(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa xứ Thanh có thể ví như tấm gương phản ánh chiều sâu văn hóa Việt Nam - nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc và các giá trị nhân văn sâu sắc. Song, để nền văn hóa ấy phát huy vị thế và thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, hay nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển giàu đẹp, văn minh, thì còn nhiều vấn đề cần đặt ra và giải quyết. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa - nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển giàu đẹp!

Văn hóa xứ Thanh có thể ví như tấm gương phản ánh chiều sâu văn hóa Việt Nam - nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc và các giá trị nhân văn sâu sắc. Song, để nền văn hóa ấy phát huy vị thế và thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, hay nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển giàu đẹp, văn minh, thì còn nhiều vấn đề cần đặt ra và giải quyết. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Văn hóa - nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy Thanh Hóa phát triển giàu đẹp!

Lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Lê Dung

Vị thế xứ Thanh “Địa linh - nhân kiệt”!

Phóng viên: Xứ Thanh được Bác Hồ gọi là “đất văn vật”; còn một học giả phương Tây lại nhấn mạnh đây là “sân khấu của những bản anh hùng ca”. Những nhận định trên phải chăng có cơ sở vững chắc từ truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm của mảnh đất này, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Khẳng định vị thế của Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc, Nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, đã viết: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho (...) Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”! Nếu lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một thiên trường ca vĩ đại, thì mảnh đất xứ Thanh đều góp mặt ở những chương hào hùng nhất.

Từ thời Tiền sử cho đến tận ngày nay, dấu ấn xứ Thanh in đậm với những cái tên nổi tiếng di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong, văn hóa Đa Bút, văn hóa Hoa Lộc và đặc biệt là văn hóa Đông Sơn. Đến thời đại Hồ Chí Minh, các thế hệ người dân xứ Thanh đã sáng tạo, trao truyền di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, giàu có và đậm đà bản sắc. Trong đó, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - di tích kiến trúc quân sự có giá trị cao đã làm rạng rỡ thêm kỷ nguyên xây dựng chế độ phong kiến Việt Nam; Lam Kinh - kinh đô tưởng niệm của nhà Lê, đất dựng cơ nghiệp của vua Lê Thái tổ; dấu tích kinh đô Vạn Lại - Yên Trường của nhà Lê ở thế kỷ XVI... là những cái tên nổi bật. Bởi “địa linh” ắt sinh “nhân kiệt”, nên xứ Thanh là một trong những cái nôi đã sinh ra và tôi luyện nên nhiều nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử dân tộc, như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Thánh tông...

Đúng như nhận định của học giả phương Tây: “Xứ Thanh là sân khấu của những bản anh hùng ca”. Trên mảnh đất này, cách đây gần 1.800 năm (năm 248), cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã khiến “toàn thể Châu Giao đều chấn động”. Đồng thời, với vị trí chiến lược trọng yếu, Thanh Hóa từng được Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và vua tôi Nhà Trần chọn làm căn cứ chống kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, từ núi rừng Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa, phá tan ách đô hộ nhà Minh và xây dựng nên một trong những triều đại phát triển rực rỡ bậc nhất của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam; các Chúa Nguyễn với công lao mở mang bờ cõi nước Việt; rồi Ba Đình - căn cứ Cần Vương chống Pháp đã đi vào lịch sử. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; hay những cuộc chiến oanh liệt trên tuyến lửa Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Thanh Hóa cũng có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Phóng viên: Bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử - với vai trò, ý nghĩa vừa là tấm gương phản chiếu chiều sâu quá khứ, vừa là điểm tựa, động lực cho phát triển - đang được hậu thế trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng, cùng những tinh hoa di sản văn hóa đã được cha ông ta vun đắp, trao truyền; các thế hệ người dân xứ Thanh hôm nay đang ra sức kế thừa và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa - lịch sử ấy, nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho mọi sự phát triển.

Trước hết, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Do đó, cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di sản; tỉnh ta cũng đã chú trọng đưa di sản đến gần cuộc sống và trở thành một nguồn lực cho phát triển thông qua con đường du lịch. Đến nay, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt đền Lê Hoàn, Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, hang Con Moong... đã và đang được đầu tư nguồn kinh phí lớn để bảo tồn và dần trở thành những trọng điểm du lịch của tỉnh.

Toàn tỉnh có trên 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 707 di tích cấp tỉnh; 11 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hàng trăm lễ hội lớn nhỏ và kho tàng dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho Nhân dân; mà còn quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa. Đồng thời, là nền tảng cho việc định hình các chuẩn mực văn hóa chung cho cả cộng đồng; cũng như xây dựng các sản phẩm văn hóa mới vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc và có sức lan tỏa, thấm sâu vào đời sống.

