(Baothanhhoa.vn) - Không biết tự bao giờ, tiếng chuông từ những ngôi đền đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân đất Việt. Xung quanh những ngôi đền ấy là cả kho tàng huyền thoại về những vị thần được người dân tôn sùng, thờ phụng. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, cha ông ta xưa kia đã kể lại những câu chuyện về những vị thần có công phò vua, giúp nước đánh giặc và giữ yên đời sống cho dân lành. Đó là những vị thần hộ quốc an dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vị thần hộ quốc an dân ở Thanh Hóa

Không biết tự bao giờ, tiếng chuông từ những ngôi đền đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của người dân đất Việt. Xung quanh những ngôi đền ấy là cả kho tàng huyền thoại về những vị thần được người dân tôn sùng, thờ phụng. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, cha ông ta xưa kia đã kể lại những câu chuyện về những vị thần có công phò vua, giúp nước đánh giặc và giữ yên đời sống cho dân lành. Đó là những vị thần hộ quốc an dân.

Du khách tham quan đền Độc Cước (TP Sầm Sơn). Ảnh: Khôi Nguyên

Nơi đầu tiên chúng tôi tìm về là đền Đồng Cổ ở xã Yên Thọ (Yên Định). Đây là một trong những di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Những câu chuyện về thần Đồng Cổ có công phò Vua, giúp nước được lưu truyền trong dân gian từ xa xưa đến tận ngày nay.

Đền Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương, đến thời Lý đền được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh đền được xây dựng khang trang, to đẹp hơn... Đền thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê - chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước...”.

Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, là vị thần được thờ ở ngôi đền nằm bên chân núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), thuộc Bộ Cửu Chân (đất Thanh Hóa ngày nay). Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương”.

Có lẽ, tại xứ Thanh, cũng như trong cả nước, hiếm có công trình kiến trúc tâm linh nào mà các truyền thuyết xung quanh nó lại gắn với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thù trong giặc ngoài xuyên suốt nhiều triều đại như đền Đồng Cổ.

Trải qua nhiều triều đại, thần Đồng Cổ đều có công giúp Vua đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn. Cũng bởi vậy, qua các triều đại, đền Đồng Cổ đã được bảo tồn, trùng tu tôn tạo.

Đền Đồng Cổ đã tồn tại hàng nghìn năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hầu hết các hạng mục công trình đã bị đổ nát. Năm 2008, đền Đồng Cổ đã được tôn tạo lại bề thế, khang trang hơn. Ở vị trí trang trọng của tiền đường ngày nay có treo bức hoành phi với bốn chữ lớn “Đồng Cổ bản triều”, mang ý nghĩa đây là ngôi đền thờ thần Đồng Cổ gốc trong cả nước. Xung quanh hai bên ban thờ, có đặt 4 cây “hoa nơm”- tượng trưng cho tấm áo bào của thần Đồng Cổ.

Cũng theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ, vị thần linh thiêng từng giúp vua chiến thắng ngoài mặt trận chống xâm lăng. Thần thường báo mộng cho nhà vua biết để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước. Cho nên chỉ nước ta mới có đền thờ vị thần này và cũng vì thế, mà chỉ ở nước ta mới có cổ vật trống đồng. Điều đặc biệt ở đền Đồng Cổ là trống đồng được đặt ở vị trí trang trọng trong cả tiền đường, trung đường và hậu cung. Hình ảnh trống đồng - đỉnh cao của văn minh Âu Lạc, qua truyền thuyết dân gian đã trở thành thứ vũ khí mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, giúp cha ông chống lại thù trong giặc ngoài. Hàng ngàn năm đã trôi qua, thần Đồng Cổ đại vương vẫn được người dân gửi gắm niềm tin và coi trống đồng là linh vật quý.

