(Baothanhhoa.vn) - Khi lật giở từng trang giấy trong tập sách ảnh mới nhất của NSNA Trần Đàm, mỗi người hẳn sẽ có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, có một suy nghĩ, cảm xúc chung nhất là sự yêu mến, cảm phục thì không của riêng ai. Yêu mến những chân dung - số phận - con người từ muôn mặt cuộc sống cùng nhau hiện diện qua những khuôn hình. Và hơn hết, độc giả cảm phục, trân trọng những cống hiến, sức sáng tạo, lao động nghệ thuật bền bỉ của người NSNA đã ở tuổi “bát thập đắc hi hỉ”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của NSNA Trần Đàm: Bình dị và cao cả trong những khuôn hình đen – trắng

Khi lật giở từng trang giấy trong tập sách ảnh mới nhất của NSNA Trần Đàm, mỗi người hẳn sẽ có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, có một suy nghĩ, cảm xúc chung nhất là sự yêu mến, cảm phục thì không của riêng ai. Yêu mến những chân dung - số phận - con người từ muôn mặt cuộc sống cùng nhau hiện diện qua những khuôn hình. Và hơn hết, độc giả cảm phục, trân trọng những cống hiến, sức sáng tạo, lao động nghệ thuật bền bỉ của người NSNA đã ở tuổi “bát thập đắc hi hỉ”.

Tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của NSNA Trần Đàm: Bình dị và cao cả trong những khuôn hình đen – trắng

NSNA Trần Đàm trò chuyện, chia sẻ về tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” với độc giả. Ảnh: CTV

"Bát thập đắc hi hỉ” – cái tuổi đã được xếp vào hàng “xưa nay hiếm”. Ấy vậy mà, nay đây mai đó, hết ngược non ngàn, vào tận bản, làng hoang sơ lại xuống đồng sâu, biển cả, người ta thường thấy NSNA Trần Đàm “đăng đàn” facebook khoe đang check–in ở “một nơi xa”. Nghĩa là trong lòng người nghệ sĩ ấy vẫn hừng hực khí thế, vẫn say mê sáng tác, vẫn mong mỏi được đi và viết, chụp ảnh... Dường như, việc đi – viết – chụp ảnh đã trở thành chuỗi hoạt động không thể tách rời cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ đa–zi–năng ấy.

Từ những ngày là Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thọ Xuân, NSNA Trần Đàm đã bén duyên với nghề viết, chụp ảnh. Sau đó, ông trải qua nhiều vị trí chủ chốt công tác của Báo Thanh Hóa và được điều chuyển sang làm Giám đốc Nhà in Báo Thanh Hóa (nay là Công ty CP In Báo Thanh Hóa). Sau một thời gian dài gắn bó với nghề báo, khi về nghỉ hưu, ông tiếp tục theo đuổi hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh và sáng tác văn học.

Nhiều người đã từng hỏi ông: Báo chí – nhiếp ảnh – văn học, đâu là “ngôi nhà” mà ông cảm thấy yêu thích, tâm đắc nhất. Ông bảo: “Đã là nhà thì ở đâu cũng là niềm yêu thích. Mỗi “ngôi nhà” cho ông một trải nghiệm khác nhau nhưng tựu chung lại, đích đến cuối cùng vẫn là niềm vui, hạnh phúc, thăng hoa trong sáng tạo, cảm xúc và thỏa mãn niềm đam mê”. Chỉ tính riêng những thành công của ông trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng đủ để thấy ông đã nỗ lực phấn đấu, “cháy” hết mình với nghệ thuật – niềm đam mê như thế nào. Đến nay, NSNA Trần Đàm đã cho ra mắt bạn đọc 17 cuốn sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam, 5 triển lãm ảnh cá nhân, hơn 200 tác phẩm ảnh được triển lãm trong nước và quốc tế...

“Chân dung cuộc sống” là tập sách ảnh mới nhất của NSNA Trần Đàm cho ra mắt công chúng. Cũng như nhiều tác phẩm ảnh trước đó, NSNA Trần Đàm chinh phục bạn đọc bởi sự chặt chẽ về bố cục, điêu luyện trong cách xử lý ánh sáng, tinh tế trong từng đường nét, màu sắc... Ai đó đã từng nói rằng: Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, bố cục, đường nét. Và NSNA Trần Đàm vẫn luôn là người thăng hoa trong “cuộc chơi” này. Bên cạnh những thành công ấy, điểm đặc sắc, nổi bật làm nên ấn tượng, khác biệt của tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống”, chính là ở cảm xúc – cảm xúc của chính tác giả và cảm xúc mà tác giả mang lại cho công chúng qua từng bức ảnh.

Tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của NSNA Trần Đàm: Bình dị và cao cả trong những khuôn hình đen – trắng

Tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của NSNA Trần Đàm. Ảnh: N.L

“Chân dung cuộc sống” – ngay từ tựa đề tập sách đã phần nào cho thấy mạch nguồn cảm xúc, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Cuộc sống là muôn mặt đời thường, từ nét đẹp giản dị, chân thực, gần gũi cho đến những điều cao cả, lớn lao. Nhiều khi, những vẻ đẹp ấy không có sự tách biệt, không rạch ròi phân chia ranh giới mà hòa quyện vào nhau trong cùng một con người - cuộc đời. Xuất phát từ những chiêm nghiệm, nhìn nhận cuộc sống sâu sắc, đa chiều như thế, NSNA Trần Đàm xây dựng bố cục tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” với 3 phần: phần I - Mẹ Việt Nam Anh hùng; phần II - Hiền tài là nguyên khí quốc gia; phần III - Những gương mặt đời thường.

