(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 2 năm “đóng băng” vì dịch COVID-19, đến nay các sân khấu truyền thống đã bắt đầu “sáng đèn” trở lại. Nhằm thích ứng với tình hình mới, các đơn vị nghệ thuật đang nỗ lực khôi phục hoạt động biểu diễn, xây dựng chiến lược hoạt động mới để thu hút và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Sân khấu truyền thống nỗ lực trở lại trạng thái “bình thường mới”

Sau gần 2 năm “đóng băng” vì dịch COVID-19, đến nay các sân khấu truyền thống đã bắt đầu “sáng đèn” trở lại. Nhằm thích ứng với tình hình mới, các đơn vị nghệ thuật đang nỗ lực khôi phục hoạt động biểu diễn, xây dựng chiến lược hoạt động mới để thu hút và đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Sân khấu truyền thống nỗ lực trở lại trạng thái “bình thường mới”Chương trình nghệ thuật “Thanh Hóa - mạch nguồn thiêng liêng, nơi hội tụ hồn sông núi” do các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng, biểu diễn, tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc đợt 1 - năm 2021 đạt 4 HCB và 2 HCĐ.

Sân khấu dần “hồi sinh”

Dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến cho không ít đơn vị nghệ thuật chưa kịp “hồi” lại đã tiếp tục chới với. Sân khấu “đóng băng”, các đơn vị nghệ thuật không thể tổ chức biểu diễn, đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên vì thế cũng trở nên khó khăn. Và, dù muốn hay không, việc giảm lương, chấm dứt hợp đồng với diễn viên, nghệ sĩ cũng đã diễn ra. Đến nay, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới”, với hy vọng “sáng đèn”, nhiều sân khấu truyền thống đã từng bước khôi phục hoạt động biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên nhanh chóng trở lại với nhiều vở diễn mới để đem đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa, giải trí hữu ích. NSƯT Vũ Trọng Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, chia sẻ: Mặc dù hoạt động biểu diễn đã trở lại bình thường, nhưng với nghệ thuật biểu diễn thì đây lại là lúc cần phải có sự thay đổi tư duy về làm nghệ thuật. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Do đó, nhà hát đặc biệt chú trọng đến việc dàn dựng các vở diễn, đào tạo đội ngũ viết kịch bản sân khấu một cách bài bản; đồng thời, xây dựng các vở diễn mới, tránh sự nhàm chán và quảng bá sân khấu một cách sâu rộng hơn. Vừa qua, vở diễn “Vầng sáng” do đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tham gia dàn dựng và biểu diễn tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại Hải Phòng (từ ngày 5 đến 17-11), đã xuất sắc giành HCĐ. Tiếp đó, chương trình nghệ thuật “Thanh Hóa - mạch nguồn thiêng liêng, nơi hội tụ hồn sông núi” cũng do các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tham gia dàn dựng, biểu diễn tham dự Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc đợt 1 - năm 2021, giành được 4 HCB và 2 HCĐ. Đây chính là sự kiện đánh dấu “màn trở lại” ấn tượng của nhà hát.

Trong giai đoạn khó khăn, không có nguồn thu, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn vừa gồng mình lo các khoản chi trả nội bộ, vừa tìm hướng hoạt động để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả. NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, tâm sự: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên gần như các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đều không có đất diễn, buộc họ phải tìm cách xoay sở thêm với nghề khác để có thu nhập. Nhưng không vì thế mà niềm đam mê với nghề của họ bị “dập tắt”. Các nghệ sĩ, diễn viên vẫn luôn trau dồi kỹ năng diễn xuất và chuẩn bị những kịch bản hay để thu hút khán giả chờ đến khi được “sáng đèn” trở lại. Công cuộc chống dịch COVID-19 được xác định còn kéo dài, vì thế, các loại hình biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch. Do đó, nhà hát đã chủ động xây dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch COVID-19, như các tiểu phẩm “Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch”, “Vững chốt”, “Những tấm lòng nhân ái”, “Thần dược chống COVID-19”... Hy vọng rằng, qua những đợt “gồng mình” vượt khó này, sân khấu sẽ một lần nữa khắc phục những điểm yếu nội tại để trở lại mạnh mẽ, thu hút khán giả hơn.

Hướng đến chiến lược mới

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc đưa nghệ thuật phục vụ khán giả thông qua kênh truyền hình được coi là giải pháp hữu hiệu. Dù chưa thực sự phổ biến nhưng thời gian gần đây, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã chuyển hướng thành công, nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo khán giả. NSƯT Vũ Trọng Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, cho rằng: Sân khấu truyền hình không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp “đóng băng”; mà là xu thế mới để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả; đồng thời tạo cơ hội để nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, thể hiện niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch COVID-19. Trên thực tế, từ tháng 8-2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nhà hát đã sáng tác 6 ca khúc, 6 điệu múa, 2 vở kịch ngắn và 2 tiểu phẩm về chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 và phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, đã thu hút được lượng khán giả xem rất đông và cũng được đánh giá cao. Bởi vậy, thời gian tới nhà hát sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phục vụ phát sóng trên truyền hình.

Cùng chung ý tưởng, thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống đã đẩy mạnh hoạt động sáng tác, biểu diễn qua kênh truyền hình để thu hút khán giả. NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, chia sẻ: Việc phát sóng trên kênh truyền hình được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn, thể hiện tính chuyên nghiệp và có sức lan tỏa mạnh hơn tới nhiều tầng lớp khán giả. Có thể ví các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trực tuyến giống như một liều “vaccine tinh thần” vừa tạo động lực, tiếp sức cho các nghệ sĩ, diễn viên; vừa tăng thêm “đề kháng” cho Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch. Bởi vậy, nhiều tháng nay, nhà hát đã và đang tích cực sáng tác các tiểu phẩm về công tác phòng chống dịch, tất cả được quay và phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Cùng với đó, nhà hát đang phối hợp với các trường học để tổ chức giảng dạy nghệ thuật truyền thống, với mục tiêu là đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với các em học sinh.

Trước những thách thức, khó lường của dịch bệnh, các nhà hát, đơn vị hoạt động nghệ thuật quyết tâm tiếp cận hướng đi mới thông qua kênh truyền hình. Sự chuyển hướng đó, không chỉ giúp thỏa mãn ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sĩ; mà còn lan tỏa những thông điệp sâu sắc về sự chung tay của toàn xã hội trong công tác phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]