(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, lễ mừng thọ cho các bậc cao niên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp được tổ chức trang trọng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Với làng rèn Tất Tác xưa (nay là xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc), lễ rước thọ hay còn gọi là “khao lão”, “rước lão” diễn ra vào đầu xuân năm mới là dịp để tôn vinh, chúc thọ các cụ cao niên trong nghề rèn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rước Thọ - hội xuân độc đáo ở làng rèn Tất Tác

Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, lễ mừng thọ cho các bậc cao niên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp được tổ chức trang trọng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Với làng rèn Tất Tác xưa (nay là xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc), lễ rước thọ hay còn gọi là “khao lão”, “rước lão” diễn ra vào đầu xuân năm mới là dịp để tôn vinh, chúc thọ các cụ cao niên trong nghề rèn.

Rước Thọ - hội xuân độc đáo ở làng rèn Tất Tác

Sân đình rộng rãi, thoáng đãng của làng Sơn là nơi diễn ra các trò chơi, trò diễn dân gian trong ngày lễ rước thọ xưa. Ảnh: Hoài Anh

Làng rèn Tất Tác là cái tên quen thuộc mà người dân địa phương vẫn thường gọi. Trước kia, Tất Tác gồm ba làng: Tất Tác Sơn, Tất Tác Ngọ và Tất Tác Bùi. Cả ba làng đều lấy chữ Tất Tác đặt trước thể hiện sự gắn bó máu thịt, niềm tự hào và lòng chung thủy với nghề rèn. Ngày nay, xã Tiến Lộc mở rộng và phát triển thành 5 thôn: Sơn, Ngọ, Bùi, Thị Trang và Xuân Hội. Nhân dân xã Tiến Lộc từ xa xưa sống bằng hai nghề chính là làm ruộng và nghề rèn. Theo truyền khẩu của các bậc cao niên làng Sơn (làng chuyên về kỹ thuật rèn), ngày xưa nghề rèn được trân trọng lắm - là tổ nghề của mọi loại nghề. Bởi ít có nghề nào lại không phải nhờ thợ rèn trang bị dụng cụ chuyên dụng bằng sắt thép để hành nghề. Vì thế thời ấy, nghề rèn được xem là nghề cao quý, cũng là nghề duy nhất không phải đóng thuế.

Vào dịp đầu xuân năm mới, ở cả 3 làng Tất Tác Sơn, Tất Tác Ngọ và Tất Tác Bùi đều long trọng tổ chức lễ “rước thọ” cho các cụ cao niên trong nghề rèn, vừa thể hiện truyền thống trọng đạo, hiếu nghĩa, vừa là để tôn vinh nghề rèn cao quý. Ngày vào hội, làng trên, xóm dưới ai ai cũng náo nức, hân hoan, khắp nơi rợp sắc đỏ, sắc vàng của cờ quạt, võng lọng, trướng đối, xiêm y... tưng bừng, náo nức đón xuân, cung nghinh các cụ cao niên vào tuổi thọ.

Trong cuốn “Một số điểm đến du lịch, lễ hội và làng nghề Thanh Hóa” của tác giả Nguyễn Hữu Ngôn (Nhà Xuất bản Thanh Hóa - 2015) có đoạn: “... Người làng rèn Tất Tác một năm làm quần quật trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng bao giờ cũng có ý thức tích lũy tiền để mừng thọ cho ông bà, bố mẹ. Tùy theo gia cảnh mà làm to làm nhỏ, mời đông hay mời ít, và có quà mừng chúc tụng. Nhà giàu có mời cả phường bát âm, mời cả gánh ca trù về hát chúc thọ, nhà bình thường cũng có trướng thêu, giấy điều viết lời mừng. Sáng mùng Mười theo lệ chung của làng, gia đình có người được rước thọ làm lễ khao làng. Lễ tùy tâm chứ không phải mâm cao cỗ đầy, trọng lời chúc ca, tiếng thơ, tiếng nhạc. Khi ấy ngoài đình chung đã rợp cờ hoa, lọng vàng lọng tía, trống chiêng náo nức, người đi rước thọ người đi xem chờ sẵn ở các nẻo đường và cùng hòa nhập vào hàng rước thọ”.

Có mặt tại đình làng Sơn, ông Trịnh Văn Thuận (74 tuổi, làng Sơn, xã Tiến Lộc) giới thiệu cho chúng tôi từng vị trí trong ngôi đình xưa, nơi diễn ra các thủ tục trong lễ rước thọ. Ông bồi hồi nhớ lại: “Người dân làng rèn Tất Tác 50 tuổi đã bắt đầu vào “làng lão” nhưng 60 tuổi mới bắt đầu được tổ chức “rước lão”. Vào ngày rước thọ, làng sẽ cử 4 cụ đứng đầu 4 giáp (trong số 12 con giáp), cùng với cụ lý trưởng và nam thanh nữ tú khiêng võng lọng vào tận nhà “rước lão” ra đình làm lễ. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà tổ chức mâm lễ to hay nhỏ, nhưng khi nào trong mỗi gia đình cũng có sẵn rượu, thịt. Ngoài mâm lễ Thành hoàng làng, con cái trong gia đình cần đem theo 5 - 7 quan tiền để sau khi lễ xong sẽ tung ra sân cho các cháu nhỏ nhặt, gọi là “ban lộc”, “cho tuổi”. Thầy cúng trong làng sẽ làm lễ cúng cho cụ nhiều tuổi nhất đến cụ ít tuổi nhất trong số người được rước lão. Xong xuôi mọi thủ tục, mọi người sẽ ngả bàn tiệc để cùng hưởng lộc. Cũng trong ngày rước thọ, sau khi hành lễ, hưởng lộc xong, tại sân đình sẽ diễn ra các trò chơi, trò diễn dân gian ngày xuân như: đu tiên, đu dây, kéo co, đánh cờ, hát bài chòi... và thường kéo dài cho đến cuối ngày.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, lễ rước thọ, tưng bừng, náo nhiệt của người dân Tất Tác xưa giờ chỉ còn lại trong trí nhớ của các bậc cao niên như một ký ức đẹp. Bước vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, ở huyện Hậu Lộc cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, lễ “rước thọ” còn được gọi là lễ mừng thọ đã thu về phạm vi gia đình, dòng họ. Vào đầu xuân, thường là vào ngày mùng 4 tết, tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sẽ tổ chức trao giấy mừng thọ và quà của Hội Người cao tuổi Việt Nam cho các bậc cao niên.

Ông Vũ Hoài Sơn, cán bộ văn hóa - xã hội xã Tiến Lộc, cho biết: Đến nay lễ rước thọ các cụ làng rèn vẫn được các bậc cao niên nhắc lại như một nét đẹp văn hóa của người dân làng rèn Tất Tác xưa. Cho đến nay, lễ hội rước thọ đã giảm bớt nghi lễ, thay đổi cả về nội dung và hình thức, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước. Song với những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có, người dân xã Tiến Lộc rất mong muốn được khôi phục lại lễ rước thọ xưa. Tuy nhiên, việc phục dựng và thực hành như thế nào để vừa giữ được ý nghĩa, bản sắc văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với văn hóa - xã hội hiện tại, rất cần có sự vào cuộc của ngành văn hóa các chuyên gia và các bên liên quan. Chỉ như vậy, lễ hội mới thật sự phát huy được giá trị, ý nghĩa trong đời sống cộng đồng.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]