(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví sách là kho tàng văn hóa nhân loại thì thư viện chính là một trong những cầu nối quan trọng góp phần tôn vinh, lan tỏa, rút ngắn khoảng cách giữa kho tàng quý giá ấy với con người. Nhận thức được điều ấy, trong những năm qua, cùng với Thư viện tỉnh Thanh Hóa, hệ thống thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện

Nếu ví sách là kho tàng văn hóa nhân loại thì thư viện chính là một trong những cầu nối quan trọng góp phần tôn vinh, lan tỏa, rút ngắn khoảng cách giữa kho tàng quý giá ấy với con người. Nhận thức được điều ấy, trong những năm qua, cùng với Thư viện tỉnh Thanh Hóa, hệ thống thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin của người dân.

Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện

Thư viện Sầm Sơn ngày càng thu hút được đông đảo bạn đọc với đa dạng, phong phú thành phần, lứa tuổi đến đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin.

Được thành lập từ tháng 5-1982, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi, hiện nay, Thư viện Sầm Sơn thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn (số 20 Nguyễn Du, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn). Thư viện Sầm Sơn có chức năng, nhiệm vụ xây dựng, lưu trữ, sử dụng sách, báo; phục vụ nhu cầu đọc sách, ấn phẩm báo chí cho bạn đọc trên địa bàn TP Sầm Sơn; phát triển văn hóa đọc, góp phần tạo ra môi trường học tập cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; luân chuyển sách, báo và các tài liệu có liên quan đến hệ thống thư viện trường học và các xã, phường trong địa bàn...

Trước đây, hoạt động của Thư viện Sầm Sơn gặp nhiều khó khăn do thường xuyên phải thay đổi địa điểm làm việc, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thư viện Sầm Sơn được quan tâm đầu tư, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị thêm máy tính; các dữ liệu sách, báo được lưu trữ bằng file và theo dõi qua máy tính... Nhằm đa dạng, phong phú các đầu sách phục vụ bạn đọc, hằng năm, Thư viện Sầm Sơn được cấp kinh phí dành riêng cho việc nhập thêm các đầu sách mới. Cùng với đó, Thư viện tỉnh Thanh Hóa cử cán bộ xuống hỗ trợ công tác thống kê, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống sách theo đầu mục, hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn thư viện quốc gia.

Trên trang fanpage của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn thường xuyên có các bài viết, phóng sự tuyên truyền, giới thiệu về Thư viện Sầm Sơn, đưa các hoạt động của thư viện đến gần hơn với bạn đọc. Tại fanpage, thư viện đã xây dựng và duy trì tốt chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách”. Đây là chuyên mục thiết thực, ý nghĩa, là cầu nối giữa tác phẩm với độc giả, giới thiệu nhiều cuốn sách bổ ích, hay về Sầm Sơn và nhiều lĩnh vực khác như: “Lễ hội văn hóa ba miền”, “Đảo hoang”, “Linh tích Sầm Sơn”, “Văn phạm tiếng Việt”...

Nhờ những nỗ lực đó, trên hành trình 40 năm xây dựng và phát triển, Thư viện Sầm Sơn ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp quan trọng trong phong trào học tập và xây dựng văn hóa đọc của TP Sầm Sơn. Hiện nay, thư viện có 3.000 bạn đọc thường xuyên và không thường xuyên, có khoảng 15.000 đầu sách ở các lĩnh vực: tin học, triết học, tôn giáo, khoa học, công nghệ, nghệ thuật, văn học, lịch sử, địa lý... Ngoài ra, còn có 15 ấn phẩm báo chí phục vụ nhu cầu của độc giả ở mọi lứa tuổi. Hàng năm, thư viện đều có kế hoạch bổ sung lượng sách mới để phục vụ nhu cầu đọc, tham khảo và tra cứu thông tin của độc giả. đến với Thư viện Sầm Sơn, độc giả có thể tìm thấy nhiều cuốn sách tư liệu về lịch sử, văn hóa, địa lý, về mảnh đất, con người Sầm Sơn.

“Thư viện là nơi lưu giữ, truyền bá, cung cấp kiến tri thức của nhân loại. Đây cũng là nơi phản ánh văn hóa, mức độ quan tâm đến tri thức của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, TP Sầm Sơn rất quan tâm đến công tác đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện. Mục tiêu là xây dựng một thư viện mới khang trang, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia” – bà Cao Thị Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn chia sẻ.

Không chỉ riêng Thư viện Sầm Sơn, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng hệ thống thư viện công cộng đã và đang có nhiều nỗ lực, phấn đấu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, như: tăng cường, đổi mới hình thức tuyên tuyền, quảng bá; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tặng thẻ bạn đọc miễn phí cho một số đối tượng; luân chuyển sách, báo đến thư viện trường học, điểm bưu điện, phòng đọc sách báo làng; thường xuyên bổ sung, làm phong phú nguồn tư liệu...

Theo thống kê của Thư viện tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 9–2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 27 thư viện nằm trong Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch của 27 huyện, thị xã, thành phố; gần 300 thư viện cấp xã, phường, thị trấn... Cùng với sự ra đời của Luật Thư viện – hành lang pháp lý quan trọng, hệ thống thư viện cấp huyện, thị, thành phố ở tỉnh ta đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư. Các thư viện đều có trụ sở hoạt động, có trang thiết bị hoạt động như: giá sách, tủ sách, bàn ghế, tủ thư mục. Bình quân mỗi thư viện có từ 10.000 - 20.000 bản sách, phần lớn các thư viện đã có phòng đọc đa phương tiện - truy cập internet... “Nhìn chung, hệ thống thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố đã và đang có sự khởi sắc hơn, thu hút được đông đảo bạn đọc gồm nhiều thành phần, lứa tuổi..., từ đó góp phần lan tỏa, truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, từ đó hình thành và phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập suốt đời, nâng cao dân trí, xây dựng con người xứ Thanh toàn diện, hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ, chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước” – ông Lê Thiện Dương – Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh Thanh Hóa nhận định.

Trên con đường đổi mới ấy, bên cạnh những thuận lợi, hệ thống thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Sự bùng nổ thông tin, nhịp sống đô thị hóa, hiện đại hóa khiến việc thu hút bạn đọc đến với thư viện, nhất là thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế. Những khó khăn về vật chất, nguồn tư liệu, đặc biệt là nguồn nhân lực cũng là “rào cản” đối với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện cơ sở.

“Sách, báo là giá trị, sản phẩm văn hóa không gì có thể thay thế được; thư viện là cánh cửa quan trọng để con người kết nối với nguồn tri thức, tinh hoa văn hóa nhân loại ấy. Tuy nhiên, trong xu hướng xã hội tri thức mở như hiện nay, thư viện muốn tồn tại và phát triển được thì nhất định phải có sự đổi mới mạnh mẽ, tích cực hơn nữa” – ông Dương nhận định. Quá trình đổi mới ấy cần phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chuẩn nghiệp vụ thư viện, kinh phí hoạt động... Bên cạnh đó, các thư viện cũng cần nỗ lực, quyết tâm, năng động, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, kết nối với bạn đọc, ứng dụng công nghệ thông tin...

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]