sau nhiều lần cân nhắc, thị trấn quyết định chọn cử ông Đoàn Văn Đông, phó chủ tịch hội cựu chiến binh thị trấn làm chủ tịch hội người cao tuổi. Xét về độ tuổi, ông Đông đảm nhiệm thêm chức danh chủ tịch hội người cao tuổi là hoàn toàn phù hợp, nhưng bàn về góc độ chuyên môn, cá nhân ông Đông vẫn chưa thực sự “tâm đắc” với chức danh này. Ông Đông tâm sự: “Do vừa đủ tuổi nên tôi được chọn kiêm nhiệm chủ tịch hội người cao tuổi chứ đúng ra với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, tôi phải kiêm nhiệm chủ tịch hội cựu TNXP hoặc chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vì tôi từng tham gia kháng chiến, tôi hiểu rõ về chế độ, chính sách cũng như tâm tư, nguyện vọng hội viên của 2 hội này hơn là hội người cao tuổi. Thực tế, tôi mới chỉ là hội viên người cao tuổi được một thời gian rất ngắn thì được giao kiêm nhiệm chủ tịch hội người cao tuổi nên để thấu hiểu và vận hành tốt hoạt động của hội, cá nhân tôi vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải học hỏi để thích nghi”.

Ở bất cứ giai đoạn, thời kỳ nào và thực hiện bất cứ một chủ trương, quyết sách nào, con người luôn được coi là nhân tố quyết định sự thành công. Nhưng không phải lúc nào triển khai chủ trương, quyết sách và việc lựa chọn con người để thực hiện cũng diễn ra thuận lợi. Thực trạng tại huyện Quảng Xương hay Thiệu Hóa khi thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cho thấy điều đó. Bởi thực tế việc tìm “nhân tố quyết định” - người làm công tác kiêm nhiệm sao cho phù hợp với sở trường, với năng lực chuyên môn, với độ tuổi để mang lại hiệu quả thực sự là bài toán khó. Đây cũng là trăn trở của không ít cấp ủy, chính quyền ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khi thực hiện nghị quyết trên.

“Gánh chưa đúng vai”

Do khó khăn trong việc tìm người kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đặc thù nên nhiều địa phương đã “sáng tạo”, “linh hoạt” trong việc sắp xếp vị trí kiêm nhiệm. Thế nhưng sự “sáng tạo”, “linh hoạt” này lại khiến cho nhiều người hoạt động không chuyên trách ngồi nhầm vị trí và chưa phát huy được vai trò của mình khi kiêm nhiệm. Một ví dụ điển hình đó là việc sắp xếp phó bí thư đoàn thanh niên kiêm chủ tịch hội cựu TNXP cấp xã. Đi sâu tìm hiểu từ thực tế, đặc biệt là qua ý kiến phản hồi của nhiều cán bộ, hội viên cựu TNXP thì việc làm này lại càng bất hợp lý. Theo báo cáo rà soát của Phòng Nội vụ huyện Ngọc Lặc, thực hiện Nghị quyết 232 của HĐND tỉnh, trên địa bàn huyện có 3 xã là Vân Am, Cao Thịnh và Phùng Minh đã sắp xếp, bố trí đồng chí phó bí thư đoàn xã kiêm chủ tịch hội cựu TNXP. Chị Phạm Thị Hường, sinh năm 1991, tốt nghiệp đại học lâm nghiệp chuyên ngành kinh tế và trở về địa phương làm phó bí thư đoàn xã Phùng Minh. Năm 2020, chị được giao kiêm nhiệm thêm chức danh chủ tịch hội cựu TNXP. Nếu chiếu theo Điều 7 của Điều lệ Hội Cựu TNXP Việt Nam về tiêu chuẩn và điều kiện trở thành hội viên hội cựu TNXP thì chị Hường chưa đủ tiêu chuẩn là hội viên của hội cựu TNXP vì chị chưa từng tham gia và hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đấy là chưa nói đến việc chị mới chỉ tròn 30 tuổi mà dẫn dắt một tổ chức hội có tôn chỉ, mục đích là tập hợp, đoàn kết các cựu cán bộ, hội viên TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, tiến hành các hoạt động nghĩa tình đồng đội... thì liệu công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của hội có thực sự hiệu quả!? 2 xã Cao Thịnh và Vân Am cũng trong tình trạng tương tự khi bố trí anh Lê Thành Nam (sinh năm 1992) và anh Lê Phi Toàn (sinh năm 1990) đều là phó bí thư đoàn xã kiêm nhiệm chủ tịch hội cựu TNXP. Anh Lê Phi Toàn, Phó Bí thư đoàn xã kiêm Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Vân Am, chia sẻ: “Vì chưa từng tham gia quân ngũ, lại là một cán bộ đoàn trẻ tuổi nên khi được giao kiêm nhiệm Chủ tịch hội cựu TNXP, bản thân tôi rất bỡ ngỡ và thiếu hiểu biết về lĩnh vực này. Để hoàn thành nhiệm vụ, thời gian qua tôi đã phải nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu để có thể điều hành hoạt động của hội. Biết là rất khó và “gánh chưa đúng vai” nhưng khi nhiệm vụ đã được giao thì tôi phải cố gắng hoàn thành”.

