(Baothanhhoa.vn) - Có thể nói, phong cách hay dấu ấn riêng của mỗi họa sĩ đều được định hình nên bởi bút pháp cá nhân. Với họa sĩ Lê Mai, ông đã chọn cho mình một thể loại bút pháp mà rất ít người theo đuổi, đó là tranh bút sắt. Bằng nét vẽ tinh tế, điêu luyện, ông đã khắc họa thành công các mảng đề tài chiến tranh cách mạng, chân dung cuộc sống, đặc biệt là làng quê Việt Nam được coi là chủ đạo trong các bức vẽ của ông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tranh bút sắt của họa sĩ Lê Mai

Có thể nói, phong cách hay dấu ấn riêng của mỗi họa sĩ đều được định hình nên bởi bút pháp cá nhân. Với họa sĩ Lê Mai, ông đã chọn cho mình một thể loại bút pháp mà rất ít người theo đuổi, đó là tranh bút sắt. Bằng nét vẽ tinh tế, điêu luyện, ông đã khắc họa thành công các mảng đề tài chiến tranh cách mạng, chân dung cuộc sống, đặc biệt là làng quê Việt Nam được coi là chủ đạo trong các bức vẽ của ông.

Tranh bút sắt của họa sĩ Lê Mai

Họa sĩ Lê Mai vẫn miệt mài vẽ tranh bút sắt.

Từ người lính đến người cầm bút

Họa sĩ Lê Mai sinh ra và lớn lên ở làng Phượng Vỹ, xã Quảng Lĩnh, nay là xã Tiên Trang (Quảng Xương). Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu vẽ. Sau khi học xong Trung cấp Lâm nghiệp Thanh Hóa những năm 1966-1969, về công tác ở Ty Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) được 2 năm, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1976, ông ra quân về công tác tại Công ty Mỹ thuật Thanh Hóa, rồi về Nhà Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh). Đến năm 1978, khi Tổ quốc gọi tên, ông lại tiếp tục khoác ba lô lên đường tham gia chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Nam và phía Bắc. Năm 1982, ông ra quân và gắn bó với bút vẽ cho đến bây giờ.

Trong những năm tháng tham gia chiến đấu, ông từng công tác ở Phòng Tham mưu Lữ đoàn 219 Công binh thuộc Quân đoàn 2 đóng ở Bình Trị Thiên. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ can vẽ bản đồ quân sự để giúp trinh sát đi thực tế. Ông đã dùng cây bút sắt và lọ mực Cửu Long màu đen để vẽ. Những nét vẽ đầu tiên xuất hiện trong tranh của ông chính là những bức ký họa bộ đội đang hành quân ra trận, hay chỉ là một vài trận đánh... nhưng đã tái hiện chân thực hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, tinh thần chiến đấu, sự hy sinh quả cảm của quân đội ta trên các chiến trường. Tiêu biểu như các bức ký họa “Đánh chiếm thành Huế 1968”, “Bao vây căn cứ Thượng Đức 1974”, “Khe Sanh đường 9”, “Đặc công mở cửa”, “Sải bước Trường Sơn”, “Phút cuối tại cửa ngõ Sài Gòn”... Thời gian này, ông còn ký họa các chân dung lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phi-đen Cát-xtơ-rô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hay chân dung nhà thơ Hữu Loan, anh hùng Núp... Những bức tranh ấy có khi được ông vẽ một cách trực quan sinh động, có khi là ngồi hình dung nhớ lại rồi mới vẽ. 12 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường đã mang lại cho ông nhiều chất liệu phong phú để sáng tác. Gắn bó với cây bút sắt, họa sĩ Lê Mai coi đó như vũ khí thứ hai của mình để ghi lại những khoảnh khắc chân thực, những ký ức hào hùng của lịch sử, qua đó động viên tinh thần cách mạng, khích lệ ý chí chiến đấu của các chiến sĩ khi ra trận. Đó cũng là cách mà họa sĩ Lê Mai bày tỏ lòng tri ân với những người đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Bút sắt là loại bút có quản gỗ hay nhựa; ngòi sắt, đồng hay thép. Trong mỹ thuật, tranh bút sắt là một thể loại đồ họa, dùng bút sắt chấm mực vẽ lên giấy. Bút sắt tạo ra các nét mực rõ ràng, với hai mảng màu đen, trắng. Muốn diễn tả cho sâu và phong phú, người họa sĩ phải biết phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nét nhạt và nét đậm. Không màu mè, hoa mỹ, cây bút sắt nhỏ gọn, mảnh mai nhưng đã làm nên giá trị của một nhân cách không lẫn với ai. Khi ngòi bút càng mài càng sắc thì những nét vẽ của ông cũng ngày càng trở nên điêu luyện, tinh tế hơn. Lê Mai trở thành một họa sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ, bởi cái lạ và cái hiếm mà người xem cảm nhận thấy trong các bức tranh bút sắt của ông. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, ông là một trong số ít người cho đến bây giờ vẽ tranh bút sắt lâu năm nhất và cũng là người có số lượng tranh bút sắt nhiều nhất. Quả đúng như vậy, cái nhất ở đây thiết nghĩ chính là những con số: Hơn 50 năm cầm bút và khoảng 700 bức ký họa tranh bút sắt ở các mảng đề tài.

