(Baothanhhoa.vn) - Năm ngoái, họa sĩ Lê Mai nói với tôi, năm 2017 tôi sẽ tập trung cho bảo tàng tư nhân của một doanh nhân trong TP Hồ Chí Minh. Giọng ông thật hăm hở và khẩn trương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những mảnh vỡ hồn làng

Năm ngoái, họa sĩ Lê Mai nói với tôi, năm 2017 tôi sẽ tập trung cho bảo tàng tư nhân của một doanh nhân trong TP Hồ Chí Minh. Giọng ông thật hăm hở và khẩn trương.

Nhà xưa xứ Thanh Ảnh: L.T.L

Một doanh nghiệp kinh doanh Sâm Ngọc Linh đã mua toàn bộ tranh về nông thôn của Lê Mai để đưa vào bảo tàng tư nhân của ông ta. Đầu năm nay, 2018, gặp tôi ở cuộc gặp đầu năm các văn nghệ sĩ và Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội, Lê Mai lại hồ hở nói, tháng 8 sẽ tổ chức triển lãm tranh bút sắt lần thứ 5 của Lê Mai. Tôi bắt tay anh: Chúc anh tổ chức triển lãm thành công!

Đúng như kế hoạch, ngày 31-8-2018, triển lãm Lê Mai được tổ chức tại 16 Ngô Quyền – Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Không khí thật vui và náo nhiệt. Hoa và rượu, bánh và quả mùa thu. Bạn bè ríu rít chúc mừng anh, một họa sĩ tóc đã hoa râm mà sinh khí vẫn trẻ trung. Bác Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội mang hoa đến. Anh em chúng tôi trong ban liên lạc văn nghệ sĩ - nhà báo đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội: Nghệ sĩ Nhân dân Tâm Chính, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Công Thắng, nhà thơ Nguyễn Thành Tâm, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, nhà văn Phạm Hoa... đều có mặt. Họa sĩ Lê Mai, nghiêm chỉnh trong bộ đồ quân phục cựu chiến binh. Vợ anh cũng nghiêm chỉnh trong bộ đồ nữ cựu chiến binh. Anh chị thật vui và hạnh phúc.

Tôi đã xem qua một lượt các tranh mới vẽ. Những tranh bút sắt nhưng cách thể hiện đã khác trước. Chất thơ nhiều hơn, chất “nhà quê “ nhiều hơn, chất lính vẫn như xưa. Lê Mai tâm sự: “... Lần này tôi trưng bày 41 tranh bút sắt, 70% là đề tài nông thôn và 30% là hình ảnh người lính. Đời tôi, một đời người hai đời lính, vẫn một đề tài về làng quê thân yêu. Ba chữ Mảnh hồn làng là tất cả những gì tôi còn lại. Tôi đã triển lãm 5 lần và đều là tranh bút sắt. Cả cuộc đời tôi có tranh sơn dầu và tranh áp phích nhưng vẫn yêu thích tranh bút sắt hơn... Một nhà sưu tập lớn của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã lưu giữ 300 tranh của tôi. Tôi rất tự hào là tranh của tôi đã lọt vào mắt xanh của ông. Ông ta có đến 4 héc ta đất để làm bảo tàng tranh và lưu giữ của báu của nhân loại. Ông ta tuyên bố lưu giữ tranh của tôi trong một khu nhà riêng biệt về mảnh hồn làng. Tôi bám sát đề tài mảnh hồn làng vì nó là mảnh vỡ của cuộc đời tôi. Cái gì đó có thể đang mất đi và sẽ mất đi nhưng hồn quê trong tôi không mất. Không có làng quê sẽ không có gì cả... Có làng quê mới có phố phường. Cho nên làng quê nông thôn là hồn cốt của tôi. Khác biệt nhất là tôi dùng toàn một màu đen. Vừa có vừa không là màu đen. Vừa thực vừa hư là màu đen. Từ lúc đi học tôi đã vẽ bằng bút sắt và bút chì. Lúc tôi ở chiến trường, không có gì khác là bút sắt, một công cụ đơn giản mà cơ động, phác thảo nhanh về mặt trận. Bút sắt với tôi như là một ưu thế. Tuổi Giáp Thân của tôi hợp với màu đen. Màu đen! Một màu như vẽ được nhiều màu... Bộ đội tôi vẽ về chiến trận là chính. Tôi là một người nông dân chính hãng và người lính chính hãng. Người lính bao giờ cũng đậm nét trong tranh của tôi...”.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017, nói về Lê Mai: “... Tình cảm với quê hương đau đáu là nổi bật nhất, cho nên những đề tài về nông thôn vẫn được anh khai thác sâu hơn. Bây giờ anh sống ở TP Hà Nội mà hồn quê không mất. Lê Mai có một lối vẻ độc đáo mà không họa sĩ nào có thể bắt chước, mặc dù anh thiên về tả thực. Mảng thứ hai là đề tài về người lính, về chiến trường như một mỏ quặng quí vẫn được anh khai thác tiếp...”.