Thực trạng phó bí thư đoàn xã kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội cựu TNXP không chỉ diễn ra ở huyện Ngọc Lặc mà đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Lam, Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, cho hay: “Biết là không phù hợp nhưng do không tìm được nguồn nhân sự nên chúng tôi đành phải bố trí sắp xếp phó bí thư đoàn kiêm nhiệm chủ tịch hội cựu TNXP”. Liên quan đến việc bố trí kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội cựu TNXP tại thị trấn Thiệu Hóa, ông Phùng Ngọc Thanh, hội viên Hội Cựu TNXP thị trấn Thiệu Hóa, chia sẻ: “Từ khi anh Lê Văn Xuân, phó bí thư đoàn kiêm nhiệm chủ tịch hội cựu TNXP, hiệu quả hoạt động của hội không được như trước đây. Bởi anh Xuân tuổi đời còn rất trẻ, không thể hiểu hết được tâm tư, nguyện vọng của những người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường. Mặt khác, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của TNXP, tuổi trẻ như anh Xuân nếu không dành thời gian tìm tòi, học hỏi thì sẽ không thể nắm hết được để báo cáo hay đề xuất, kiến nghị với cấp trên”.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại các địa phương, ngoài bất cập trên thì nhiều chức danh kiêm nhiệm khác cũng được các xã, phường, thị trấn bố trí, sắp xếp chưa trúng, chưa đúng so với trình độc chuyên môn, sở trường và độ tuổi của mỗi người. Ví như phó chủ tịch hội LHPN hay phó chủ tịch hội cựu chiến binh, khuyến nông viên kiêm chủ tịch hội khuyến học; cán bộ không chuyên trách văn hóa - thông tin – tuyên truyền kiêm chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kiêm thủ quỹ UBND xã; công chức văn phòng - thống kê kiêm nhân viên thú y xã... Việc kiêm nhiệm này đã dẫn đến một “tất yếu” là việc nhiều, người ít, lại không chuyên, nhất là đối với những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó có lúc, có nơi người thực hiện chức danh kiêm nhiệm lâm vào tình trạng “làm không được, bỏ cũng không xong” – một cán bộ không chuyên trách xã Hà Châu (Hà Trung) chia sẻ.

Thực tế cho thấy, việc “gánh chưa đúng vai” đang diễn ra ở phần lớn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh khi thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ở những địa phương có lợi thế về nguồn nhân lực và việc lựa chọn đúng người, đúng việc thì quá trình thực hiện Nghị quyết 232 lại đang thể hiện rõ tính ưu việt. Anh Nguyễn Hữu Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Nhân (Quảng Xương) cho rằng: “Việc kiêm nhiệm thêm các chức danh giúp cho cán bộ trẻ được rèn luyện và năng động hơn, đáp ứng đa dạng công việc. Là phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, tôi thường xuyên đi kiểm tra theo chuyên đề tại các thôn, qua đó cũng nắm rõ được danh sách các hộ khó khăn để có kế hoạch tặng quà hoặc tặng bò giống theo chương trình của hội chữ thập đỏ. Một công đôi việc, lại đỡ tốn thời gian. Từ khi kiêm nhiệm, ngoài hoàn thành công việc của ủy ban kiểm tra, tôi đã làm tốt các công việc của hội chữ thập đỏ. Đơn cử như việc hiến máu tình nguyện năm 2020, chỉ tiêu được giao của xã Quảng Nhân là 30 đơn vị máu nhưng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và thu được 83 đơn vị máu. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhân, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, xã đã họp bàn và lựa chọn, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm các chức danh chủ tịch hội đặc thù khá phù hợp về độ tuổi cũng như trình độ chuyên môn. Phần lớn xã ưu tiên người trẻ tuổi, có năng lực, trình độ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc nhanh và hiệu quả để đảm nhiệm chức danh kiêm nhiệm. Sau một thời gian sắp xếp các chức danh kiêm nhiệm đều phát huy vai trò, hiệu quả, bộ máy hoạt động của xã giảm cồng kềnh, tinh gọn hơn so với trước đây. Đặc biệt, những người không chuyên trách kiêm nhiệm thêm các chức danh cũng được tăng thêm phụ cấp, dù không nhiều nhưng cũng tạo động lực, khuyến khích họ làm việc vì thành tích chung của tập thể, vì mục tiêu phục vụ Nhân dân”.

Cùng thực hiện Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhưng mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau trong việc lựa chọn, sắp xếp người kiêm nhiệm. Vì vậy, tính ưu việt của nghị quyết chưa được khẳng định khi nơi thuận lợi thì ít, nơi khó khăn thì nhiều. Làm thế nào để “dồn gánh” không “nặng vai” đang là trăn trở của không ít địa phương khi thực hiện.

Nhóm phóng viên

Bài 2: Để “dồn gánh” không “nặng vai”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]