(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò của văn hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và có thể “hòa tan” các nền văn hóa vào “biển hội nhập”, thì càng phải lấy văn hóa là cái gốc căn bản, là nền tảng tinh thần vững chắc để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ như lời khẳng định của Tổng Bí thư: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”!

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài cuối): “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò của văn hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và có thể “hòa tan” các nền văn hóa vào “biển hội nhập”, thì càng phải lấy văn hóa là cái gốc căn bản, là nền tảng tinh thần vững chắc để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ như lời khẳng định của Tổng Bí thư: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”!

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài cuối): “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!Chương trình nghệ thuật tại lễ đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền Bà Triệu (năm 2023). Ảnh: Khôi Nguyên

“Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất”

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (diễn ra ngày 24-11-2021), dưới sự chứng kiến của đông đảo đại biểu là các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ..., Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, mang tính định hướng chiến lược cho công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đồng thời nhấn mạnh: “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Vốn dĩ, “lịch sử văn hóa của một dân tộc là lịch sử tinh thần và tâm hồn của dân tộc đó”; vì vậy, từ nhấn mạnh của Tổng Bí thư có thể thấy, văn hóa được “chưng cất” từ chiều sâu lịch sử thành các giá trị “tinh hoa”, “tinh túy” nhất và thấm đẫm trong đời sống và là thước đo của hạnh phúc và phẩm giá con người. Như nhận định của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thì con người sáng tạo ra văn hóa và đến lượt nó, văn hóa đào luyện và hoàn thiện nhân cách, phẩm giá con người. Trong “dòng sông văn hóa” mà con người sống - hoạt động sáng tạo như một sự lựa chọn giá trị, con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đã chọn dòng trong chứ không chọn dòng đục. Cũng bởi, đạo đức là cốt lõi của văn hóa. Do đó, lòng vị tha, nhân ái, khoan dung trong phẩm chất, đặc tính con người Việt Nam đã làm cho tính dân tộc và khuynh hướng dân tộc hóa của văn hóa Việt Nam là tốt đẹp và tích cực. Nó xa lạ, không có một chút gì chung với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, vị kỷ. Khoan dung, bao dung, độ lượng của con người Việt Nam vừa là đạo đức vừa là chính trị và hợp lại thành ra văn hóa - một nền văn hóa dân chủ như một đặc tính, một nền văn hóa bao dung (biết chấp nhận, biết chia sẻ, biết đồng cảm, rộng lượng) như một giá trị và một thế ứng xử.

Điểm lại một cách khái quát nhất các giai đoạn phát triển của văn hóa dân tộc, gắn với các mốc lịch sử quan trọng trước và sau Cách mạng Tháng Tám; kháng chiến chống thực dân Pháp; xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà ở miền Nam; giai đoạn bản lề chuyển từ chiến tranh sang hòa bình (1975-1985); và đặc biệt là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Tổng Bí thư nhấn mạnh: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đặc biệt, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra Đề cương về Văn hóa Việt Nam, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)” và chủ trương phát triển văn hóa theo ba hướng: dân tộc - khoa học - đại chúng. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp Nhân dân phát huy vai trò của văn hóa, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945.

Đồng thời, dẫn ra lời sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và CNXH; Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Và đặc biệt, nhắc lại lời kêu gọi thiết tha, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”, Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định, lời của Bác đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hóa Việt Nam!

“Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia”

Khẳng định, đề cao và coi trọng văn hóa, đặc biệt là các tinh hoa giá trị và phẩm giá con người; cũng như tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. Trong đó, một hạn chế, yếu kém được nhắc đến nhiều lần là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)...

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài cuối): “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!Diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Mường trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Khôi Nguyên

Do đó, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, gắn với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Tổng Bí thư đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, “khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất.

Đồng thời với đó là tập trung xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Để “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội”, Tổng Bí thư chỉ ra rằng, phải khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Đồng thời, như Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cho nên công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa phải có phẩm chất chính trị, mà còn phải có trình độ chuyên môn, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp Nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia; trong đó, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi đó là tài sản vô cùng quý báu do cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Và rằng “chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Có một “chân lý” đã được lịch sử và thực tiễn kiểm chứng, rằng muốn đất nước độc lập, tự cường, tự chủ, thì trước tiên phải có một nền văn hóa độc lập, phát triển mạnh mẽ, một nền văn hóa không chỉ tạo nên một nền tảng tinh thần vững chắc, mà còn là động lực - nguồn lực tạo ra các giá trị vật chất to lớn để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững trên nền tảng của sức mạnh nội sinh văn hóa. Văn hóa Việt Nam - nền văn hóa lấy hồn cốt và cốt cách, sinh khí và bản sắc từ truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc để khẳng định tinh thần dân tộc, ý thức và bản lĩnh dân tộc, trí tuệ và phẩm giá dân tộc. Tinh thần dân tộc và tâm hồn dân tộc chân chính ấy chói sáng ở lòng yêu nước, ở chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn có từ trong truyền thống hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là sức sống bất diệt, là hằng số của dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chính vì vậy, phân tích để làm sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị cả về lý luận và thực tiễn từ bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, là nhiệm vụ đã và đang đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Trong đó, chú trọng xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó phát triển công nghiệp văn hóa phải trở thành làm nòng cốt để dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm và góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Chú trọng chăm lo đội ngũ văn nghệ sĩ và nhất là khơi dậy ý thức trách nhiệm, nguồn nội lực trong Nhân dân - với vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa - trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặt niềm tin rằng, “với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc”; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công cuộc chấn hưng văn hóa sẽ “tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Khôi Nguyên

Tin liên quan:
  • Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài cuối): “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!
    Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 2): Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ...

    Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Do đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

  • Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài cuối): “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!
    Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 1): Khơi dậy và phát huy giá trị ...

    Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]