(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh buộc phải điều chỉnh chương trình công tác, hoạt động sao cho vừa phù hợp với tình hình, vừa quan tâm tới đời sống nghệ sĩ, diễn viên.

Nghệ sĩ sân khấu xứ Thanh nỗ lực vượt khó mùa dịch

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh buộc phải điều chỉnh chương trình công tác, hoạt động sao cho vừa phù hợp với tình hình, vừa quan tâm tới đời sống nghệ sĩ, diễn viên.

Nghệ sĩ sân khấu xứ Thanh nỗ lực vượt khó mùa dịchNhà hát Ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng biểu diễn và ghi hình vở diễn “Cuội ơi hãy về” phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng trong dịp Tết Trung thu năm nay.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn là một trong những đơn vị nghệ thuật có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tham gia nhiều sự kiện quan trọng, các lễ hội lớn, cũng như các hoạt động biểu diễn phục vụ công chúng, bà con Nhân dân ở các vùng miền trong tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện các nhiệm vụ công tác năm gặp nhiều khó khăn, vì vậy nhà hát đã có những điều chỉnh để duy trì hoạt động. Nhà hát vẫn xây dựng các vở diễn theo các thể loại như: kịch ngắn, tiểu phẩm sân khấu..., phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh ghi hình, phát sóng trên chuyên mục sân khấu truyền hình, thay cho việc phục vụ tại rạp. Các vở diễn bám sát những vấn đề nóng của xã hội, gia đình và đặc biệt là tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Đây cũng là sự chuẩn bị của nhà hát để tham gia các liên hoan, hội thi, cuộc thi sân khấu khu vực và toàn quốc khi các sự kiện này được phép tổ chức. Các vở diễn đã được nhà hát đầu tư, dàn dựng công phu như: vở kịch ngắn “Thức tỉnh”, vở kịch “Tổ ấm gia đình”, hay gần đây nhất là vở diễn “Cuội ơi hãy về” phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè và Tết Trung thu năm nay.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Trọng Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn cho biết: Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà hát phải cố gắng duy trì hoạt động chuyên môn. Đầu năm, nhà hát đã kịp hoàn thành các chuyến lưu diễn tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển. Đồng thời, nhà hát đã xây dựng các vở diễn, chương trình ca múa nhạc để ghi hình, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để các chương trình sân khấu, chương trình nghệ thuật vẫn đến được với công chúng và quan trọng nhất là vẫn bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện tuyên truyền các sự kiện quan trọng của tỉnh. Công tác chuyên môn được duy trì sẽ giúp các nghệ sĩ, diễn viên được tham gia biểu diễn, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tương tự như vậy, từ đầu năm đến nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các liên hoan, hội thi, hội diễn, các cuộc thi tài năng sân khấu cấp khu vực và toàn quốc không thể tổ chức; các lễ hội văn hóa truyền thống lớn trong tỉnh cũng đã cắt bỏ phần hội, vì vậy các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát có rất ít “đất diễn”. NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, chia sẻ: “Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn vị đã quan tâm, động viên, bảo đảm các chế độ cho nghệ sĩ, nhất là 15 lao động hợp đồng. Nhà hát dàn dựng vở cải lương “Điều còn lại” để chuẩn bị tham gia Hội diễn Cải lương toàn quốc sắp tới; đồng thời thực hiện những nhiệm vụ quan trọng khác như: bảo tồn dân ca dân vũ, xây dựng các vở tuồng, chèo ngắn để ghi hình, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh”. Trong khi đó, các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng nỗ lực vượt khó, xây dựng và thực hiện các chương trình tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; phòng chống dịch COVID-19 bằng các bài phát thanh tuyên truyền, chương trình ca múa nhạc, tiểu phẩm, kịch ngắn (ghi hình, phát sóng). Cùng với sự quan tâm chăm lo đời sống của lãnh đạo đơn vị, về cơ bản các nghệ sĩ, diễn viên của trung tâm vẫn giữ được ngọn lửa say mê nghề nghiệp, đồng lòng vượt khó cùng đơn vị.

Bên cạnh việc hoàn thành mọi nhiệm vụ của đơn vị, các nghệ sĩ sân khấu xứ Thanh thường tranh thủ tham gia các chương trình, sự kiện để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động nói trên đều tạm dừng hoặc hạn chế, các nghệ sĩ gần như “hết đất diễn”. Trong khi đó, mức lương hàng tháng vẫn nhận được từ đơn vị nhưng khá khiêm tốn. Vì vậy, gần 2 năm nay, đời sống các nghệ sĩ sân khấu, nhất là những người đang trong diện hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn, chật vật. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã phải tìm công việc mới để làm thêm như: bán quần áo, mỹ phẩm online; ship rau quả thực phẩm, các món ăn... để trang trải cuộc sống... Nghệ sĩ Hoàng Giang, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn chia sẻ: Trước kia, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên có thêm nguồn thu nhập ngoài từ các show dẫn chương trình, hát, múa tại các chương trình, sự kiện... Cùng với mức lương, chế độ từ đơn vị, đây là nguồn thu nhập quan trọng với mỗi nghệ sĩ. Nay tình hình khó khăn, mỗi nghệ sĩ, diễn viên đều phải cố gắng vượt khó. Bởi ai cũng biết rằng, có rất nhiều đồng nghiệp ở các tỉnh, thành phố vùng dịch còn khó khăn hơn gấp bội.

Qua trao đổi với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh, được biết, một trong những ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là động viên tinh thần, quan tâm tới tình hình đời sống của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, để tiếp tục giữ được “ngọn lửa” đam mê với nghề, các đơn vị đều nỗ lực duy trì các hoạt động, nhất là xây dựng các vở diễn để tham gia các liên hoan, cuộc thi sân khấu khu vực và toàn quốc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự nỗ lực vượt khó của mỗi nghệ sĩ cũng sẽ góp phần chia sẻ khó khăn chung của tỉnh trong giai đoạn cao điểm chống dịch hiện nay.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]