(Baothanhhoa.vn) - 90 năm đã trôi qua kể từ ngày Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập (29-7-1930 – 29-7-2020). Trên suốt chặng hành trình ấy, từng sự kiện, từng số phận con người như hòa quyện vào nhau trong nhiệt huyết cách mạng căng tràn, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tinh thần hy sinh cao cả, trở thành khúc ca đẹp trong tâm hồn lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay. Giờ đây, khúc ca ấy được viết nên một cách chân thực, sinh động thông qua những hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú đã góp phần làm nên thời kỳ cách mạng sôi nổi vận động, đấu tranh thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ vật nhắc nhớ về quá trình vận động, đấu tranh thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

90 năm đã trôi qua kể từ ngày Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập (29-7-1930 – 29-7-2020). Trên suốt chặng hành trình ấy, từng sự kiện, từng số phận con người như hòa quyện vào nhau trong nhiệt huyết cách mạng căng tràn, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tinh thần hy sinh cao cả, trở thành khúc ca đẹp trong tâm hồn lớp lớp thế hệ cháu con hôm nay. Giờ đây, khúc ca ấy được viết nên một cách chân thực, sinh động thông qua những hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú đã góp phần làm nên thời kỳ cách mạng sôi nổi vận động, đấu tranh thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Những kỷ vật nhắc nhớ về quá trình vận động, đấu tranh thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh HóaKhông gian trưng bày các hiện vật về “truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945” tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Văn tự bán con, đấu vay lãi, thẻ thuế thân... và những đêm trường tăm tối

Từ khi đặt ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị dã man, tàn bạo và cực kỳ phản động trên tất cả các phương diện. Đối với Thanh Hóa, một tỉnh đất rộng người đông, giàu tài nguyên thiên nhiên, thực dân Pháp ra sức vơ vét những gì có thể với tốc độ, quy mô ngày càng tăng khiến cho đời sống của Nhân dân vô cùng khổ cực. Tình cảnh ấy được thể hiện rất rõ trong những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa khái quát “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945”. Đó là nội dung văn tự bán con viết bằng chữ Hán vừa có phần ngô nghê vừa như có điều gì đó nghẹn ngào, đáng thương cho thân phận người nông dân thấp cổ bé họng, cả cuộc đời “đói nghèo trong rơm rạ”: “Thôn Thượng, xã Nam Dương, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân. Cao Đăng Khoa và vợ nhân thiếu tiền tiêu dùng có con trai là Cao Đăng Cơ (13 tuổi) đem bán cho cậu ấm Nguyễn Xuân Vinh và vợ ông làm con nuôi, theo giá tiền là 10 đồng đem về để tiêu dùng. Cao Đăng Cơ được giao cho chủ mua nuôi dưỡng, nhược bằng vi phạm pháp luật sẽ chịu theo phép nước”. Nếu không tận mắt đọc được nội dung văn tự bán con ấy, thế hệ cháu con hôm nay làm sao hiểu hết được những cơ cực, lầm than, tủi nhục mà Nhân dân một đất nước nô lệ phải gánh chịu? Hình ảnh đấu vay lãi của địa chủ phong kiến; thẻ thuế thân giai đoạn trước cách mạng tháng 8-1945... luôn là “bóng ma” chầu chực, đe dọa cuộc sống của Nhân dân ta lúc bấy giờ.

Trong khi đó, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta thất bại, bị đàn áp do thiếu đường lối đúng đắn, tổ chức lỏng lẻo, tương quan lực lượng lớn... Những hiện vật như: Gạo, thóc cháy trong kho của nghĩa quân Ba Đình (Nga Sơn) bị thực dân Pháp đốt cháy năm 1886; chiếc mai của Nhân dân dùng đào đất xây dựng chiến lũy Ba Đình (Nga Sơn)... là minh chứng cho sự nỗ lực trong tuyệt vọng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và tư sản do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo vào những năm 20 của thế kỷ XX.

