(Baothanhhoa.vn) - “Sẽ là một thất bại nếu công tác quy hoạch đô thị không góp phần tạo ra nguồn lực để phát triển, không tạo ra nét đẹp riêng, có “cá tính”, mang tính cạnh tranh cao bởi sự năng động. Với lợi thế tiềm năng, Sầm Sơn cần phải có tầm nhìn chiến lược, tạo được dấu ấn riêng, sắc thái văn hóa riêng và phát triển bền vững theo hướng sinh thái” - Ths, kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa phân tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển bền vững đô thị du lịch biển Sầm Sơn - trăn trở của một chuyên gia quy hoạch

“Sẽ là một thất bại nếu công tác quy hoạch đô thị không góp phần tạo ra nguồn lực để phát triển, không tạo ra nét đẹp riêng, có “cá tính”, mang tính cạnh tranh cao bởi sự năng động. Với lợi thế tiềm năng, Sầm Sơn cần phải có tầm nhìn chiến lược, tạo được dấu ấn riêng, sắc thái văn hóa riêng và phát triển bền vững theo hướng sinh thái” - Ths, kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa phân tích.

Cửa sông Đơ - nơi đang có 1 dự án du lịch - đô thị lớn triển khai xây dựng.

Cái nhìn từ lợi thế tiềm năng

Sầm Sơn - đô thị du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, gắn với vùng biển giàu cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây cũng chính là một trong những lợi thế của Thanh Hóa trong chương trình phát triển kinh tế biển - một chiến lược quan trọng cho phát triển toàn diện hiện tại và tương lai. Qua lĩnh vực du lịch - ngành công nghiệp không khói, từ trước đến nay, Sầm Sơn đã được coi là một trong những cực động lực tăng trưởng của tỉnh. Chỉ nhìn riêng từ góc độ quy hoạch, động lực ấy còn được tiếp thêm sức mạnh khi các công trình kiến trúc của Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn ra đời. Theo kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, vấn đề quản lý, phát triển Sầm Sơn cần phải tiếp tục thực hiện theo đúng giá trị của không gian ven biển, đó chính là tài nguyên và là động lực cho phát triển đô thị giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Để đô thị biển Sầm Sơn phát huy vai trò lớn trong quá trình phát triển chung của Thanh Hóa, trước hết, cần xác định được cái riêng của đô thị này so với những đô thị biển khác trong cả nước. Từ đó, xác định hướng phát triển đặc thù, lành mạnh, có tính thời đại, hướng tới mai sau. Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, đầu tiên, phải phát huy được lợi thế từ văn hóa bản địa cùng với sự tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa. Chính yếu tố văn hóa - lịch sử đã tạo nên những nét đặc trưng của con người xứ Thanh nói chung, con người Sầm Sơn nói riêng nên cần phát huy được những giá trị tốt đẹp của người dân bản địa để làm du lịch.

Gần đây, sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cũng chính là cú hích để Sầm Sơn tận dụng cho phát triển đô thị, sau đó là phát triển kinh tế. Có thể thấy rõ nhất là những con đường, những khu đô thị mới, các dự án du lịch đang ngày càng nở rộ tại Sầm Sơn. Đơn cử như tại phường Quảng Cư, những bãi cát ít dấu chân người, những bờ cây bụi rậm chỉ cách đây hơn 5 năm, thì nay đã được thay thế bằng hàng loạt quần thể công trình kiến trúc, đường giao thông đã làm thay đổi diện mạo cho cả vùng Bắc Sầm Sơn. Kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng nếu được gắn với quy hoạch hợp lý sẽ chắp cánh cho sự phát triển bền vững ở đô thị du lịch biển này.

