(Baothanhhoa.vn) -  Về làng Giáng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc) những ngày giáp Tết, từ xa đã nghe mùi mật ngọt ấm nóng bay phảng phất khắp các ngõ trên xóm dưới, nơi đây chính là "thủ phủ" của món chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng nổi tiếng gần xa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm về "thủ phủ" chè lam, kẹo lạc xứ Thanh

Về làng Giáng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc) những ngày giáp Tết, từ xa đã nghe mùi mật ngọt ấm nóng bay phảng phất khắp các ngõ trên xóm dưới, nơi đây chính là "thủ phủ" của món chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng nổi tiếng gần xa.

Tìm về “thủ phủ” chè lam, kẹo lạc xứ Thanh

Đi từ TP Thanh Hóa theo quốc lộ 45, cách Thành Nhà Hồ 2,5 km về phía Tây Nam, làng nghề chế biến, sản xuất đặc sản chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng nằm trải dọc theo tả ngạn sông Mã.

Tên gọi của món chè lam, kẹo lạc nổi tiếng này được lấy theo tên phủ Quảng Hóa (gọi tắt là phủ Quảng). Phủ Quảng Hóa được thành lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lỵ sở của phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), phủ này được chia thành các huyện tương ứng trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, địa danh Quảng Hóa không còn tồn tại nữa.

Tìm về “thủ phủ” chè lam, kẹo lạc xứ Thanh

Theo truyền thuyết, truyền ngôn, nghề làm chè lam Phủ Quảng có thể xuất hiện từ khi Hồ Qúy Ly lên làm vua, chọn thành nhà Hồ làm kinh đô (1400).Vào thời đó chè lam thường được nấu để tiến vua, về sau dân gian nấu vào mỗi dịp lễ Tết để cúng tổ tiên và mừng gặp mặt ngày đầu xuân năm mới. Còn kẹo lạc thì không ai nhớ rõ nó có từ bao giờ, chỉ biết rằng hai thức quà này luôn đi kèm với nhau. Ngày nay, chè lam, kẹo lạc trở thành món ăn chơi thường ngày và được làm bán quanh năm.

Làng nghề Phủ Quảng có khoảng 8 hộ còn giữ nghề nấu chè lam, kẹo lạc, đa phần là những bậc cao niên trong làng. Những người trẻ dường như không còn mặn mà với cái nghề nấu chè, thắng mật của làng nữa nên sự lo lắng về tương lai của làng nghề là điều trăn trở của các bậc cao niên trong làng.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất của gia đình ông Vũ Văn Loan, người đã có hơn 40 năm làm nghề và cũng là lâu đời nhất đến hiện tại của làng. Khi chúng tôi đến, ông đang thắng từng mẻ mật trên chiếc chảo gang, còn bà Trịnh Thị Loan, vợ ông, đang ngồi đóng gói những miếng chè lam để kịp giao cho khách.

Vừa đưa tay đảo những mẻ chè lam nóng rực bên bếp lửa, ông Loan vừa tiếp chuyện với chúng tôi: Giờ còn mấy người nấu chè, làm kẹo thủ công như chúng tôi nữa, có máy móc hết rồi! Làm máy móc vừa đỡ vất vả vừa cho công suất cao. Hai ông bà chúng tôi thì giờ chỉ làm cho vui thôi, con cháu cũng không có ai theo nghề này nữa cả.

Chúng tôi chia tay gia đình ông Loan, tìm đến cơ sở sản xuất Lâm Thu, xưởng sản xuất chè lam, kẹo lạc lớn nhất tại làng Giáng. Khác với gia đình ông Loan, hầu hết các công đoạn sản xuất ở đây đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại.

Chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu cho biết: Bình thường một ngày cơ sở chỉ sản xuất khoảng 50-70kg cho mỗi loại, tuy nhiên vào những ngày lễ tết thì số lượng tăng cao, khoảng 200-300 kg. Không chỉ riêng khách trong tỉnh mà nhiều người sống ở miền Nam cũng rất ưa thích thức quà quê này.

Tìm về “thủ phủ” chè lam, kẹo lạc xứ Thanh

Khi được hỏi về lí do tại sao ở nhiều nơi cũng có chè lam, kẹo lạc thế nhưng thương hiệu chè lam,kẹo lạc Phủ Quảng lại nổi tiếng đến vậy, cả ông Loan và chị Thu đều chia sẻ: Làng làm nghề lâu đời, có kinh nghiệm và bí quyết riêng, mật mía được lấy ở huyện Thạch Thành, nơi được coi là đất mía của tỉnh nên có vị ngọt đậm và sóng sánh hiếm có. Ở đâu kẹo lạc, chè lam mềm dẻo, óng nâu chứ ở Phủ Quảng kẹo lạc, chè lam phải cứng giòn và vàng ươm thì mới được coi là ngon miệng, đẹp mắt.

Ông Lê Văn Thọ, chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Thành cho biết: Hiện nay xã cũng đã có những phương án hỗ trợ và phát triển làng nghề cũng như thương hiệu chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng, góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của xã Vĩnh Thành cũng như huyện Vĩnh Lộc đến với người dân trong và ngoài tỉnh.

Ngồi uống trà, nhâm nhi vài thanh chè lam, kẹo lạc Phủ Quảng thì chẳng còn gì khoan khoái hơn. Vị chan chát của trà, vị ngọt sắc của chè lam, kẹo lạc hòa vào nhau tạo nên một thứ vị rất lạ vừa thanh tao lại vừa dân dã như chính vùng đất và con người ở nơi đây.

Nguyễn Thoa


Nguyễn Thoa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Tùng Nguyễn - 12:58 28/05/19

 Trả lời

Chè Lam chỉ hợp cho những người còn trẻ, răng tốt vì loại kẹo này cứng quá

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]