Phóng viên: Thanh Hóa là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Vậy vì sao trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần đặt vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Thanh Hóa như một yêu cầu vừa có tính tất yếu - cấp bách, vừa mang tính lâu dài - bền vững, thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Xã hội Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, đang trong quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp; từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chính sự biến chuyển sâu sắc, toàn diện, với tốc độ nhanh chóng, đã và đang khiến cho hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ. Đồng thời, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng đã và đang làm thay đổi hệ giá trị văn hóa và con người, dưới nhiều dạng và mức độ khác nhau. Trong đó, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng đã có sự thay đổi nhất định về nội dung và phương thức biểu hiện, như tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, yêu nước... Đồng thời, có sự suy giảm hoặc thay đổi mức độ cao - thấp ở một số giá trị truyền thống; thậm chí, một số giá trị vốn được xem là cơ bản nhất của con người Việt Nam, như bản tính cần cù, tiết kiệm, khiêm tốn, giản dị, chung thủy... có lúc, có nơi đang bị suy thoái. Ngoài ra, sự xuất hiện của những giá trị mới, có tính phổ quát trên thế giới như dân chủ, tự do, pháp quyền, bình đẳng, thịnh vượng... cũng đang được định hình trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Do đó, vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đang đặt ra vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Song, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn tổng thể, bao quát, toàn diện và mang tính hệ thống. Đó là vừa khơi dậy và khai thác được tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; vừa tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa trên thế giới, nhằm tạo nên những giá trị mới – chuẩn mực mới tiến bộ, văn minh.

Tạo nền tảng cho phát triển

Phóng viên: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Vậy, để văn hóa thấm sâu vào đời sống và tạo ra điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi sự phát triển, theo ông, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức và có những hành động cụ thể ra sao?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Có thể nói, sau 23 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI), nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, sự phát triển của văn hóa vẫn chưa tương xứng với truyền thống, tiềm năng và chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế.

Chính vì lẽ đó, để văn hóa thấm sâu vào đời sống và tạo ra điểm tựa tinh thần vững chắc cho mọi sự phát triển, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI). Qua đó, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh hay tiền đề vững chắc, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giáo dục nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời, hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng và phát triển con người một cách toàn diện; lên án mạnh mẽ và quyết tâm đẩy lùi các biểu hiện phản văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu; tích cực bảo vệ, khuyến khích, nhân rộng cái tốt, cái thiện, các giá trị nhân văn, thuần phong mỹ tục trong đời sống xã hội...

Phóng viên: Con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực của mọi sự phát triển. Vậy, để xây dựng và hoàn thiện con người cả về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn; lẫn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, theo ông chúng ta cần những giải pháp hay cách làm phù hợp nào?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Với quan điểm gắn kết các giá trị truyền thống và hiện đại, những phẩm chất “người Thanh Hóa” mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng là “yêu quê hương, yêu nước, trí tuệ, năng động, sáng tạo, trung thực, hợp tác, trách nhiệm, hào hiệp, nhân ái, thanh lịch” và “trách nhiệm, nghĩa vụ cộng đồng xã hội, nghĩa vụ quốc tế, ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái”... Muốn vậy, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để chủ thể văn hóa là người Thanh Hóa nhận thức đầy đủ, sâu sắc các giá trị truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, nhận ra những hạn chế trong lối sống, cách ứng xử để từng bước khắc phục. Cùng với đó là thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá các giá trị truyền thống tốt đẹp của người Thanh Hóa; đặc biệt là đưa việc giáo dục truyền thống vào chương trình ngoại khóa trong các nhà trường, để từ đó nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi người đối với sự phát triển quê hương. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng các danh hiệu văn hóa, các danh hiệu cá nhân kiểu mẫu, tập thể kiểu mẫu; trong đó, chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực để các thế hệ con cháu học tập, noi gương...

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, cần có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho công tác giáo dục đào tạo, thu hút nhân tài, an sinh xã hội, thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa... Đồng thời, tập trung các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững, nhân văn. Từ đó, tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện cả về phẩm chất đạo đức và trí tuệ, năng lực của người Thanh Hóa.

Phóng viên: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã đề ra mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về văn hóa, thể thao, du lịch.

Theo ông, định hướng này có ý nghĩa ra sao đối với sự nghiệp phát triển văn hóa ở tỉnh ta hiện nay và trong tương lai?

Ông Phạm Nguyên Hồng: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về văn hóa, thể thao, du lịch như tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW, không chỉ là mục tiêu mà còn là sự định hướng mang tính chiến lược đối với sự nghiệp phát triển văn hóa tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay.

Trên quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW và các chỉ thị, nghị quyết liên quan, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực trí tuệ và vật chất, nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu “Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống và tạo bước đột phá trong phát triển toàn diện tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của vùng đất địa linh nhân kiệt; với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của đồng bào các dân tộc, tin chắc rằng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có được động lực mạnh mẽ để phát triển và sớm trở thành tỉnh văn minh, giàu đẹp - một “Tỉnh kiểu mẫu” như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Dung (thực hiện)


Lê Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]