Phần I của cuốn sách ảnh tập hợp chân dung những người Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Thanh Hóa – hình mẫu tiêu biểu, hội tụ đầy đủ phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, biểu tượng cao đẹp về đức hy sinh, khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Kể làm sao đặng sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những người mẹ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Đứng trước mẹ - trước nỗi đau – sự hy sinh, mất mát của mẹ, ống kính của người NSNA chớp sáng trong từng nỗi nghẹn ngào, niềm yêu mến, cảm phục, trân trọng, biết ơn.

Mỗi bức ảnh - mỗi con người - cuộc đời - số phận khác nhau. Những con người ấy tựa hồ như những thanh âm da diết, ngân nga, dìu dặt trong bản nhạc mang tên: “Huyền thoại mẹ”. Bởi cảm xúc, tình cảm chan chứa, dạt dào nên những bức ảnh chân dung về Mẹ Việt Nam Anh hùng qua ống kính của NSNA Trần Đàm để lại trong ta nhiều ấn tượng: Đó là cái hồn, câu chuyện ẩn chứa sau mỗi bức ảnh; những nếp nhăn trên gương mặt mẹ hiện rõ, là dấu vết của thời gian, tuổi tác và cả những đau thương, mất mát mẹ chôn chặt trong lòng... Và điều khiến chúng ta khắc ghi mãi là ánh mắt, nụ cười của mẹ sao đôn hậu, gần gũi đến thế!

NSNA Trần Đàm chân thành chia sẻ: Ai cũng có mẹ. Mẹ chúng ta mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Đất nước có giặc ngoại xâm mẹ tiễn các con lên đường đánh giặc. Chồng con ra đi không bao giờ trở về. “Ba lần tiễn con đi, mẹ khóc thầm lặng lẽ”. Mẹ luôn làm tròn nghĩa vụ của người ở hậu phương tiếp lương, tải đạn ra tiền tuyến. Đất nước giải phóng, Tổ quốc hoàn toàn độc lập tự do. Mẹ đã lưng còng tóc bạc, thương chồng nhớ con nằm lại chiến trường. Bây giờ mẹ đã chín mươi, một trăm tuổi có lẻ. Cuộc đời mẹ chỉ còn như chiếc bóng. Tôi lần tìm, ghi lại hình ảnh mẹ để mẹ còn mãi...

Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian lao của dân tộc, mảnh đất xứ Thanh có 4.625 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đến nay chỉ có 111 mẹ còn sống. Nhằm tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của các mẹ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dẫu biết ống kính vẫn chưa thể ghi hết được nhưng qua từng bức ảnh, từng gương mặt – chân dung với đôi dòng “căn cước” là tất cả “tấm lòng chân kính” của NSNA Trần Đàm dành cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng - các mẹ Việt Nam của chúng ta. Gấp tập sách lại, lòng chúng ta mãi thao thiết gọi tên các mẹ: mẹ Lê Thị Dung (sinh năm 1928, TP Sầm Sơn), mẹ Bùi Thị Miện (sinh năm 1933, xã Thạch Sơn, Thạch Thành), mẹ Dương Thị Nhuận (sinh năm 1916, phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa), mẹ Nguyễn Thị Thông (sinh năm 1924, huyện Nông Cống), mẹ Lang Thị Noọng (sinh năm 1922, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), mẹ Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1926, xã Hà Tân, huyện Hà Trung)...

Nếu phần I – Mẹ Việt Nam Anh hùng khiến mỗi người trào dâng niềm yêu thương, trân trọng, tri ân sâu sắc thì cảm hứng từ các bức ảnh chân dung về “hiền tài” – nguyên khí quốc gia (phần II) và “những gương mặt đời thường” (phần III) mang lại là niềm yêu mến, tự hào. Đó là chân dung những con người mà ống kính của NSNA Trần Đàm may mắn, tình cờ bắt gặp, ghi lại. Dẫu chỉ một phần nhỏ nhoi trong muôn hình vạn trạng con người đã và đang cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước nhưng thông qua những “gương mặt” ấy, NSNA Trần Đàm muốn truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp “sống đẹp”, “sống có ý nghĩa” đến mọi người.

NSNA Trần Đàm đã rất tinh tế khi lựa chọn gam màu chủ đạo cho tập sách ảnh mới nhất của mình là đen – trắng. Không cầu kỳ, kiểu cách, nét đẹp, chiều sâu, giá trị đến từ những điều cơ bản nhất, chân thực nhất. Vì cơ bản nên chân thành, gần gũi. Vì chân thực mà sống động. Người thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh chân dung, ngoài những kỹ năng nghề nghiệp, phải là người có trái tim biết rung cảm, sẻ chia. Có như vậy, mỗi chớp sáng mới đủ sức nắm bắt, truyền tải được “cái hồn” của bức ảnh – nhân vật. Vượt lên trên giá trị nghệ thuật, tập sách ảnh “Chân dung cuộc sống” của NSNS Trần Đàm hàm chứa thông điệp, giá trị nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình đời – tình người.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]