Những huyền thoại về các vị thần hộ quốc an dân ở Thanh Hóa đều hấp dẫn và gắn với những giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ đền Đồng Cổ Yên Định, chúng tôi tiếp tục về với thành phố biển Sầm Sơn để nghe câu chuyện về thần Độc Cước. Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông. Một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường. Từ trong bụng người mẹ đó sinh ra cậu bé khôi ngô, chẳng bao lâu sau đã trở thành một chàng trai vạm vỡ, sức khỏe phi thường. Cũng vào thời điểm này xuất hiện một loài thủy quái thường ăn thịt ngư chài mỗi khi ra biển và vào làng sát hại dân lành. Để diệt thủy quái, chàng trai đã dùng thanh kiếm sắc rạch thân mình ra làm hai: Một nửa cùng ngư dân ra khơi đánh cá, nửa còn lại đứng ở đầu dãy núi Trường Lệ canh giữ làng quê. Nhớ ơn chàng, dân làng xây đền thờ trên núi Trường Lệ, gọi là đền Độc Cước.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Thần Độc Cước đã đi vào đời sống tâm linh như một biểu tượng về lòng dũng cảm, tinh thần hiếu nghĩa, sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước. Thần đã được các triều đại ban sắc phong “Thượng đẳng Phúc Thần”, được nhân dân bốn mùa cúng tế.

Tương truyền, vua Trần Thánh Tông cùng các tướng lĩnh trong một lần đi chống giặc ngoại xâm, khi qua vùng biển xinh đẹp này thì trời đã quá khuya. Nhà vua cho thuyền neo đậu, nghỉ lại đây. Đêm yên tĩnh, chỉ có ánh trăng như dát bạc phủ khắp mặt biển. Nhà Vua nằm mộng thấy có một vị thần bán thân, tay cầm cây búa, dáng uy nghi vững chãi. Vị thần nói với nhà Vua: “Ta là thần Độc Cước cai quản vùng biển này, nay biết vua tôi trên đường đi giết giặc ta muốn giúp một tay”. Vua Trần giật mình tỉnh giấc, nhìn ra bốn bề chỉ thấy một ngôi miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đầu ngọn núi. Nhà Vua thầm hứa: “Nếu mai này thắng giặc trở về ta nhất định sẽ xây dựng lại ngôi đền”. Và quả nhiên năm ấy Nhà Trần đã đánh thắng quân Nguyên Mông. Giữ lời hứa và cũng là lòng cảm tạ, nhà vua ban sắc phong cho thần Độc Cước đồng thời cho xây dựng lại ngôi đền.

Do sự tôn vinh của nhân dân từ thuở xa xưa, đền Độc Cước nổi tiếng linh thiêng. Người đi biển mỗi khi gặp hiểm nguy thường khấn vái thần phù trợ. Thuyền chiến của các triều Lý, Trần, Lê hành binh ngang qua đây đều đem lễ vật dâng lên.

Trên đỉnh hòn Cổ Giải vẫn còn một tảng đá có vết lõm tựa dấu bàn chân người kích thước lớn, tục truyền đó chính là dấu chân thần Độc Cước đứng đó, ngày đêm để giữ yên biển biếc và làng quê thân yêu của mình.

Ngoài thần Đồng Cổ và thần Độc Cước, Thanh Hóa còn rất nhiều vị thần, vị thánh có công hộ quốc an dân, được nhân dân lập đền thờ phụng. Đó có thể là những đấng siêu nhiên xuất hiện trong thần thoại, biểu tượng sức mạnh cộng đồng và tinh thần đoàn kết của con người, được huyền thoại hóa thành nhân vật vĩ đại trong trí tưởng tượng của dân gian. Cũng có thể là một bậc vĩ nhân có thật trong cuộc sống, do nhân dân ngưỡng mộ mà được thần thánh hóa. Dù là thiên thần hay nhân thần, thì sự xuất hiện của họ trong đời sống tâm linh chính là biểu trưng tinh thần hộ quốc an dân, luôn tồn tại trong tâm tưởng của cha ông. Bởi vậy, hầu hết các nhân vật được nhân dân thần thánh hóa đều gắn với những câu chuyện chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn, giúp đỡ nhân dân chống thiên tai, khai khẩn đất đai lao động sản xuất, dựng ấp lập làng, xây dựng cuộc sống bình yên. Huyền thoại về những vị thần hộ quốc an dân được truyền lại qua nhiều đời phản ánh ước mơ, khát vọng và sức mạnh vĩ đại của người xưa trong công cuộc đấu tranh chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt, chống giặc ngoại xâm. Đó là biểu tượng của tinh thần xả thân bảo vệ quê hương, đất nước của cha ông từ hàng ngàn năm trước. Đó cũng là câu chuyện của ý chí đoàn kết, bảo vệ độc lập chủ quyền vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay.


Minh Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]