Lá cờ đỏ búa liềm đầu tiên

Trong nhiều hiện vật gắn liền với quá trình vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiều người cảm thấy ấn tượng sâu sắc với hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên nóc nhà ga Thanh Hóa được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Dấu vết thời gian chẳng thể nào xóa nhòa đi ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù của quân và dân ta lúc bấy giờ. Câu khẩu hiệu in đậm trên nền cờ đỏ thắm vẫn mãi còn đó minh chứng cho khí thế cách mạng sục sôi: “Nông công binh liên hiệp lại! Phản đối đế quốc chiến tranh”. Hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm ấy như chiếc chìa khóa vạn năng, mở ra cánh cửa lịch sử, mở ra trước mắt người xem những hình dung chân thực, sinh động về thời kỳ vận động, đấu tranh thành lập Đảng diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Giữa lúc các cuộc khởi nghĩa, các phong yêu nước chống Pháp đều thất bại, nhiều thanh niên yêu nước người Thanh Hóa ra tỉnh ngoài, nước ngoài tìm đường giải phóng quê hương, đất nước, trở thành hạt nhân cho phong trào cách mạnh của quần chúng Nhân dân, tiêu biểu như: Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập, Lê Mạnh Trinh... Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí, hai tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản là Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Thanh Hóa sớm thành lập và hoạt động sôi nổi, tích cực đã tạo tiền đề cho Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp trở về Thanh Hóa vận động thành lập Đảng bộ. Ngày 25-6-1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời. Ngày 10-7-1930, chi bộ cộng sản thứ 2 ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22-7-1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ 3 ra đời do ông Lê Văn Sỹ làm Bí thư. Trên cơ sở 3 chi bộ cộng sản, ngày 29-7-1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Hội nghị bầu Ban Chấp hành tỉnh bộ lâm thời do đồng chí Lê Thế Long làm bí thư. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định, trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Thanh Hóa giai đoạn 1930 – 1931, 1936 - 1939 đến 1940 - 1945 vượt qua nhiều chông gai thử thách, chính là những bước tập dượt vô cùng quan trọng tạo điều kiện, tiền đề để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh.

Chiếc cặp da sờn rách – “Báu vật” của quê hương, dòng họ

Chia tay Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn - một người con ưu tú của phong trào cách mạng, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Cự Đà nói riêng và huyện Hoằng Hóa nói chung vào những ngày tháng 7 lịch sử. Trải qua biết bao thăng trầm và biến cố lịch sử, ngôi nhà vẫn còn đó dáng dấp quen thuộc của những ngôi nhà cổ ở làng quê Bắc bộ. Kỷ vật duy nhất mà cháu con còn giữ được về đồng chí Lê Viết Phồn là một chiếc cặp da sờn rách đã theo ông trong suốt những ngày tháng hoạt động cách mạng. Con cháu nâng niu, gìn giữ kỷ vật ấy như báu vật. Trong ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc này, những người cộng sản ưu tú đã tụ họp về đây, đêm ngày vận động quần chúng Nhân dân, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin, thổi một luồng ánh sáng mới vào phong trào cách mạng Cự Đà.

Năm 1930, đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đến quê nhà sau thời gian hoạt động cách mạng tích cực tại Thái Lan, mang theo nhiệm vụ nặng nề là thành lập tổ chức Đảng Cộng sản tại địa phương.

Bằng bản lĩnh chính trị kiên cường, sự nhạy bén của người đảng viên và đặc biệt là những mối liên hệ gắn bó, tin tưởng giữa những người cùng chung chí hướng, một chi bộ cộng sản đã được thành lập tại làng Cự Đà do đồng chí Lê Hữu Lập trực tiếp chỉ đạo. Tháng 9-1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Lập, chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đã được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn. Chi bộ gồm ba đảng viên: Đồng chí Lê Viết Phồn – bí thư chi bộ, đồng chí Trương Khắc Khoan và đồng chí Trương Khắc Cần. Những “hạt giống đỏ” đã được gieo mầm, ngọn cờ cách mạng đã được giương cao trên mảnh đất vốn có bề dày truyền thống yêu nước. Từ “cái nôi cách mạng Cự Đà”, dưới ngọn cờ Đảng soi đường dẫn lối, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa bùng lên thành cao trào mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, động viên to lớn cho những bước phát triển tiếp theo của phong trào cách mạng, mà tiêu biểu nhất là thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hoằng Hóa ngày 24-7-1945. Thắng lợi của quân và dân huyện Hoằng Hóa tạo động lực thúc đẩy các địa phương trong tỉnh đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào thành công của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước, tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng.

Nếu mỗi con người đều mang trong mình một số phận riêng thì mỗi hiện vật lịch sử còn được lưu giữ, bảo tồn qua hành trình tháng năm vẫn luôn ẩn chứa trong đó những câu chuyện, hồi ức, kỷ niệm, sự kiện xúc động, thiêng liêng. Nó cũng giống như cái cách từng hiện vật, tư liệu, hình ảnh đang thầm thì kể chuyện lịch sử, nhắc nhớ về quá trình vận động, đấu tranh thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. 90 năm đã đi qua kể từ khi xứ Thanh có Đảng. Nhằm phát huy truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; cùng với cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thanh Hóa ngày càng phát triển, hướng tới khát vọng thịnh vượng, sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]