Ngoài việc gần các tuyến đường sắt, đường bộ, đường hàng không nối với các vùng miền trong nước và quốc tế, thời gian tới, lợi thế lớn của Sầm Sơn sẽ là tuyến đường giao thông ven biển nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Hồng. Tỉnh Thanh Hóa cũng như TP Sầm Sơn nên xây dựng ngay lộ trình kết nối để tạo lợi thế mới cho Sầm Sơn. Từ cung đường đang dần hiện hữu, cần gắn Sầm Sơn và các điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa với các miền di sản các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nối gần đỉnh thiêng Yên Tử với Ngàn Nưa huyền thoại; dẫn đường từ nhà Trần kiêu hùng đến xứ sở của vua Lê, chúa Trịnh; để tiếng hát của dòng sông Hồng và dòng sông Mã cùng hòa nhịp...

Cần những giải pháp dài hơi

Các lợi thế nói trên của Sầm Sơn phần đa còn ở dạng tiềm năng, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. “Giữ gìn quá thì không phát triển, phát triển quá nhanh cũng dễ mất đi hoặc làm biến dạng hệ sinh thái nội ngoại vùng. Đô thị Sầm Sơn đang được xây dựng dài hơn, rộng hơn, nhưng cần phải vươn tới sự hoàn thiện, đồng bộ. Vấn đề là phải tăng cường quản lý công tác quy hoạch của chính quyền địa phương. Nên tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia vào công tác kiểm soát phát triển...” - kiến trúc sư Huy Văn chia sẻ. Dưới cái nhìn của Viện phó Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa, linh hồn của Sầm Sơn chính là bãi tắm và bãi cát thoai thoải, tiếp theo mới là cảnh quan tự nhiên, kỹ năng phục vụ và sau đó mới đến không gian đô thị. Do vậy, bằng mọi giá phải giữ được môi trường an toàn sinh thái biển, môi trường sống đô thị du lịch, điều kiện tự nhiên của sông Mã... Yêu cầu đặt ra là, mọi sự phát triển của Sầm Sơn phải gắn với mô hình đô thị sinh thái biển. Theo đó, các chức năng của đô thị phải cần được phát triển hài hòa với tự nhiên, đạt được sự cân bằng động của hệ sinh thái biển.

Khi đã có định hướng thì mọi công tác quy hoạch - xây dựng đô thị - du lịch Sầm Sơn cần lưu ý đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, Sầm Sơn nằm trong vành đai nhiệt đới, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới mỗi năm. Hiện tượng sạt lở (nhất là tại vùng biển Quảng Cư) và bồi lắng vẫn đang diễn ra... Do đó, việc xây dựng phát triển các công trình du lịch, các khu vui chơi cần tính toán để phù hợp với điều kiện địa hình, hướng gió, dòng chảy, sự bồi lấp tự nhiên... Các công trình ven biển cũng cần tính đến yếu tố nước biển dâng, bảo đảm tính sử dụng khi khí hậu thay đổi. Nhiều dự án du lịch có vốn đầu tư lớn đang được xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng tại: Ven biển cồn Hới, trên núi Trường Lệ, ven cửa sông Đơ... đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu mới có sự phát triển bền vững được.

Một vấn đề khác cần quan tâm là làm thế nào để điều hòa, cân bằng được lợi ích của 2 thành phần dân cư cơ bản khác nhau trong cùng một không gian đô thị: Cư dân bản địa sống ổn định có nhu cầu mưu sinh và cư dân du lịch luôn biến động với nhu cầu sinh hoạt - nghỉ ngơi - vui chơi giải trí. Đã có thời gian, hoạt động buôn bán, chèo kéo, hay thái độ của một bộ phận người dân địa phương không đúng mực đã làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của Sầm Sơn. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai thành phần dân cư này, công tác quy hoạch cũng có vai trò nhất định nếu xây dựng được phần cảnh quan liên kết hay còn gọi là vùng đệm sinh thái đô thị.

“Sầm Sơn đang có nhiều cơ hội phát triển, song cũng tồn tại nhiều thách thức. Cần phát triển đúng hướng của một đô thị sinh thái biển, nếu không, mọi cố gắng để phát triển của đô thị này đều trở nên vô nghĩa trong xu thế của tương lai” - kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn nhận định.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]