Người lưu giữ “Mảnh hồn làng”

Sinh ra từ làng quê và trở về cũng chỉ gắn bó với làng quê, trước sau như một, “Mảnh hồn làng” luôn là đề tài xuyên suốt nghiệp của họa sĩ Lê Mai. Như lời ông đã tự bạch:“Quê hương như chiếc bát pha lê/ Chiến tranh làm vỡ tung ngàn mảnh/ Tôi là một trong muôn ngàn mảnh ấy/ Văng ra khắp nẻo đất trời”. “Mảnh hồn làng” cũng là đề tựa duy nhất cho 5 cuộc triển lãm của cá nhân ông trong những năm gần đây.

Bên cạnh đề tài chiến tranh cách mạng, chân dung con người, họa sĩ Lê Mai đặc biệt khắc họa thành công mảng đề tài làng quê Việt Nam. Tình yêu quê hương tha thiết đã hun đúc cho ông có được cảm hứng sáng tác bất tận. Đó là những bức ký họa: “Sân kho hợp tác những năm 60”, “Cổng làng”, “Nhớ cây đu đủ làng xưa”, “Nắng cửa rừng”, “Cầu ao của mẹ và em”, “Chiếc công nông trong mùa gặt”, “Đường về xứ Thanh”, “Nắng chiều Hoằng Hóa”... Phần lớn trong tranh của họa sĩ Lê Mai, phong cảnh làng quê Việt luôn gợi lên da diết, gần gũi, mộc mạc, thân thương. Đó là hình ảnh những cánh đồng mùa gặt, những túp nhà tranh, cây mít sau vườn, cây gạo đầu làng, con trâu đi cày, con đò bến sông, giếng nước, hàng cau, cái nơm, cái chum... Tất cả đều đi vào tranh bút sắt của họa sĩ Lê Mai như những báu vật của làng, khơi gợi ký ức một thời gian khó nhưng chan chứa tình yêu thương con người trong mối quan hệ cộng đồng, chòm xóm. Điều ấy nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn hướng về quê hương, cội nguồn dân tộc trong cái thuở đầu đời. Đặc biệt, xuất hiện nhiều trong các bức tranh bút sắt của ông là hình ảnh những đống rơm, tựa như thân phận người nông dân lúc bấy giờ, lam lũ, chịu thương, chịu khó, song vẫn luôn hiên ngang, đoàn kết, nương tựa vào nhau mỗi khi gặp nguy nan.

Tựu chung, dù là ở mảng đề tài nào, tranh bút sắt của họa sĩ Lê Mai cũng đánh thức những giác quan, cho người xem những cảm xúc rung động khó tả. Bức tranh nào cũng có hồn và chất chứa, lắng đọng dư vị của thời gian và không gian. Khi chia sẻ nỗi đau với những người lính bị thương trong chiến trận, khi da diết thương nhớ làng quê vào mỗi trời chiều, khi vui mừng cùng những người nông dân được mùa, khi lại xao xuyến trước vẻ đẹp của những cô gái làng Chuông tay thoăn thoắt đan nón...

Một lần tình cờ, họa sĩ Lê Mai gặp nhà sưu tầm tranh Trần Anh Tuấn ở Hà Nội. Như gặp được bạn tri kỷ, ông liền mời Trần Anh Tuấn về nhà xem tranh. Ngỡ ngàng và thán phục trước tài năng thiên phú của ông, Trần Anh Tuấn ngỏ ý muốn có các bức tranh để trưng bày tại bảo tàng tư nhân của mình ở TP Hồ Chí Minh. “Của cho không bằng cách cho”, nghĩ vậy ông liền sẵn lòng hiến tặng cho bảo tàng của Trần Anh Tuấn khoảng 300 bức tranh, trong đó chủ yếu là tranh bút sắt. Không chỉ hiến tặng cho bảo tàng, tranh của ông còn góp mặt tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Ở cái tuổi gần 80, cho dù hội họa đã mở rộng ra nhiều trường phái, song họa sĩ Lê Mai vẫn thủy chung với cây bút sắt và kiên trì theo đuổi bút pháp mà ông đã chọn. Dẫu đã bước qua thăng trầm của cuộc đời, người họa sĩ tài năng của xứ Thanh vẫn lạc quan, tin tưởng: “Tôi vẫn là tôi, vẫn một con người/ Vẫn một tình yêu quê hương, đất nước/ Vẫn cầm bút mà tha hồ ca hát/ Hát bài ca - trong vắt “Mảnh hồn làng”.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]