Ông Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia, khi xem bức tranh mô phỏng bài thơ Đợi anh về của Xi-mô-nốp, cảm động nói: “Đây là một bức tranh có hình ảnh người lính Việt Nam đang nhớ về người vợ ở hậu phương: Em ơi đợi anh về, nhưng người lính đã không về nữa, người đàn bà ở nhà vẫn chờ. Bức tranh như một niềm hy vọng, một lời dặn dò của người lính với hậu phương...”.

Vợ Lê Mai nói rất tự hào: “... Tôi rất yêu mỹ thuật và yêu làng quê nên tôi rất yêu tranh của anh ấy. Rồi từ đó, chúng tôi nên vợ nên chồng. Tôi rất tạo điều kiện để anh ấy vẽ. Là một người lính và lại là một người vợ, một hạt cát trong đời thường nhưng tôi vẫn dành hết thời gian lo công việc gia đình để anh ấy sáng tác. Anh ấy bảo tôi: Anh sẽ làm triển lãm về sơn dầu. Anh ấy vẽ nhiều về quê ngoại. Tôi sinh ra ở một ngôi chùa. Bốn đời làm cách mạng. Ông cụ nhà tôi là một nhà hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ. Anh ấy vẽ tranh về khu ATK rất nhiều, từ thời Bác Hồ về nước...”.

Bác Lê Huy Ngọ, khi xem một bức tranh có hình ảnh người đàn ông rách rưới, đang ngủ say sưa bên cạnh nhà mình, bác đã chỉ bức tranh và bảo tôi: Cậu thấy thế nào? Tôi không ngại ngần gì, thưa với bác: - Hình ảnh quê mình đấy. Chắc là anh ta đi chợ về hay say rượu nằm ngủ. Căn nhà lá, tường trát đất mưa làm rỗ tả tơi. Đúng là một anh nông dân rất nghèo, rất Thanh Hóa! Bác Ngọ bảo tôi: - Mình xúc động quá khi xem bức tranh này. Thanh Hóa quê ta ngày xưa đấy, anh Lộc ơi. Tôi định nói một câu gì đấy với bác Ngọ, nhưng rồi, tôi cũng nghẹn ngào không nói nên lời.

Một tranh khác vẽ căn nhà lá có tường bằng đất. Tôi nhìn kỹ thì ra là một cái chuồng trâu vì bên ngoài có một con trâu đen buộc thừng nằm cạnh chuồng. Bên cạnh con trâu là ba cây rơm đang còn đầy đặn. Chắc là mùa màng vừa xong. Lúa chất đầy sân. Một cái bừa để cạnh chuồng trâu... Những hình ảnh về tuổi thơ của tôi đã qua đi không bao giờ trở lại. Mảnh hồn làng của tôi đấy...

Một bức tranh khác vẽ một căn nhà lá rách tả tơi. Một cây rơm đã rút đi quá nửa. Cây rơm như muốn đổ. Người ta phải dùng nạng chống nghiêng nghiêng ngược chiều mới khỏi đổ. Một người đàn bà nón rách, quần xắn lên quá đầu gối đang đi vào nhà. Chắc chị vừa đi làm đồng về rút rơm để thổi cơm trưa chăng. Một cái cầu ao, một cái giếng nước và một cái giỏ bên cạnh một cái nơm. Sao mà giống quê tôi, Nông Cống ngày xưa thế.

Tôi nhớ mãi bức tranh anh vẽ con trâu bên cạnh đống rơm đã rút đi quá nửa. Anh Lê Mai ghi chú bài thơ của mình:

Thương trâu...

Thương trâu có một hàm răng

Đôi sừng cong bởi tháng năm nhọc nhằn

Cho người bao gạo bao cơm

Mà trâu lại cứ nhai rơm cả đời.

Đoạn thơ trích: Thương trâu hay quá. Nếu không phải một tâm hồn nghệ sĩ, không thể có được bức tranh ấy và bài thơ trâu hay thế.

Thời gian triển lãm còn khá dài, nhưng không khí buổi khai mạc hôm nay cũng đủ nung trong hồn tôi sức nóng về tình yêu quê hương và cảm xúc về cái nghèo xưa, mảnh hồn làng của họa sĩ Lê Mai đã lan sang tôi...

Tôi tin rằng họa sĩ Lê Mai sẽ còn sáng tạo nhiều hơn, cho dù tuổi bát tuần đang đến và mái tóc hoa râm đang càng bạc trắng thêm.

Linh Đàm, ngày 1-9-2018


Ký của LÊ TUẤN LỘC

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]